Xác định nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh là khâu đột phá, thời gian qua, ngành y tế Yên Bái đã chú trọng triển khai kỹ thuật mới, chuyên sâu mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người bệnh, nhất là với bệnh nhân nghèo được tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại địa phương.
Tăng cường dịch vụ kỹ thuật cao tại chỗ
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái mới đây đã tiếp nhận bệnh nhân nam (61 tuổi) vào viện sau một buổi sáng bị đau ngực nhiều, cảm giác tim bị bóp nghẹt. Qua kết quả xét nghiệm cận lâm sàng, chụp chiếu, bác sĩ chẩn đoán ông bị nhồi máu cơ tim cấp và chuyển lên phòng can thiệp tim mạch bằng máy DSA. Nam bệnh nhân được phát hiện bị tắc hoàn toàn động mạch liên thất trước và được can thiệp ngay.
Bác sĩ Trần Văn Lâm (đơn vị Tim mạch thuộc khoa Nội AB) cho biết, quá trình can thiệp mất 20 phút, đoạn tắc được tái thông. Các bác sĩ cũng phát hiện thêm bệnh nhân bị hẹp 90% động mạch vành phải. Sau can thiệp thì một 30 ngày, bệnh nhân được hẹn tái khám để can thiệp thì hai.
Theo bác sĩ Lâm, trước năm 2020 (khi chưa có máy DSA), 100% các ca bệnh có biểu hiện đau ngực và tổn thương mạch vành đều phải chuyển tuyến lên Hà Nội, quá trình di chuyển mất khoảng 3-5 giờ đồng hồ, đặt ra rất nhiều nguy cơ cho bệnh nhân. Từ năm 2020 đến nay, nhờ được các chuyên gia hàng đầu từ Bệnh viện Bạch Mai dìu dắt, hỗ trợ, các bác sĩ của khoa đã làm chủ được kỹ thuật can thiệp mạch trên máy DSA. Mỗi tháng, khoa thực hiện can thiệp mạch cho từ 30-40 bệnh nhân, đặt stent từ 10-15 ca. Thời gian cho mỗi cuộc can thiệp rút ngắn chỉ còn 20 phút.
Bác sĩ Trần Lan Anh, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái, chia sẻ, trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trong cả nước, các bệnh viện trung ương cũng kiểm soát rất chặt chẽ để đảm bảo phòng, chống dịch và cung cấp dịch vụ cho đúng người, đúng thời gian, đúng thời điểm. “Vì vậy chúng tôi đã phối hợp với các bệnh viện trung ương để có thể đăng ký chuyển tuyến để đảm bảo những bệnh nhân cần chuyển tuyến không bị chậm trễ. Mặt khác, chúng tôi tăng cường dịch vụ kỹ thuật cao tại chỗ để có thể phục vụ người dân, không phải chuyển lên tuyến trên.
Hiện tại, bệnh viện đã triển khai được nhiều kỹ thuật mới và phối hợp với các bệnh viện tuyến trung ương thực hiện nhiều kỹ thuât cao, chuyên sâu có hiệu quả. Về hồi sức cấp cứu, bệnh viện thực hiện thường quy lọc máu liên tục, lọc máu nhân tạo, thay huyết tương, kỹ thuật điều trị tiêu sợi huyết, kỹ thuật dẫn lưu não thất ra ngoài và đo áp lực nội sọ cho bệnh nhân xuất huyết não, điều trị sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng.
Bệnh viện được trang bị và đã làm chủ được các kỹ thuật can thiệp mạch trên máy DSA, nút mạch điều trị u gan, chấn thương lách, điều trị giãn tĩnh mạch chi dưới bằng lasez; đặt máy tạo nhịp, holter huyết áp, điện tim. Các bác sĩ bệnh viện đã thực hiện các ca phẫu thuật sọ não, u não, phẫu thuật nội soi lấy máu tụ nội sọ, phẫu thuật cột sống, phẫu thuật vi phẫu…
Tận dụng được khoảng “thời gian vàng”
Nhờ được các bác sĩ Trung tâm Cấp cứu (A9) Bệnh viện Bạch Mai đào tạo kỹ càng, từ giữa năm 2018, Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã làm chủ kỹ thuật tiêu sợi huyết cứu sống hơn 10 bệnh nhân/năm.
Bệnh nhân nữ 64 tuổi ở huyện Văn Chấn bị nhồi máu não, nhập viện lúc 0h30 ngày 16/12 vừa qua là một trong số nhiều bệnh nhân được các bác sĩ ở đây cứu sống khi tận dụng được khoảng “thời gian vàng”.
Người nhà bệnh nhân cho biết, gần nửa đêm, thấy mẹ nói ngọng, méo miệng, yếu dần nửa người, người con trai liền đưa mẹ vào Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ, cách nhà 25km để cấp cứu.
Ê kíp bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân chụp CT, xét nghiệm máu... Sau khi xác định loại trừ khả năng bệnh nhân bị xuất huyết não, chỉ định dùng thuốc tiêu sợi huyết cho người bị nhồi máu não được đưa ra, sau 2h30 phút từ khi bệnh nhân có dấu hiệu đầu tiên của bệnh lý này.
Sau 1 tiếng truyền chậm thuốc và liều tăng cường, bệnh nhân được theo dõi liên tục 15 phút/lần. Tới sáng 16/12, nữ bệnh nhân được cải thiện tình trạng nói ngọng, mạch máu được tái thông. Một ngày sau vào viện, bệnh nhân tỉnh táo, trao đổi được với bác sĩ, bắt đầu cử động được nửa người phải.
Bác sĩ Giàng A Vừ, người trực tiếp điều trị ca bệnh, chia sẻ: Trước đây các ca đột quỵ, nhồi máu não hay xuất huyết não ở khu vực thị xã Nghĩa Lộ đều phải chuyển đi Hà Nội nhanh nhất là 3,5 giờ đồng hồ vì đường xa, khó đi. Nếu tính cả thời gian chụp chiếu, xét nghiệm trước can thiệp... thì đồng nghĩa với việc bệnh nhân sẽ bị trễ quãng "thời gian vàng".
Đánh giá cao phản ứng nhanh nhạy của ê kip bệnh viện trong chẩn đoán sớm, chính xác tình trạng bệnh nhân, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng điều này rất quan trọng bởi đó là "chìa khoá" để đưa ra chỉ định kịp thời, cứu sống người bệnh. Ca cấp cứu này cũng cho thấy nhận thức của người dân về đột quỵ được nâng lên khi thấy các dấu hiệu ban đầu đã kịp thời đi cấp cứu.
Ông Khoa cũng cho rằng đây là dấu hiệu đáng mừng vì chỉ trong thời gian ngắn triển khai hệ thống hỗ trợ y tế từ xa telehealth, Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ và Bệnh viện Đa khoa Yên Bái cấp cứu, điều trị kịp thời rất nhiều ca bệnh, nếu chuyển lên tuyến trên thì khả năng cứu sống rất thấp. nhiều trường hợp bệnh nặng tử vong ngay tại bệnh viện tỉnh. Bên cạnh đó, thông qua chương trình đào tạo từ xa, cán bộ y tế ở tỉnh được cập nhật kiến thức mới, thông tin mới về thuốc, hướng dẫn bởi chuyên gia hàng đầu mà không mất nhiều công sức đi lại. Các cán bộ y tế còn được tham gia các buổi hội chẩn về các bệnh có thể ít gặp hoặc bệnh thông thường nhưng có những diễn biến đặc biệt và được các thầy thuốc tuyến trung ương trao đổi chia sẻ kinh nghiệm.
“Điều nay mang lại giá trị rất cao, nhiều người dân sẽ được hưởng lợi từ những hoạt động này. Lúc đó, chúng ta có quyền hy vọng, trong một thời gian nữa khoảng cách chuyên môn giữa tuyến trên và tuyến dưới sẽ được thu hẹp, không chỉ riêng ở bệnh viện tuyến tỉnh, mà còn ở tuyến huyện, tuyến xã”, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Khoa chia sẻ.
Bích Thủy