Yên Bái nỗ lực bứt phá trong chuyển đổi số

Yên Bái nỗ lực bứt phá trong chuyển đổi số

Xác định chuyển đổi số là một trong 3 nhiệm vụ chính trị trọng tâm, bằng nhiều cách làm sáng tạo, Yên Bái đã đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể. Sau gần 2 năm triển khai, công tác chuyển đổi số của tỉnh đạt được những kết quả quan trọng trên cả 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, chuyển đổi số của Yên Bái đang xếp thứ 27/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đứng thứ 5/14 tỉnh thuộc khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái cho biết, với nguồn lực còn hạn hẹp, tỉnh chủ trương chuyển đổi số có trọng tâm, trọng điểm, trong đó ưu tiên đầu tư cho các ngành, lĩnh vực đã có sẵn dữ liệu đầu vào, dễ làm trước, khó làm sau. Ưu tiên xây dựng chính quyền số với mục tiêu xuyên suốt là nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn; triển khai các mô hình thí điểm chuyển đổi số, từ đó đánh giá mục tiêu, công nghệ, cách làm, tính hiệu quả trước khi nhân rộng.

Yên Bái nỗ lực bứt phá trong chuyển đổi số ảnh 1 Ngày Hội chuyển đổi số tại phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái. Ảnh: TTXVN phát

Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh đề ra 22 mục tiêu về chuyển đổi số gồm: 15 mục tiêu phát triển chính quyền số, 2 mục tiêu phát triển kinh tế số và 5 mục tiêu phát triển xã hội số. Tính đến hết năm 2022, có 11/22 mục tiêu đạt và vượt chỉ tiêu; trong đó chính quyền số 7 mục tiêu, kinh tế số 1 mục tiêu, xã hội số 3 mục tiêu.

Nhờ đó, tỷ lệ dịch vụ công đủ điều kiện mức độ 4 được cung cấp trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh là 100%; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt 70%; toàn bộ hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan Nhà nước được thực hiện trên nền tảng quản trị tổng thể, thống nhất; 20% hoạt động giám sát, kiểm tra của cơ quan quản lý được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.

Yên Bái nỗ lực bứt phá trong chuyển đổi số ảnh 2Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn trình bày Đề án chuyển đổi số tỉnh Yên Bái tại Hội thảo chuyển đổi số với các doanh nghiệp. Ảnh: TTXVN phát

Từ kết quả đó cho thấy, 100% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính tại 3 cấp chính quyền; tỷ lệ hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã được giải quyết thành công đạt 95%. Cổng dịch vụ công đã kết nối, tiếp nhận, giải quyết 21/25 dịch vụ công thiết yếu, tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ đăng ký cư trú qua dịch vụ công đạt 77,8%, cao thứ 4 toàn quốc. Cấp mới 96% trong tổng số 700 nghìn hồ sơ cấp căn cước công dân; hướng dẫn kích hoạt thành công trên 43 nghìn tài khoản định danh điện tử…

Nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ toàn diện của tỉnh cho công tác chuyển đổi số trong doanh nghiệp, trọng tâm là hỗ trợ xúc tiến thương mại phát huy tác dụng. Điều đó giúp Yên Bái đang đứng thứ 7/63 tỉnh, thành phố trên cả nước về số sản phẩm được đưa lên các sàn thương mại điện tử với gần 300 sản phẩm thế mạnh, chủ lực của tỉnh và 138/138 sản phẩm OCOP của tỉnh được đăng tải.

Ông Vũ Vinh Quang, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, nhờ làm tốt việc xây dựng, vận hành gian hàng hội chợ trực tuyến (hội chợ 4.0) và hỗ trợ tham gia các hội chợ trực tuyến trong nước, quốc tế theo từng ngành hàng, sản phẩm, Yên Bái đã số hóa dữ liệu trên 53.000 hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh lên sàn thương mại điện tử với tổng số tài khoản hoạt động trên sàn thương mại điện tử là 132.688. Hiện tỉnh đứng thứ 14/63 tỉnh, thành phố về số lượng tài khoản hoạt động trên các sàn thương mại điện tử.

Triển khai trụ cột xã hội số được tỉnh Yên Bái tổ chức thông qua nhiều mô hình, trong đó mô hình Tổ chuyển đổi số cộng đồng là cách làm sáng tạo, phù hợp điều kiện thực tiễn. Hiện nay 100% các cơ quan, đơn vị và 1.356 khu dân cư, thôn bản trên toàn tỉnh thành lập Tổ chuyển đổi số cộng đồng với hơn 10.800 người tham gia. Đây thực sự là những đội quân tiên phong, tích cực đi từng ngõ, gõ từng nhà, tuyên truyền và chuyển giao công nghệ cho từng người dân.

Kết quả, 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý và 40% cán bộ, công chức trên toàn tỉnh đã được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cơ bản về chuyển đổi số. Đáng chú ý, trên 70% người sử dụng căn cước công dân gắn chip thay thẻ bảo hiểm y tế giấy khi khám chữa bệnh. Tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong thanh toán tiền điện đạt trên 66%, tiền nước đạt 40%; thanh toán không dùng tiền mặt của người dân qua tài khoản ngân hàng tăng gấp chục lần so với những năm trước.

Thành công bước đầu của Yên Bái được xuất phát từ sự thay đổi nhận thức đến hành động về chuyển đổi số của lãnh đạo tỉnh cho đến người dân, liên tục tìm tòi, đổi mới và duy trì các hoạt động chuyển đổi số đã có, đồng thời nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả trên cơ sở lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Trong đó, công tác thể chế hóa và tạo hành lang pháp lý cho chuyển đổi số được tỉnh đặc biệt coi trọng.

Yên Bái nỗ lực bứt phá trong chuyển đổi số ảnh 3VNPT Yên Bái cung cấp dịch vụ mạng Internet băng rộng tới hơn 81.000 thuê bao và khởi tạo ví điện tử trên 40.000 khách hàng thông qua điện thoại thông minh. Ảnh: Tiến Khánh - TTXVN

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái Hoàng Minh Tiến cho biết, đến nay tỉnh đã ban hành gần 50 chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch về lĩnh vực chuyển đổi số. Trong đó, có những cơ chế, chính sách phát triển đột phá trong công tác chuyển đổi số của Yên Bái được ban hành đầu tiên trên cả nước. Với hệ thống văn bản này, tỉnh cơ bản thiết lập được đường đi của chuyển đổi số cho giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo.

Công tác phát triển hạ tầng số luôn song hành, được đầu tư đồng bộ; 100% xã, phường, thị trấn đã có đường truyền băng rộng cáp quang. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng dịch vụ Internet đường truyền băng rộng cáp quang đạt 56%; số hộ gia đình có máy tính bảng, điện thoại thông minh đạt 94,7%. Toàn tỉnh có 1097 trạm BTS phủ sóng cho 1.329/1.356 thôn. Tỉnh chính thức thử nghiệm mạng 5G đầu tiên với 2 trạm đặt tại thành phố Yên Bái.

Năm 2023 được tỉnh Yên Bái chọn là Năm "bứt phá trong chuyển đổi số”. Ông Trần Huy Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Yên Bái tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số; ưu tiên bố trí đầu tư công để thực hiện các dự án phát triển hạ tầng, trung tâm dữ liệu, cơ sở dữ liệu, nền tảng, các ứng dụng, dịch vụ của tỉnh; triển khai nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ mới, các giải pháp tích hợp, ứng dụng, sản phẩm, giải pháp công nghệ thông tin, các nền tảng số phục vụ từng bước xây dựng đô thị thông minh, đảm bảo thành công các mục tiêu xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số đến năm 2025.

Tiến Khánh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm