Yên Bái khởi sắc từ nông thôn mới

Yên Bái khởi sắc từ nông thôn mới

Yên Bái khởi sắc từ nông thôn mới
Người dân xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên, đang xây dựng đường giao thông nông thôn. Ảnh: Đinh Thùy - TTXVN
Người dân xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên, đang xây dựng đường giao thông nông thôn. Ảnh: Đinh Thùy - TTXVN

Theo báo cáo của huyện Trấn Yên, trong giai đoạn 2016 - 2018, tổng nguồn vốn huy động thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đạt 109,6 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách trung ương 35,1 tỷ đồng, chiếm 32%; vốn trái phiếu Chính phủ 19,3 tỷ đồng (chiếm 17,6%); vốn ngân sách địa phương 51,2 tỷ đồng, chiếm 46,7% (ngân sách tỉnh 37,6 tỷ đồng, ngân sách huyện 13,5 tỷ đồng); vốn huy động từ cộng đồng dân cư 4 tỷ đồng, chiếm 3,6%.

Gần 8 năm xây dựng nông thôn mới, huyện đã hình thành các mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng áp dụng tiến bộ kỹ thuật và có sự liên kết chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị sản xuất và phát triển bền vững gồm: Vùng măng tre Bát Độ gần 3 nghìn ha, vùng quế gần 15 nghìn ha, chè chất lượng cao gần 200 ha, trồng dâu gần 350 ha.

Trong chăn nuôi, huyện đã từng bước chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi hàng hóa, phát triển được 447 cơ sở chăn nuôi tập trung. Từ đó, góp phần tăng năng suất, sản lượng và giá trị các sản phẩm, giúp nhiều hộ dân giảm nghèo và vươn lên làm giàu.

Cơ sở hạ tầng nông thôn cũng được đầu tư nâng cấp, 100% các thôn, bản trong huyện đã có đường ô tô; trong đó, 65% đường đã được bê tông hóa. Các công trình thủy lợi, chợ trung tâm xã, trường học, nhà văn hóa… trên địa bàn được kiên cố hóa, đảm bảo phục vụ cho giao lưu buôn bán, phát triển kinh tế - xã hội.

Hết tháng 11/2018, 100% các xã trên địa bàn huyện Trấn Yên đạt từ 10 tiêu chí trở lên, trong đó có 12 xã đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 57,1% và có 3 xã hoàn thành 19 tiêu chí đã được UBND tỉnh thẩm định. Đối với tiêu chí nông thôn mới cấp huyện, huyện đã đạt 6/9 tiêu chí.

Xã Đào Thịnh là một trong những điểm sáng xây dựng nông thôn mới của huyện, mặc dù là một xã có xuất phát điểm thấp, đời sống người dân sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Nhưng với sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền xã cùng với sự hưởng ứng của nhân dân và hỗ trợ của nhà nước, tỉnh, huyện, tháng 11/2016 xã được UBND tỉnh Yên Bái công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Trồng quế kết hợp với phát triển công nghiệp chế biến tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, đã giúp người dân nâng cao thu nhập góp phần xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Đinh Thùy – TTXVN
Trồng quế kết hợp với phát triển công nghiệp chế biến tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, đã giúp người dân nâng cao thu nhập góp phần xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Đinh Thùy – TTXVN

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, việc tuyên truyền, vận động người dân phát huy tính chủ động, tích cực tham gia luôn được xã chú trọng. Đối với những tiêu chí mà sự tham gia, vào cuộc của người dân là nhân tố quyết định như tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm... Việc vận động nhân dân tham gia hiến đất, đóng góp công lao động để xây dựng các công trình phúc lợi tại địa phương được coi là kinh nghiệm quý trong việc huy động sức dân.

Chị Phạm Thị Lĩnh, thôn 5, xã Đào Thịnh chia sẻ, khi xã triển khai mở rộng đường giao thông nông thôn, gia đình chị đã tự nguyện hiến 100 mét đường chiều dài và 5 mét chiều rộng với mong muốn người dân, các cháu học sinh đi lại thuận tiện hơn.

Bà Đoàn Thu Phượng, Phó Chủ tịch UBND xã Đào Thịnh cho biết, kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới của xã là được sự đồng thuận của nhân dân. Bên cạnh đó, phát huy được thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế như trồng dâu nuôi tằm và trồng quế kết hợp với phát triển công nghiệp chế biến tạo việc làm cho người dân nâng cao thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo. Thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt 26 triệu đồng/người, đến năm 2018 đạt 31 triệu đồng/người. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 là 7,4%, năm 2017 giảm còn 6,5%.

Thời gian tới, xã tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, tập trung thực hiện các tiêu chí giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường… Đặc biệt, tiếp tục mở rộng quy mô trồng dâu nuôi tằm và trồng quế nhằm hình thành vùng sản xuất theo hướng hàng hóa.

Lá quế được thu mua để chế biến thành tinh dầu tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, tạo việc làm cho người dân. Ảnh: Đinh Thùy – TTXVN
Lá quế được thu mua để chế biến thành tinh dầu tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, tạo việc làm cho người dân. Ảnh: Đinh Thùy – TTXVN

Ông Nguyễn Đức Mầu, Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết, xây dựng nông thôn mới là một quá trình lâu dài, do đó yêu cầu đặt ra phải có từng bước đi cụ thể, vững chắc, không chạy theo thành tích. Đặc biệt, đối với huyện miền núi Trấn Yên việc xây dựng nông thôn mới gặp rất nhiều khó khăn, toàn huyện vẫn còn 4 xã là xã đặc biệt khó khăn, đời sống của nhân dân còn ở mức thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, điều kiện kinh tế, văn hóa xã hội, cơ sở hạ tầng khu vực đồng bào người dân tộc Mông ở xã Hồng Ca và Kiên Thành còn nghèo nàn lạc hậu. Hiện trên địa bàn huyện còn 4 xã đạt từ 14 -16 tiêu chí, 2 xã đạt từ 10-12 tiêu chí ( xã Hồng Ca và Kiên Thành).

Theo Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 của Thủ tướng Chính phủ, các xã trong huyện Trấn Yên chưa cán đích nông thôn mới chủ yếu gặp khó khăn khi thực hiện các tiêu chí về cơ sở hạ tầng (giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, y tế); các tiêu chí về kinh tế và tổ chức sản xuất (thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo); tiêu chí về văn hóa, xã hội, môi trường…

Ông Cháng A Sai, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Ca cho biết, xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống người dân còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhiều phong tục tập quán lạc hậu như chăn thả gia súc dưới sàn nhà, rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi… nên quá trình xây dựng nông thôn mới, xã gặp nhiều khó khăn ở tiêu chí số 10 về thu nhập, tiêu chí số 11 về  hộ nghèo và đặc biệt ở tiêu chí số 17 về môi trường.

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng huyện Trấn Yên đang nỗ lực, quyết tâm thực hiện thắng lợi Chương trình xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu đến năm 2020, 100% số xã của huyện đạt chuẩn nông thôn mới, xây dựng 1-2 xã đạt xã nông thôn kiểu mẫu đưa Trấn Yên là huyện đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái. Huyện tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với xã đã đạt chuẩn, chú trọng phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa nhằm nâng cao giá trị thu nhập cho người dân.
 
Đinh Thùy

Có thể bạn quan tâm