Y tá Nguyễn Thị Xuân giúp các bệnh nhân phong tập phục hồi chức năng. Ảnh: Diệp Trương - TTXVN |
Tấm lòng thơm thảo vượt lên dị nghị Y tá Nguyễn Thị Xuân (sinh năm 1957), sinh ra và lớn lên trong gia đình có 5 chị em tại xã Đại Xuân, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Mẹ qua đời khi Xuân lên 3 tuổi, bố mất từ khi lên 10. Lớn lên, Nguyễn Thị Xuân trở thành giáo viên mầm non dạy học tại địa phương. Một lần, vô tình đọc cuốn sách “Lạc quan trên miền thượng” kể về cuộc sống của bệnh nhân phong tại Lâm Đồng, Xuân không cầm được nước mắt. Y tá Nguyễn Thị Xuân kể lại, năm 1987, bà tìm đến Trại phong Quả Cảm (nay là Bệnh viện Da liễu Bắc Ninh). Tại đây, bà được tận mắt chứng kiến một đám tang “3 không” của bệnh nhân phong: Không kèn trống, không nước mắt và không người thân tiễn biệt. Về nhà, bà không thể quên hình ảnh đó, cứ thấy day dứt. Nhiều người đã sống cả cuộc đời ở đây, không dám về nhà thăm quê hương, con cháu vì sợ ảnh hưởng đến mọi người xung quanh, hàng xóm kỳ thị. Họ phải sống trong sự cô đơn, người thân xa lánh, thiếu thốn tình cảm… Bà rất thương họ, muốn coi họ như bố mẹ mình. Sau những giờ lên lớp, bà Xuân lén đến trại phong chăm sóc bệnh nhân. Bà không ngại bế, cõng, tắm rửa, bón cơm, cháo hay dọn phòng ở cho bệnh nhân. Đến giữa năm 1987, bà Xuân quyết định xin nghỉ dạy học để lên Trại phong làm việc. Khi biết tin, họ hàng, bạn bè ra sức ngăn cản và khuyên bà suy nghĩ lại. Người thân còn dọa từ mặt, hàng xóm đồn đoán, nói bà bị thần kinh, gàn dở… thậm chí có người cười mỉa mai, gọi là Xuân “hủi”. Bỏ qua những lời dị nghị, bà quyết tâm lên gặp Ban Giám đốc Trại phong Quả Cảm để xin ở lại làm việc.
Y tá Nguyễn Thị Xuân kiểm tra khớp chân của bệnh nhân phong. Ảnh: Diệp Trương - TTXVN |
Y tá Xuân nhớ lại, khi đó, ai cũng ngạc nhiên vì chưa có trường hợp nào đến trại phong xin việc. Tuy nhiên, sau những lời bộc bạch cùng tình cảm chân thành, lãnh đạo Trại phong đã đồng ý nhận bà Xuân về làm y tá. Đến năm 1988, bà Xuân được cử vào thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) học trung cấp y. Học xong, bà tiếp tục chờ 1 năm thử thách mới nhận được quyết định công tác của tỉnh Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang) vào làm việc tại Trại phong Quả Cảm đến nay.“Bà tiên” của trại phong Hàng ngày, Y tá Nguyễn Thị Xuân được giao nhiệm vụ chính là lau chùi vết thương, làm chân tay giả cho người bệnh và hỗ trợ bệnh nhân tập luyện tại phòng tập phục hồi chức năng. Bà Xuân sẵn sàng túc trực bên bệnh nhân 24/24 giờ, không quản ngại sáng sớm hay đêm khuya, nắng nóng hay mưa bão… Hơn 31 năm qua, bà Xuân đã tự tay tắm rửa, xây mộ, chôn cất cho gần 200 bệnh nhân phong. Bà bắt đầu công việc này bằng sự đồng cảm, tình thương giữa con người với con người, trách nhiệm của một y tá với bệnh nhân của mình. Không giống các bệnh nhân khác, bệnh nhân phong phải chịu nỗi đau về thể xác, sự kỳ thị của mọi người và thiếu thốn tình cảm. Bà mong muốn đem tình yêu của mình giúp họ vui hơn, khỏe mạnh hơn. "Chỉ mong mình có thật nhiều sức khỏe, thêm thời gian để chăm sóc bệnh nhân" - Y tá Nguyễn Thị Xuân tâm sự. Ông Nguyễn Văn Trấn (quê ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết: Từ ngày có Y tá Nguyễn Thị Xuân, chúng tôi thấy rất vui. Y tá Xuân như “bà tiên phúc hậu giữa chuyến tàu bệnh tật tối tăm” của chúng tôi vậy. Chung nỗi niềm với ông Trấn, cụ Ngô Thị Soạn, quê ở huyện Thanh Trì (Hà Nội), người đã điều trị tại Bệnh viện Da liễu Bắc Ninh từ năm 1965 cho biết, khoảng 30 năm trở lại đây, Bệnh viện như được tái sinh, cây cỏ dại, nhà cửa lụp xụp được thay bằng những vườn rau và cây ăn quả xanh mướt, ngôi nhà khang trang, sạch sẽ hơn. "Chúng tôi quây quần với nhau thành một xóm nhỏ với gần 100 người, phân chia thành các tổ, cùng chia sẻ vui buồn, trong đó người quan trọng nhất là Y tá Xuân. Chị hy sinh cả cuộc đời mình vừa làm y tá, vừa làm con, vừa làm cha mẹ vừa làm tổ trưởng kết nối những người già cô đơn lại với nhau", cụ Soạn xúc động nói. Thấu hiểu nỗi khổ của bệnh nhân phong, năm 1991, Y tá Xuân vào Thành phố Hồ Chí Minh học gò sắt làm chân tay giả. 8 năm sau, Y tá Xuân tiếp tục vào Quy Nhơn học làm dép chỉnh hình cho những đôi chân bị cụt. “Niềm vui lớn nhất trong cuộc đời tôi là nhìn thấy những bệnh nhân có thể đi lại được, thậm chí có người còn tự nấu cơm, trồng rau, làm vệ sinh cá nhân”, Y tá Xuân chia sẻ.
Y tá Nguyễn Thị Xuân thăm khám, kiểm tra các đốt ngón tay cho bệnh nhân phong. Ảnh: Diệp Trương - TTXVN |
Bằng lòng nhiệt huyết và tấm lòng nhân hậu, Y tá Xuân còn kêu gọi nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí xây dựng nhà ở, phòng mổ, phòng tập, nhà ăn tập thể, nhà khách, nhà tang lễ, sửa chữa đường đi trong bệnh viện… Số tiền dư, Y tá Xuân hỗ trợ các gia đình nuôi cá, trồng cây ăn quả. Đặc biệt, Y tá Xuân kết nối, kêu gọi nhà hảo tâm chung tay xây dựng gần 200 ngôi nhà cho bệnh nhân phong trên khắp cả nước để họ có nơi ở sạch sẽ, khang trang, yên tâm chữa bệnh. Bà còn làm mối se duyên cho hơn 20 vặp vợ chồng, tiếp tục chăm lo cho con em bệnh nhân phong. “Mặc dù đã được về hưu từ năm 2012 nhưng tôi viết đơn tự nguyện xin ở lại đây, tiếp tục công việc của mình, khắc ghi lời Bác Hồ dạy "lương y như từ mẫu". Nhiều người cũng khuyên tôi nên về quê nghỉ ngơi, dành thời gian cho bản thân, có người mời tôi làm công việc khác lương cao hơn nhưng tôi đều từ chối. Tôi vẫn còn khỏe, còn làm được nhiều việc giúp họ và họ cũng cần tôi chăm sóc. Còn sức khỏe, tôi còn làm việc”, Y tá Xuân tâm sự. Theo Bác sĩ Nguyễn Thị Tý, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Da liễu tỉnh Bắc Ninh, hơn 30 năm công tác tại bệnh viện, Y tá Nguyễn Thị Xuân được bệnh nhân kính trọng, đồng nghiệp yêu quý. Y tá Xuân đã dành cả cuộc đời gắn bó với bệnh viện, bệnh nhân phong. Y tá Xuân tận tụy và nhiệt tình trong công tác chuyên môn cũng như chăm sóc cuộc sống hàng ngày cho bệnh nhân phong, nhờ đó, nhiều người đã sống tích cực hơn. Ngoài ra, Y tá Xuân còn kêu gọi nhà hảo tâm giúp đỡ bệnh nhân phong tỉnh Bắc Ninh cũng như một số tỉnh khác… Từ những sự hy sinh thầm lặng đó, Y tá Nguyễn Thị Xuân đã được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba và nhiều Bằng khen, Giấy khen. Bà là điển hình tiên tiến được UBND tỉnh Bắc Ninh tuyên dương tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2018).
Diệp Trương