Ở tuổi 67, lại mang trong người căn bệnh tiểu đường, nhưng vẫn không cản trở ông Hoàng Khắc Hiến (ngụ tại phường Trà An, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ) tham gia tình nguyện phòng, chống dịch COVID-19 tại địa phương xuyên suốt thời gian qua. Ông Hiến hiện là người lớn tuổi nhất và cũng là tình nguyện viên về hưu duy nhất đang làm việc tại Trạm Y tế lưu động phường Trà An. Đối với người y sĩ, việc được tiếp tục sống, cống hiến cho lý tưởng nghề là niềm vui và may mắn mà bản thân có được.
Không ngừng cống hiến vì đam mê ngành Y
Bắt đầu từ năm 1976 với vai trò y tá của Công an nhân dân vũ trang (nay gọi là Bộ đội Biên phòng) tại Thành phố Hồ Chí Minh, đến nay, ông Hoàng Khắc Hiến đã có 45 năm gắn bó với nghề y.
Ông Hoàng Khắc Hiến chia sẻ, được khám, chữa bệnh cho người khác là niềm đam mê lớn mà ông theo đuổi từ khi còn nhỏ. Cũng vì vậy, dù con đường sự nghiệp nhiều lúc không suôn sẻ, ông vẫn không xa rời nghề.
Vào năm 1979, để phát triển chuyên môn, ông Hiến trở thành học viên y sĩ tại Quân khu 9, sau đó làm việc tại Trạm xá của trường với vai trò Trạm xá trưởng. Tuy nhiên, đến năm 1991, ông nghỉ việc theo chế độ giảm biên chế của ngành.
Ở độ tuổi còn nhiều hoài bão với nghề, ông Hiến quyết định không bỏ cuộc mà tiếp tục gắn bó với nghề y theo một cách khác. Suốt 30 năm tính đến hiện tại, ông tình nguyện tham gia khám chữa bệnh tại Tổ Y tế phường Trà Nóc và sau đó là Tổ Y tế phường Trà An (thuộc quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ). Phòng khám đặt tại nhà ông, cũng đồng thời là Tổ Y tế khu vực được nhiều người dân quanh vùng biết đến và luôn tìm đến như một địa điểm uy tín để khám, chữa bệnh.
Thời gian qua, chứng kiến đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, ông Hoàng Khắc Hiến không ngần ngại tham gia phòng, chống dịch ngay khi nhận được lời kêu gọi của chính quyền địa phương. Theo ông Hiến, mong muốn đơn thuần lúc ấy của bản thân là có thể góp một phần sức mình trong hoàn cảnh khó khăn mà đất nước gặp phải.
Mặc dù đã lớn tuổi, ông vẫn trực tiếp tham gia đủ các công tác tình nguyện y tế tại địa phương, từ việc tiêm vaccine, test định kỳ cho đến cấp phát thuốc và quản lý F0, F1 điều trị tại nhà.
Trong thời điểm hiện tại, Khu vực 2 phường Trà An có khoảng 20 F0 đang điều trị tại nhà và trên 30 F1 đang cách ly y tế tại nhà. Ông Hiến cùng những người đồng nghiệp thường phải làm việc liên tục từ sáng đến chiều cho đến khi xong việc. Những lúc các khu vực khác thiếu lực lượng, ông xung phong đến để tăng cường.
Ngoài tham gia phòng, chống dịch, trong những ngày bình thường, người y sĩ vẫn tận tụy và gắn bó với công việc chăm sóc sức khỏe người dân mà ông vẫn làm bấy lâu nay.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh, ông Hiến thường xuyên thăm, khám bệnh cho những người lớn tuổi tại địa bàn mình phụ trách. Theo ông, việc này nhằm phần nào làm giảm áp lực cho tuyến trên cũng như giảm rủi ro cho đối tượng người già không phải đến các cơ sở y tế - nơi có nhiều nguy cơ lây nhiễm.
Bình thản trước những khó khăn
“Nhiệt huyết nhưng luôn giữ một tâm thế bình thản” là những gì nhiều người thường mô tả khi nhắc về ông Hiến. Dù thể hiện sự tận tâm hiếm có với công việc, nhưng khi nói về công tác tình nguyện của mình, ông Hiến cho rằng những điều bản thân đang làm “không hề đặc biệt và ai cũng có thể làm được”.
Ông Hoàng Khắc Hiến chia sẻ: “Trong bối cảnh hiện tại, nhân lực y tế của phường đang thiếu thốn rất trầm trọng, công việc của các anh, chị rất vất vả, phải hoạt động ngày đêm để truy vết F0, ngoài ra còn hỗ trợ các gia đình F0 cách ly và nhiều công việc phát sinh khác. Nếu so với những lực lượng tuyến đầu ấy, công việc của tôi nhàn hạ hơn rất nhiều”.
Tuổi đã cao lại mang trong người căn bệnh tiểu đường, ông Hiến nhận thức rõ những rủi ro mà mình có thể gặp phải trong quá trình tham gia tình nguyện y tế. Tuy vậy, ông cho rằng công việc tình nguyện mà bản thân đang làm “nếu sợ thì không bao giờ làm được”.
“Không sợ” không có nghĩa là “liều lĩnh”, theo người cựu y sĩ quân y, điều giữ cho bản thân ông luôn bình thản trước nguy hiểm là một thái độ nghiêm túc và kỷ luật với sức khỏe của bản thân. Trong đó, thực hiện 5K, tránh tụ tập đông người là những nguyên tắc đơn giản được đặt lên trên hết.
Ông Hiến luôn cố gắng thực hiện đúng hướng dẫn an toàn y tế trong quá trình hoạt động. Trường hợp sau khi phát hiện tiếp xúc F0, ông luôn tiến hành tự test và theo dõi sức khỏe.
Bà Nguyễn Thị Sáu, người bạn đời của ông Hoàng Khắc Hiến chia sẻ: “Thực sự thấy chồng mình ngày đêm hết mình vì công việc, tôi cũng có chút lo lắng, nhất là khi trong người ông cũng có bệnh và không còn khỏe như trước. Tuy nhiên, gắn bó nhiều năm, tôi thấu hiểu đam mê và hoài bão mà ông mang trong người. Vì vậy, tôi chỉ có thể ủng hộ và hỗ trợ hết mức với những công việc ông đang làm”.
Ông Trần Văn Thành, Trưởng khu vực 2, phường Trà An (quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ) cho biết: Ở thời điểm hiện tại khi lực lượng y tế tuyến phường đang “gồng mình” vì quá tải, sự hỗ trợ của những tình nguyện viên về hưu như ông Hoàng Khắc Hiến là rất kịp thời. Suốt thời gian phòng, chống dịch vừa qua, ông Hiến đã thể hiện một sự nhiệt huyết và năng nổ trong nhiều công tác hỗ trợ y tế tại địa phương để mang lại nhiều kết quả thiết thực, thậm chí không hề thua kém các nhân viên y tế trẻ khác.
Về dự định tương lai, ông Hoàng Khắc Hiến cho biết không có mong muốn gì khác ngoài việc có thể tiếp tục cống hiến hết mình về chuyên môn, năng lực cho công cuộc phòng, chống COVID-19 chung của xã hội. Ngay cả khi hết dịch, người y sĩ cho biết “chỉ cần còn sức là còn làm”, ông vẫn sẽ tham gia tình nguyện tại các Tổ Y tế địa phương để tiếp tục được sống trọn với nghề mà mình yêu quý.
Trung Kiên