Nhờ có điện, nông dân Tiểu khu 67 đã biết khoan giếng phục vụ tưới tiêu, vươn lên làm chủ cuộc sống. Ảnh: bienphong.com.vn |
Tiểu khu 67, ấp Mười Mẫu, xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp có 200 hộ dân với hàng trăm nhân khẩu, 100% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là người S’tiêng. Mấy năm trước, mỗi khi vào mùa mưa, nơi đây trở thành vùng “ngoại bất nhập, nội bất xuất” do bị chia cắt, đường sá lầy lội, trơn trượt. Việc không có điện lưới quốc gia gây ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt, sản xuất của bà con. Thế nhưng nhờ những chính sách, dự án của Đảng và Nhà nước đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai, diện mạo Tiểu khu 67 đã chuyển mình nhanh chóng. Từ trung tâm xã Phước Thiện kết nối con đường nhựa đến Tiểu khu 67 phẳng lỳ, vui nhất gần đây điện lưới quốc gia đã “phủ sóng” về đến tận buôn làng.
Ghi nhận tại Tiểu khu 67, đến nay tỷ lệ người dân sử dụng điện lưới quốc gia đạt trên 90%. Điện về bà con rất vui mừng, đời sống sinh hoạt thuận tiện hơn nhiều. Trước kia Tiểu khu 67 thuộc khu vực đặc biệt khó khăn nhất ở xã biên giới do nằm xa trung tâm, điện rất khó kéo đến vùng này vì bất cập địa hình. Hàng chục năm qua, người dân chủ yếu sử dụng đèn dầu để sinh hoạt khiến cho cuộc sống của bà con bị tụt hậu so với xã hội.
Một trong các xã vùng biên khác là xã Thanh Hòa mới thành lập năm 2002 và trải qua 10 năm người dân trong xã sống nhờ đèn dầu khiến cuộc sống của bà con dối diện với biết bao thách thức. Ao ước có điện lưới quốc gia là “khát khao” của bao hộ gia đình và người dân nơi vùng biên này. Để có điện thắp sáng, bà con rủ nhau tự kéo đường dây dài hàng nghìn mét để mua điện ở vùng khác. Tuy nhiên việc mua qua trung gian khiến giá điện tăng cao, cuộc sống của bà con vốn đã nghèo nay càng thêm khốn khó.
Những năm qua, tỉnh Bình Phước đã đưa nhiều chính sách hỗ trợ về vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là vùng biên giới, trong đó có chính sách đưa điện lưới quốc gia “phủ sóng” cho các xã vùng biên giới trên địa bàn huyện Bù Đốp. Từ ngày có điện, cuộc sống của bà con đã đổi thay đi lên nhanh chóng, góp phần đẩy mạnh sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân.
Bà Đặng Thị Tuyết, ngụ ấp 5, xã Thanh Hòa cho biết: Gia đình tôi sống ở đây, nhiều năm trước không có điện nên vất vả lắm. Vườn nhà có hơn 700 trụ tiêu đang cho thu hoạch, khi chưa có điện mỗi khi vào mùa khô suối hết nước không biết lấy nước đâu mà tưới. Từ khi có điện lưới về, nhà tôi khoan thêm giếng để có thêm nước tưới vào mùa khô hạn, còn nhà cửa thì sáng hơn, thuận tiện cho con cái học hành hơn.
Ông Huỳnh Văn Dũng ở tổ 5, ấp 5, xã Thanh Hòa phấn khởi chia sẻ: Gia đình tôi có hơn 0,5 ha đất trồng quýt đường, trước kia chưa có điện để tưới cây trồng tôi phải đầu tư hơn 10 triệu đồng để mua máy dầu. Mỗi lần tưới nước phải chi thêm 1 triệu đồng tiền mua dầu. Sau khi có điện lưới quốc gia, sản xuất trong ấp khá lên trông thấy. Cũng nhờ chính quyền lo đường, điện nên giờ bà con có cuộc sống ổn định hơn, kinh tế khá lên. Từ khi có điện về, chi phí sinh hoạt trong gia đình giảm hẳn. Nếu không có điện lưới về thì người dân còn khổ dài dài.
Xã Thanh Hòa đang phấn đấu có thêm 4 trong số 9 ấp gặp khó khăn về điện sẽ có điện trong thời gian tới. Nghị quyết của Đảng bộ xã quyết tâm kéo điện về đến nhà văn hóa của các ấp còn lại và một số tuyến nhánh nhằm nâng cao tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện, cải thiện đời sống văn hóa tinh thần cho bà con. Người dân Thanh Hòa cũng mong muốn được sử dụng điện nhiều hơn để giảm bớt chi phí sản xuất, công sức lao động. Theo tính toán của bà con, việc tưới bằng động cơ điện rẻ chỉ bằng khoảng 30% so với tưới bằng động cơ dầu. Và niềm vui đã đến điện đã phủ sáng trên miền biên cương Thanh Hòa - Bù Đốp.
Có thể nói “ý Đảng lòng dân” đã gặp nhau, mang lại sức sống mới cho vùng biên cương Bù Đốp. Nói về chính sách này, Bí thư Huyện ủy Bù Đốp Hà Anh Dũng cho biết: Thời gian qua, huyện đã thực hiện nhiều chính sách chăm lo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, quan tâm đầu tư đường giao thông, phát triển mạng lưới điện về vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và hiện đang tiếp tục đầu tư để góp phần phát triển kinh tế cũng như ổn định đời sống của nhân dân. Đến nay, toàn huyện có 95,8% số hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia; phấn đấu trong năm 2018 nâng lên 97- 98% chỉ tiêu của tỉnh đặt ra.
Điện "phủ sóng" rộng khắp đến tận những hộ vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã mang lại niềm vui cho người dân vùng biên. “Gia đình mình giờ vui lắm, có điện dùng để thắp sáng, nấu cơm, sắm vi ti, tủ lạnh và phục vụ bơm nước phục vụ sản xuất là nhờ những chính sách quan tâm của Đảng và Nhà nước, chính quyền tỉnh Bình Phước đã kéo về tận vùng biên giới xa xôi nhất, mang "ánh sáng văn minh” về với buôn làng, nhà nhà vui mừng, đời sống sinh hoạt đỡ vất vả hơn trước.” – một người dân phấn khởi chia sẻ.
K GửiH