Xuân về trên quê hương cách mạng Kim Bình lịch sử

Xuân về trên quê hương cách mạng Kim Bình lịch sử
Với vị trí chiến lược quan trọng, xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang được chọn là nơi diễn ra Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng tháng 2/1951 – Đại hội đầu tiên được tổ chức ở trong nước. Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Kim Bình luôn đoàn kết, nỗ lực phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo nên diện mạo mới để đón Xuân Canh Tý 2020.
Một góc làng văn hóa thôn Bó Củng, xã Kim Bình. Ảnh: Quang Đán – TTXVN
Một góc làng văn hóa thôn Bó Củng, xã Kim Bình. Ảnh: Quang Đán – TTXVN

Đến với Kim Bình vào những ngày cuối cùng của năm Kỷ Hợi, dễ dàng cảm nhận được không khí đón Xuân đã ngập tràn nơi đây. Người dân trang hoàng, sửa sang nhà cửa; đường làng được quét dọn sạch sẽ. Những mái nhà sàn với cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió. Khói bếp tỏa bay hòa vào không khí của đất trời làm khung cảnh làng bản trở nên ấm cúng hơn. Trên những triền đồi, hoa đào, hoa mai đua nhau khoe sắc làm bức tranh mùa Xuân càng trở nên tươi đẹp hơn.

Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, người dân Kim Bình luôn đoàn kết, nỗ lực, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, từng bước thay đổi diện mạo của xã vùng cao vốn nhiều khó khăn trước đây. Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Kim Bình là một trong những xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới (năm 2015). Cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư xây dựng, bệnh viện, trường lớp học được xây dựng khang trang; đường liên thôn, liên xã được bê tông hóa, nhựa hóa sạch đẹp; phát triển nông nghiệp đã được cơ giới hóa và đẩy mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa. Đời sống của người dân Kim Bình đã được nâng lên về mọi mặt.
 
Các em đang vui chơi sân Quảng trường xã Kim Bình. Ảnh: Quang Đán – TTXVN
 Các em đang vui chơi sân Quảng trường xã Kim Bình.
Ảnh: Quang Đán – TTXVN

Không trông chờ vào sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, người dân xã Kim Bình vươn lên làm giàu chính đáng bằng cách tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mở rộng các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Nếu như trước kia, kinh tế của đồng bào chỉ dựa vào cây trồng truyền thống là lúa và ngô, cuộc sống quanh năm vất vả nhưng cũng chỉ đủ ăn, nay các hộ gia đình trong xã đã mạnh dạn đầu tư thâm canh, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế gia trại mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Gia đình ông Ma Vĩnh Cao, thôn Kim Quang xã Kim Bình là một trong những hộ dân đã mạnh dạn vay vốn đầu tư để phát triển kinh tế. Nhận thấy diện tích đất của gia đình còn bỏ trống nhiều, mà trồng ngô và hoa màu hiệu quả kinh tế không cao, ông Cao đã vay vốn đầu tư trồng hơn 1.000 gốc chanh tứ mùa. Hiện nay, gia đình ông có gần 400 cây cho thu hoạch vụ đầu tiên với sản lượng khoảng 2 tấn, giá bán trung bình là 15.000 đồng/kg dự tính năm nay ông thu về hơn 30 triệu đồng. Cùng với đẩy mạnh phát triển nông - lâm nghiệp, hoạt động thương mại, dịch vụ, phát triển các ngành, nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của xã như: sản xuất chế biến gỗ, cơ khí, chế biến long nhãn, chuối sấy khô...cũng có bước phát triển tốt, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Toàn xã hiện có trên 460 ha cây ăn quả trong đó chủ yếu là chuối tây với 410 ha; chăn nuôi gia súc gia cầm phát triển ổn định với đàn trâu, bò hơn 1.000 con.

Không chỉ tập trung phát triển kinh tế, xã rất quan tâm đến lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe cho người dân. Phòng khám Đa khoa khu vực Kim Bình được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, chất lượng khám chữa bệnh từng bước được nâng cao. Năm 2019, Phòng khám đã khám và điều trị cho hơn 7.000 lượt bệnh nhân với hơn 2.000 lượt điều trị nội trú. Bác sĩ Hà Tiến Đường, Trưởng Phòng khám Đa khoa khu vực Kim Bình cho biết: Phòng khám phục vụ nhân dân 5 xã trên địa bàn huyện Chiêm Hóa. Cán bộ, y bác sĩ thường xuyên được đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn. Phòng khám đã được đầu tư máy móc và các trang thiết bị khám chữa bệnh hiện đại, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh và điều trị nội trú của người dân.
 
Bác sỹ Phòng khám đa khoa khu vực Kim Bình đang khám bệnh cho trẻ em và người dân. Ảnh: Quang Đán – TTXVN
Bác sỹ Phòng khám đa khoa khu vực Kim Bình đang khám bệnh cho trẻ em và người dân. Ảnh: Quang Đán – TTXVN

Ông Ma Quang Bắc, Bí thư Đảng ủy xã Kim Bình chia sẻ: Là một xã miền núi với trên 70% là đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp nhưng với quyết tâm, nỗ lực phát huy các tiềm năng, lợi thế của địa phương, xã chú trọng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ, đời sống của người dân xã Kim Bình ngày càng được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người của xã hiện đạt trên 30 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn hơn 5,6%. Xã duy trì 19/19 tiêu chí nông thôn mới và hướng tới nâng cao các tiêu chí thành nông thôn kiểu mẫu.

Một mùa Xuân nữa đang về trên quê hương cách mạng. Với những giải pháp phát triển kinh tế - xã hội phù hợp đặc thù địa phương, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền và người dân xã Kim Bình sẽ luôn chung sức, chung lòng xây dựng và phát triển quê hương.
  Vũ Quang Đán
TTXVN

Có thể bạn quan tâm