Với quan điểm “không ai bị bỏ lại phía sau”, tỉnh Yên Bái huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, lồng ghép nhiều nguồn lực, tập trung mọi lực lượng hỗ trợ các địa phương xóa nhà tạm, nhà dột nát, giúp người dân có hoàn cảnh khó khăn ở vùng cao, an cư, lạc nghiệp trong những ngôi nhà mới kín trên, bền dưới.
Huy động tổng hợp nguồn lực
Kế hoạch hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Yên Bái năm 2024 đề ra là 1.424 căn nhà, bao gồm làm mới 1.046 nhà, sửa chữa 378 nhà, tổng kinh phí trên 70 tỷ đồng. Đến nay, các địa phương đã khởi công xây dựng làm mới và sửa chữa trên 1.250 căn nhà, tập trung tại các huyện vùng cao với gần 900 căn; trong đó, huyện Mù Cang Chải 528 căn, huyện Văn Chấn 1.62 căn, huyện Trạm Tấu 204 căn...
Ông Vũ Lê Thành Anh, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái cho biết, hằng năm, tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện phù hợp thực tế, ưu tiên nguồn lực xóa nhà tạm, nhà dột nát cho những địa phương vùng cao với phương châm Nhà nước hỗ trợ phần nhiều, còn lại là sự đóng góp từ các nguồn xã hội hóa và hộ gia đình được thụ hưởng. Đối với các hộ nghèo ở vùng cao, địa phương nơi cư trú có trách nhiệm huy động nguồn lực tổ chức xây nhà.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp nên việc huy động nguồn lực xóa nhà tạm, nhà dột nát ngoài ngân sách hỗ trợ đạt hiệu quả rất cao, chiếm trên 85% tổng kinh phí thực hiện. Cụ thể, tỉnh Yên Bái hỗ trợ mức 50 triệu đồng/nhà làm mới, 25 triệu đồng/nhà sửa chữa; riêng tại 2 huyện đặc biệt khó khăn Trạm Tấu và Mù Cang Chải, mức hỗ trợ 60 triệu đồng/nhà làm mới, 30 triệu đồng/nhà sửa chữa, cao hơn mức hỗ trợ theo quy định của Trung ương ít nhất từ 20 - 40% cho mỗi nhà. Ngoài ra, mỗi hộ còn được vay vốn ưu đãi 40 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
Bằng nhiều hình thức huy động khác nhau, cấp ủy, chính quyền, các hội, đoàn thể đã kết nối những tấm lòng nhân ái, cùng nhiều tổ chức, doanh nghiệp chung tay chia sẻ với người nghèo vùng cao để xây dựng hàng nghìn mái ấm hạnh phúc. Hằng năm, thông qua Quỹ “Vì người nghèo”, cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh Yên Bái ủng hộ ít nhất một ngày lương để hỗ trợ, quyên góp kinh phí làm nhà.
Bên cạnh nguồn vốn ngân sách kết hợp nguồn vốn xã hội hóa, các địa phương vùng cao huy động được hàng vạn ngày công, nòng cốt là lực lượng quân sự, Công an, dân quân tự vệ, đoàn viên, thanh niên, hội viên nông dân, phụ nữ… tham gia vào tất cả công đoạn, hỗ trợ bà con làm nhà. Nhờ vậy, mỗi căn nhà xây mới, sửa chữa đều giảm thấp nhất phần chi phí vận chuyển nguyên vật liệu và nhân công.
Bà Nông Thị Kim Cúc, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Yên Bái cho biết, chỉ tính 2 năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh tham gia ủng hộ bằng hiện vật, với trị giá trên 50 tỷ đồng. Đến nay, nhiều địa phương trong tỉnh hoàn thành trên 80% kế hoạch xóa nhà tạm, nhà dột nát do tỉnh giao. Tiêu biểu các huyện vùng cao Mù Cang Chải và Trạm Tấu đã đạt 95% kế hoạch năm 2024, dự kiến đến hết năm nay, toàn tỉnh hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát của cả giai đoạn 2020 - 2025.
Cải thiện chất lượng cuộc sống
Tại vùng cao Yên Bái, công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát thời gian qua đã trở thành phong trào toàn diện, được coi là điểm sáng trong giảm nghèo bền vững, đặc biệt là sự chủ động vươn lên của chính những hộ nghèo và cận nghèo để cải thiện cuộc sống. Sự quyết tâm, nỗ lực lao động vượt qua đói nghèo của chính những hộ nghèo là yếu tố quan trọng trong quá trình bình xét, lựa chọn để được nhận sự hỗ trợ. Đây được xem là tiêu chí bắt buộc, có sự xác nhận, công khai bình chọn của cộng đồng dân cư sở tại.
Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu Vũ Lê Chung Anh cho rằng, để công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát đúng đối tượng, tạo sự động thuận trong nhân dân, mang lại hiệu ứng xã hội cao, việc rà soát, đánh giá hiện trạng nhà ở, nhu cầu của các hộ nghèo đề nghị làm mới, sửa chữa đảm bảo chặt chẽ theo 3 bước, từ cấp thôn, bản tổ chức họp, bình xét, phân loại. Tiếp đến, cấp xã đối chiếu tiêu chí, thẩm định; sau đó, cấp huyện phê duyệt làm căn cứ để ban hành quyết định hỗ trợ kinh phí làm nhà.
Thực tế cho thấy, không chỉ hỗ trợ cho người dân chỗ ở vững chắc, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đã tăng cường mối quan hệ gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư, tăng thêm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, chỉ đạo của chính quyền cơ sở, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, thiết thực xây dựng thành công nông thôn mới tại cơ sở.
Ông Lê Trọng Khang, Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải chia sẻ, sau khi được nhận sự hỗ trợ về nhà ở, phần lớn hộ nghèo, cận nghèo đều có động lực, tích cực lao động sản xuất, chủ động học hỏi mô hình hay, cách làm kinh tế giỏi để tự vươn lên, cam kết phấn đấu sau một thời gian nhất định sẽ thoát nghèo, giảm đáng kể việc trông chờ, ỷ lại vào trợ cấp của Nhà nước.
Sự đổi mới trong cách tiếp cận về giảm nghèo, nhất là việc hỗ trợ xóa nhà tạm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng cao giảm bớt gánh nặng trả nợ vay khi làm nhà, tạo điều kiện có thêm nguồn lực phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Đây không chỉ là sự hỗ trợ đơn thuần về vật chất mà còn là nguồn động viên tinh thần to lớn, khích lệ tinh thần bà con vượt qua đói nghèo, an cư lạc nghiệp, nhanh chóng cải thiện chất lượng cuộc sống.
Có thể nói, việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, sự tham gia tích cực của tổ chức, cá nhân hảo tâm cùng sự đồng thuận của nhân dân là bài học sâu sắc quyết định sự thành công của chương trình xóa nhà tạm tại Yên Bái. Công tác xóa nhà tạm còn mang ý nghĩa nhân văn, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, tạo động lực để hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, khơi dậy trách nhiệm của người nghèo đối với xã hội.
Tiến Khánh