Viêc xây dựng và phát triển chính quyền số giúp giảm thiểu thời gian và nguồn lực cho các thủ tục hành chính thông qua quy trình tự động hóa và trực tuyến để loại bỏ các giai đoạn phức tạp, tối ưu hóa hiệu quả công việc. Điều này thể hiện ở Quản Bạ, huyện nghèo đặc biệt khó khăn của tỉnh nhưng với quyết tâm chính trị rất cao trong việc đưa người dân được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến một cách tốt nhất.
“Rào cản” và phá “rào cản” trong xây dựng và phát triển chính quyền số.
Huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang là huyện nghèo đặc biệt khó khăn của tỉnh, có dân số trên 57.000 người, với 19 dân tộc cùng sinh sống tại 13 xã, thị trấn; trong đó trên 60% dân tộc Mông, Dao 14%, Tày 11%...
Thực tế, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại huyện Quản Bạ việc xây dựng và phát triển chính quyền số còn gặp nhiều thách thức về: Hạ tầng công nghệ thông tin còn hạn chế; việc đầu tư đầy đủ về hạ tầng công nghệ thông tin vẫn chưa đồng đều khiến người dân khó tiếp cận các dịch vụ trực tuyến.
Một bộ phận cán bộ làm nhiệm vụ chuyên môn tại các xã vùng sâu, vùng xa còn thiếu kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin gây khó khăn trong việc triển khai và vận hành các dịch vụ trong chính quyền số. Rào cản về ngôn ngữ và văn hóa trong việc truyền tải thông tin về lợi ích của chính quyền số tới người dân.
Nhận thức của người dân trong vùng đồng bào DTTS chưa đầy đủ về lợi ích của chính quyền số; tâm lý thường e ngại khi tiếp cận công nghệ mới, dẫn đến sự chậm trễ trong việc áp dụng. Đây là những rào cản hiện hữu làm “chững” lại công cuộc xây dựng và phát triển chính quyền số trong vùng đồng bào DTTS ở huyện Quản Bạ.
Từ những rào cản và thách thức trên, đòi hỏi huyện Quản Bạ cần có những giải pháp đồng bộ mang tính đột phá trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai và tổ chức thực hiện; phá vỡ rào cản, thách thức trên con đường xây dựng và phát triển chính quyền số trong vùng đồng bào DTTS tại huyện. Trong đó, huyện xác định đây nhiệm vụ quan trọng cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng, tham gia tích cực của xã hội, người dân. Gắn trách nhiệm, tính quyết liệt trong lãnh đạo, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ đối với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tại địa phương để thúc đẩy “tính nêu gương, tính sáng tạo, dám đổi mới tư duy”.
Đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách, góp phần tạo đồng thuận, củng cố niềm tin của Nhân dân; lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu để thực hiện. Đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, ưu tiên tại các xã đặc biệt khó khăn của huyện; khuyến khích các doanh nghiệp viễn thông mở rộng mạng lưới sóng điện thoại, mạng Internet. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác chuyên môn đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng phục vụ tốt cho chính quyền số. Đặc biệt quan trọng hơn nữa đó là tuyên truyền và nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của chính quyền số.
Thông tin về những giải pháp tháo gỡ rào cản, khó khăn trong quá trình xây dựng và phát triển chính quyền số ở xã thuộc vùng 3 đặc biệt khó khăn của huyện; tỷ lệ dân tộc thiểu số chiếm 100%; tỷ lệ người dân sử dụng mạng Internet mới chỉ đạt gần 50%. Ông Sân Xín Lìn, Phó Bí thư- Chủ tịch UBND xã Tả Ván trao đổi: Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết số 26 của Ban chấp hành Đảng bộ xã về chuyển đổi số trên địa bàn, nhằm huy động các nguồn lực, thúc đẩy phát triển nền tảng công nghệ số và thay đổi tư duy, nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, Nhân dân trong tiếp cận và ứng dụng chuyển đổi số tại địa phương.
Hàng năm, UBND xã đã trích một phần ngân sách địa phương mua sắm các máy tính có cấu hình cao để thực hiện nhiệm vụ; ưu tiên trang bị máy móc đảm bảo tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của xã. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, khuyến khích nhân dân thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử thông qua cổng dịch vụ công của tỉnh.
Chính quyền số là hướng tới nền hành chính minh bạch, hiện đại và chuyên nghiệp.
Xây dựng và phát triển chính quyền số là yếu tố then chốt trong chiến lược cải cách hành chính, góp phần tạo nên một nền hành chính minh bạch, hiện đại và chuyên nghiệp, hoạt động hiệu quả và có hiệu lực. Nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và sự tác động mạnh mẽ của kỷ nguyên công nghệ 4.0; việc thiết lập chính quyền số trở thành yêu cầu không thể thiếu đối với các địa phương để xây dựng nền hành chính minh bạch, hiện đại và chuyên nghiệp.
Điều này, thể hiện rõ khi huyện Quản Bạ quyết tâm chính trị rất cao trong việc đưa người dân được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến một cách tốt nhất. Huyện đã xây dựng nhiều mô hình, cách làm hay; đơn cử như ngày “Ngày không hẹn” tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại các xã, thị trấn; tại đây, Nhân dân sẽ được Đoàn thanh niên và công chức tại bộ phận này hướng dẫn sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập và thực hiện khai báo, nộp các thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công trực tuyến Hà Giang.
Anh Ma Xuân Dũng, xã Thanh Vân chia sẻ: Hôm nay, tôi đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xã để nhận kết quả thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn. Tôi thấy rằng, giờ đây chỉ với một chiếc điện thoại thông minh kế nối mạng, các thủ tục hành chính đều có thể tự khai, tự gửi và nhận kết quả thông qua cổng dịch vụ công trực tuyến; giảm bớt thời gian, chi phí đi lại.
“Chỉ cần tài khoản VneID truy cập vào cổng dịch vụ công của Bộ Công an, buổi tối ngồi ở nhà tôi cũng có thể thực hiện thủ tục khai báo thông tin xin cấp biển kiểm soát phương tiện giao thông mà không cần đến cơ quan Công an huyện thực hiện như trước. Điều này, rất thuận lợi và tạo sự chủ động về thời gian, phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ số của đất nước. Tuy nhiên, nếu mà lần đầu thực hiện khai báo trên cổng dịch vụ công cũng có sự bỡ ngỡ và khó khăn nhất định”. Đó là những chia sẻ của anh Lý Đức Trung, thị trấn Tam Sơn, huyện Quản Bạ về việc thực hiện các thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công trực tuyến.
Còn đối với chị Giàng Thị Chấu, xã Tả Ván, giờ đây khi thực hiện khai báo các thủ tục hành chính chị không còn phải lên xã như trước; điều mừng nhất đó là người dân không phải thấp thỏm, chạy đi chạy lại để hỏi kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Chỉ với chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng Internet cùng tài khoản VneID, việc thực hiện các thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công thuận lợi hơn rất nhiều, giảm thời gian, chi phí đi lại, giảm áp lực phải chờ lâu khi cho bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở xã rơi vào tình trạng đông, quá tải. Chị Chấu cho hay: Bản thân tôi thấy rằng, xây dựng và phát triển chính quyền số có vai trò quan trọng với đời sống trong vùng đồng bào DTTS chúng tôi; giúp chúng tôi tiếp cận được nhiều hơn với các dịch vụ hiện đại. Đặc biệt, bây giờ khai báo và nhận kết quả các thủ tục hành chính chúng tôi có thể nhận trực tiếp qua cổng dịch vụ công mà không phải đến trụ sở UBND xã.
Trong 9 tháng năm 2024, tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đã tiếp nhận: 16.650 hồ sơ. Việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử thông qua dịch vụ công trực tuyến tại huyện ngày càng được đẩy mạnh: Tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến đạt 97.2%, tỷ lệ số hoá hồ sơ tiếp nhận đạt 99.57%.
Số liệu ngành chuyên môn huyện Quản Bạ cung cấp liên quan đến công tác xây dựng và phát triển chính quyền số thể hiện rõ: Hiện mạng truyền số liệu chuyên dùng trong các cơ quan Đảng và Nhà nước trên địa bàn huyện được duy trì, nâng cấp băng thông với quy mô triển khai 58 điểm; 100% các cơ quan đơn vị huyện, UBND các xã, thị trấn đã có mạng LAN, kết nối Internet; toàn huyện có 47 trạm thu phát sóng (BTS) 3G, 4G; Tỷ lệ xã, thị trấn có mạng Internet băng thông rộng đạt 89%, riêng khu vực trung tâm xã, khu vực tập trung đông dân cư đạt tỷ lệ phủ đạt 100%; tỷ lệ phủ sóng điện thoại di động đạt 95%, riêng khu vực trung tâm, tập trung đông dân cư đạt 100%. Tỷ lệ cán bộ, công chức được tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số cơ bản được 1.253 cán bộ; 100% đảng viên trên địa bàn huyện được tham gia tập huấn hướng dấn sử dụng phần mềm sổ tay đảng viên. Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 69%. Tỷ lệ hộ gia đình có internet cáp quang trên 7.300 hộ.
Về phía cơ quan tham mưu, trao đổi cụ thể với ông Lệnh Thế Tuân, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Quản Bạ được biết: Trong thời gian tới, Phòng sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác tham mưu về Thường trực UBND huyện các nội dung liên quan đến chuyển đổi số, xây dựng và phát triển chính quyền số trong vùng đồng bào DTTS tại huyện. Trong đó, tập trung vào các nhóm vấn đề trọng tâm đó là: Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh tổ chức tập huấn hạ tầng số, đô thị thông minh và kỹ năng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, an toàn thông tin năm 2024. Phê duyệt 100% hồ sơ cấp độ an toàn hệ thống thông tin mạng nội bộ (LAN) các cơ quan đơn vị huyện, các xã thị trấn. Phối hợp với Viettel Quản Bạ tổ chức lễ ra mắt chợ 4.0 tại chợ trung tâm huyện. Thực hiện mô hình chuyển đổi số, thanh toán số toàn diện hiệu quả tại xã Nghĩa Thuận, Đông Hà...
Viêc xây dựng và phát triển chính quyền số giúp giảm thiểu thời gian và nguồn lực cho các thủ tục hành chính thông qua quy trình tự động hóa và trực tuyến để loại bỏ các giai đoạn phức tạp, tối ưu hóa hiệu quả công việc. Chính quyền số thúc đẩy tính minh bạch trong việc xác định thông tin và ra quyết định tạo dựng niềm tin với người dân. Giảm thiểu các rủi ro và ngăn chặn tham nhũng. Nâng cao hiệu quả trong việc quản lý nguồn lực, phân tích dữ liệu giúp các cơ quan nhà nước đưa ra quyết định đúng đắn và cải thiện hiệu suất làm việc. Tuy nhiên, khó khăn và thách thức trong xây dựng và phát triển chính quyền số vẫn là rất lớn đối với một huyện nghèo đặc biệt khó khăn như Quản Bạ. Điều này, cần sự quyết tâm chính trị cao, tinh thần đổi mới, linh hoạt có sự bứt phá từ cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân, doanh nghiệp tại huyện; để xây dựng và phát triển chính quyền số trong vùng đồng bào DTTS thực sự bền vững, phá vỡ được những rào cản và thách thức cản đường.
Hoàng Chính