Chương trình xây dựng nông thôn mới tại An Giang đã huy động được sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, tạo sự đồng thuận, đồng lòng của nhân dân chung sức cùng chính quyền xây dựng xã nông thôn mới trở thành “những miền quê đáng sống”.
Nét nổi bật của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại An Giang giai đoạn 2021 - 2025 là tập trung vào nâng cao đời sống, thu nhập của người dân vùng nông thôn một cách bền vững.
Là một trong những nông dân Khmer tiên phong mạnh dạn chuyển đổi từ cây lúa kém hiệu quả sang trồng hoa màu nhờ tham gia các chương trình khuyến nông trong xây dựng nông thôn mới, ông Chau Tông (ấp An Lợi, xã An Hảo, thị xã Tịnh Biên) cho biết: Việc chuyển đổi cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào canh tác đã giúp thu nhập của gia đình đạt trên 100 triệu đồng mỗi năm.
"Chương trình nông thôn mới các hộ dân trên địa bàn xã An Hảo đã được chính quyền định phương hướng dẫn kỹ thuật, tập huấn, hỗ trợ nguồn vốn… nông dân đã chuyển đổi dần từ canh tác bằng sức người sang sử dụng nhiều loại máy móc hiện đại, hiệu quả sản xuất được nâng lên rõ rệt, giúp đồng bào Khmer cải thiện cuộc sống", ông Chau Tông bày tỏ.
Theo ông Nguyễn Văn Lành, ấp Thạnh Nhơn, xã Bình Thạnh, huyện Châu Thành, trước đây, vùng quê nghèo khó, đường sá đi lại rất khó khăn, nhất là vận chuyển nông sản từ ruộng về nhà. Bà con nông dân xã Bình Thạnh vui mừng, phấn khởi khi chính quyền địa phương quan tâm đầu tư xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn được trải nhựa, bê tông sạch sẽ xuống tận xóm, ấp giúp người dân đi lại rất thuận lợi.
Đường giao thông nông thôn hai bên đường được trồng hoa, cây xanh, vệ sinh môi trường được chú trọng, chính quyền còn lắp đèn đường thắp sáng vào ban đêm trên những tuyến đường chính, cuộc sống nông thôn bây giờ không thua gì cuộc sống ở thành thị.
Thị xã Tịnh Biên là đô thị vùng biên, đồng bào dân tộc Khmer chiếm 26,43% dân số toàn thị xã. Năm 2010, trước khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Tịnh Biên với xuất phát điểm rất thấp, chỉ có 1 xã đạt 3 tiêu chí, 2 xã đạt 2 tiêu chí, 6 xã đạt 1 tiêu chí và 2 xã chưa có tiêu chí nào đạt; thu nhập chỉ đạt dưới 13 triệu đồng/người/năm. Cơ sơ vật chất như đường giao thông nông thôn đa phần chưa được nhựa hóa, bê tông hóa, chỉ có 81,54 km đạt chuẩn nên người dân đi lại cũng như vận chuyển hàng hóa nông sản rát khó khăn mà đặc biệt vào thời điểm mưa, lũ.
Ông Phạm Thành Nhơn, Chủ tịch UBND thị xã Tịnh Biên cho hay: Bước vào xây dựng nông thôn mới, được nhân dân đồng tình hưởng ứng, tự nguyện đóng góp công sức kể cả hiến đất để cùng chính quyền "chung tay" xây dựng nông thôn mới. Hiện hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn thị xã được đầu tư mở rộng, nâng cấp, chỉnh trang tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân và lưu thông hàng hóa. Đến nay, Tịnh Biên có gần 310 km đường giao thông đạt chuẩn, tăng trên 225 km.
Ông Nhơn khẳng định: qua 13 năm xây dựng nông thôn mới đến nay diện mạo ở nông thôn Tịnh Biên có nhiều đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng cái thiện và nâng cao. Đến nay, thị xã có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, có 1 xã có đông đồng bàn dân tộc Khmer sinh sống và 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao… Hiện 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn Tịnh Biên đã có 4 xã lên phường.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đánh giá, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại An Giang được triển khai thực chất và mang lại hiệu quả tích cực. Trong xây dựng nông thôn mới, tỉnh sử dụng hiệu quả các nguồn vốn lồng ghép; trong đó có huy động sự đóng góp của doanh nghiệp, mạnh thường quân và người dân. Việc đầu tư các hạng mục công trình trong xây dựng nông thôn mới luôn đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí, không để nợ đọng xây dựng cơ bản.
Để đạt mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2023-2025, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, tỉnh tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, thúc đẩy phát triển công nghệ số, đặc biệt là chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn hướng tới nông thôn mới thông minh; hỗ trợ các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP duy trì, nâng cao chất lượng sản phẩm, giới thiệu và kết nối cung - cầu. Đồng thời chú trọng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn phát triển sản xuất nông nghiệp với phát triển công nghiệp chế biến...
Giai đoạn 2023 - 2025, An Giang phấn đấu có thêm 16 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới; phấn đấu thêm 12 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (chiếm tỷ lệ 10%); 46 ấp thuộc các xã khó khăn, xã biên giới đạt chuẩn bộ tiêu chí ấp nông thôn mới. An Giang phấn đấu có thêm 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới gồm huyện Chợ Mới, huyện Châu Thành, thị xã Tân Châu và đưa huyện Thoại Sơn đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao.
Cuối tháng 11/2023, An Giang đã có 71/110 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và 29 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 8 ấp tại các xã biên giới, xã khó khăn trên địa bàn tỉnh được công nhận đạt chuẩn “Ấp nông thôn mới”. An Giang hiện có 3 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, bao gồm: thành phố Châu Đốc, thành phố Long Xuyên và huyện Thoại Sơn. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay An Giang có 92 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên. Dự kiến đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có thêm 70 sản phẩm đạt chứng nhận “Sản phẩm OCOP” từ 3 sao trở lên. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn An Giang ước đạt từ 56,2 triệu đồng/người/năm và có 88/110 xã đạt tiêu chí về thu nhập.
Theo ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, để khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển du lịch nông thôn, tỉnh đã ban hành kế hoạch phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch khu vực nông thôn trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế về tài nguyên tự nhiên, môi trường sinh thái nông thôn…
"Trong xây dựng nông thôn mới tỉnh đã xây dựng thí điểm mô hình xã nông thôn mới thông minh, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn, thành thị. Phấn đấu đến cuối năm 2025, An Giang có ít nhất 4 mô hình xã nông thôn mới thông minh", Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết.
Thanh Sang