Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Võ Tuấn Nhân,Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trần Thanh Nam và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, Bùi Thế Cử chủ trì hội nghị. Ảnh: Đinh Tuấn - TTXVN |
Đây là vấn đề được đưa ra tại hội nghị toàn quốc "Đánh giá tình hình thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 và định hướng giai đoạn sau năm 2020", diễn ra chiều 10/12 tại Hưng Yên. Hội nghị do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Hưng Yên tổ chức. Tham dự có hơn 300 đại biểu đại diện cho các Bộ, ban, ngành, địa phương và chuyên gia, doanh nghiệp trong cả nước.
Xử lý triệt để ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng ở các làng nghề
Giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã rất tích cực trong việc đôn đốc, nhắc nhở, hướng dẫn, kiểm tra các địa phương thực hiện nội dung “Xử lý triệt để ô nhiễm tại 47 làng nghề ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng” theo chỉ đạo của Chính phủ về “Đề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”. Bộ đã làm việc với các địa phương có làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng. Điển hình trong đó có 4 làng nghề trực thuộc huyện Nam Trực (tỉnh Nam Định); 2 làng nghề tái chế nhựa Minh Khai và tái chế chì thôn Đông Mai ở huyện Văn Lâm (Hưng Yên); 2 làng nghề Vân Hà và Phúc Lâm (Bắc Giang); làng nghề chạm bạc Đồng Sâm (tỉnh Thái Bình).
Bộ cũng yêu cầu địa phương có văn bản cam kết về tiến độ thực hiện các hoạt động khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường; xem xét, hướng dẫn và đề xuất phương án hỗ trợ đối với một số nội dung cụ thể nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực dân cư. Cùng với việc nắm bắt thông tin về hiện trạng và mức độ ô nhiễm môi trường, tiến độ khắc phục của các làng nghề tại một số địa phương ở Thái Bình, Nam Định, lực lượng chức năng đánh giá những khó khăn, tồn tại và đề xuất định hướng giải quyết tình trạng ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các làng nghề.
Đáng chú ý, các tỉnh đã vận dụng sáng tạo và ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù về bảo vệ môi trường, phù hợp với điều kiện thực tế, phát huy được lợi thế của địa phương, nhằm đẩy nhanh tiến trình hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Tiêu biểu như các tỉnh Bắc Giang, Thanh Hóa, Phú Yên có cơ chế, chính sách hỗ trợ thu gom, xử lý rác thải chất thải rắn sinh hoạt, đầu tư lò đốt rác... xây dựng các mô hình xanh sạch đẹp.
Xử lý rác thải tập trung
Theo thống kê của Bộ Tài Nguyên và Môi trường, đã có 42/63 tỉnh, thành phố có kế hoạch xử lý rác thải tập trung ở nông thôn, trong đó có một số địa phương triển khai trên phạm vi toàn tỉnh (như Nam Định, Đồng Nai, Hà Tĩnh); có 16/63 địa phương phê duyệt chủ trương đầu tư các nhà máy xử lý chất thải rắn nông thôn quy mô liên huyện và cấp tỉnh (Hà Nội, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Trà Vinh, Bạc Liêu) .
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Võ Tuấn Nhân và Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trần Thanh Nam tặng bằng khen cho tập thể, cá nhân có thành tích trong triển khai thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Đinh Tuấn - TTXVN |
Giai đoạn 2011 - 2015, Nam Định đi đầu cả nước trong việc xây dựng lò đốt chất thải rắn sinh hoạt quy mô cấp xã gắn với mô hình thu gom, vận chuyển, làm giảm đáng kể lượng rác chôn lấp. Từ năm 2016 đến nay, với định hướng xử lý chất thải rắn tập trung quy mô lớn, nhiều địa phương đã đầu tư hệ thống xử lý bài bản, hiệu quả, quy mô cấp huyện, liên huyện, như: Nghĩa Đàn (Nghệ An), Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), Uông Bí (Quảng Ninh), Tam Điệp (Ninh Bình), Thanh Liêm (Hà Nam), Quảng Bình, Hưng Yên...
Nhiều xã, thị trấn khu vực nông thôn ở một số địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long, Trung du miền núi phía Bắc như: Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Thanh Hóa, Bạc Liêu, Cần Thơ... đã đầu tư lò đốt chất thải công nghệ trong nước (Lò đốt BD-ANPHA, LOSIHO) hoặc nhập khẩu từ Thái Lan, Trung Quốc với quy mô công suất nhỏ 5 đến 10 tấn/ngày, chi phí đầu tư, vận hành thấp, công nghệ đơn giản bước đầu giải quyết cấp bách tình trạng xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn hiện nay.
Xanh hóa nông thôn
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đề nghị, từ nay đến hết năm 2020 và định hướng sau năm 2020, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung vào các vấn đề trọng tâm để đạt và duy trì bền vững tiêu chí môi trường trong bức tranh xây dựng cảnh quan nông thôn mới. Các tỉnh, thành phố xem xét, phê duyệt kế hoạch cụ thể trong quản lý chất thải rắn nông thôn, tiếp cận với nguyên lý "kinh tế tuần hoàn” trong tận thu, tái chế, tái sử dụng chất thải. Qua đó, cảnh quan môi trường nông thôn được khởi sắc và thực sự mang lại hiệu quả, tạo nên những miền quê đáng sống với bức tranh trong lành, sáng, xanh, sạch, đẹp.
Để đạt hiệu quả mong muốn, các tỉnh sớm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý nước thải nông thôn theo hình thức tập trung hoặc phi tập trung. Cần quan tâm đến nước thải sinh hoạt, nước thải trong sản xuất nông nghiệp, làng nghề; cải tạo kênh mương, cống rãnh, ao hồ; phát huy giá trị sinh thái, điều hòa tiểu khí hậu, xây dựng cảnh quan, hình thành các điểm sinh hoạt công cộng. Có như vậy, Việt Nam mới tiệm cận được nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, ngành nông nghiệp của chúng ta mới có chỗ đứng trong thị trường quốc tế.
Theo thứ trưởng Võ Tuân Nhân, công tác xây dựng cảnh quan, giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường cần thực hiện quyết liệt, kiên trì, bền bỉ; cần có tư duy, cách làm hiệu quả đối với việc “xanh hóa nông thôn”, bảo đảm độ thân thiện đối với môi trường, bổ sung công năng cho các công trình thủy lợi, làm mềm hóa các tuyến đường giao thông, các tuyến đê để giữ gìn màu xanh, tạo dựng cảnh quan, hình thành các điểm thu hút khách thăm quan, du lịch. Điển hình như tuyến đê kiểu mẫu của thành phố Hưng Yên là một bài học kinh nghiệm tốt.
Mai Ngoan