Vườn bưởi 9 năm tuổi của gia đình ông Nguyễn Văn Soạn, xã Mai Trung, Hiệp Hòa, Bắc Giang cho thu nhập khoảng 300 triệu/năm. Ảnh: Đồng Thúy-TTXVN |
Bởi vậy, huyện chủ yếu tập trung vào sản xuất lương thực, rau màu, chăn nuôi gia súc gia cầm, nuôi trồng thủy sản. Sau 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với phương châm phải phát huy được vai trò “chủ thể” của người dân, các lĩnh vực kinh tế-xã hội ở địa phương đã có những bước đổi thay vượt bậc, tạo đà để huyện phấn đấu đến năm 2021 trở thành huyện nông thôn mới.
Xác định quyền lợi, trách nhiệm của người dân
Tháng 11/2008, Ban Thường vụ Huyện ủy Hiệp Hòa xây dựng Chương trình hành động số 14 xây dựng nông thôn mới và quán triệt đến toàn thể cán bộ, đảng viên và người dân nắm chắc chủ trương, nhiệm vụ của từng địa phương, đơn vị. Trong đó lấy địa bàn thôn là đơn vị để triển khai thực hiện theo nội dung “Từ đồng về nhà, từ nhà ra thôn, từ thôn lên xã”. Xác định phát triển sản xuất là gốc, nâng cao đời sống nhân dân là mục tiêu. Theo đó, HĐND huyện ban hành Nghị quyết về quy chế hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn.
Trong quá trình thực hiện, mỗi đơn vị cơ sở căn cứ vào đặc điểm và nhiệm vụ của mình, thực hiện xây dựng các nội dung, tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo cách riêng. Cụ thể như Ban Dân vận Huyện ủy có gần 600 mô hình “Dân vận khéo”; Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện có 187 câu lạc bộ “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, hơn 300 con đường hoa với tổng chiều dài gần 100 km; Đoàn Thanh niên xây dựng công trình thắp sáng đường quê, mô hình cánh đồng không vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại các xã: Đoan Bái, Hợp Thịnh, Thanh Vân, Xuân Cẩm…
Nhờ quá trình xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp, nên lao động có việc làm tăng lên, ngày càng có nhiều lao động được qua đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng nhu cầu thực tế, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo, học nghề đến nay là 58,7%. Sản xuất nông nghiệp được đầu tư, ứng dụng công nghệ cao đem lại nhiều sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường; liên kết giữa người nông dân với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đầu ra đảm bảo.
Người dân trên địa bàn hầu hết đã xác định được quyền lợi, trách nhiệm của mình, nên họ chủ động và tích cực hơn trong việc tham gia thực hiện Chương trình từ thảo luận, trao đổi, trực tiếp theo dõi, quản lý giám sát đầu tư các công trình trên địa bàn...Tính đến thời điểm hiện tại, huyện xây dựng được 26 mô hình nhà màng ứng dụng công nghệ cao sản xuất rau ăn lá, dưa lưới, dưa lê Hàn Quốc. Hình thành nên 33 cánh đồng mẫu lớn chuyên canh lúa và rau màu, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ 25 - 30% so với cánh đồng thông thường. Điển hình như thôn Xuân Thành, xã Châu Minh; Đại Đồng – Danh Thắng; Cấm – Lương Phong... có 19 mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó có 5 mô hình chăn nuôi, thủy sản và 21 mô hình trồng trọt, sản xuất theo hướng hữu cơ tiếp tục được duy trì và nhân rộng. Nhiều mô hình thực hiện liên kết toàn phần, khép kín trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả cao. Góp phần thúc đẩy phòng trào toàn huyện thi đua xây dựng nông thôn mới.
Trên địa bàn huyện Hiệp Hòa cũng có tới 400 trang trại, gia trại với giá trị sản xuất từ 100 triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm. Một số sản phẩm đặc trưng như Rau cần ở xã Hoàng Lương; bưởi Diễn xã Lương Phong; gạo nếp cái Hoa vàng xã Thái Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý.
Khi huyện bắt đầu triển khai xây dựng nông thôn mới chỉ có 1 xã đạt tiêu chí, đến năm 2015 có 13 xã đạt chuẩn và đến 30/6/2019 cả 24 xã đều đạt. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo ngày một giảm; năm 2010 là 13,4%, năm 2015 là 7,7% thì đến 30/6/2019 giảm chỉ còn 4,7%. Đây chính là động lực để người dân trong huyện tình nguyện hiến 334.259m2 đất, tháo dỡ 97.041m2 tường rào, ủng hộ 201.758 ngày công, huy động 188 tỷ 705 triệu đồng tiền mặt xây dựng bộ mặt nông thôn khang trang, sạch đẹp hơn, hạ tầng giao thông nông thôn (nhất là đường thôn, xóm), thiết chế văn hóa, giáo dục, y tế được đầu tư; cảnh quan, môi trường nông thôn có chuyển biết tích cực, có nhiều tuyến đường hoa xanh-xạch –đẹp. Công tác giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn nông thôn được chú trọng; diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống nông dân tiếp tục được cải thiện và từng bước nâng cao, an ninh-trật tự xã hội được giữ vững.
Theo báo cáo đánh giá 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2020) của UBND huyện Hiệp Hòa: Tính đến ngày 30/6/2019, số tiêu chí bình quân đạt 17 tiêu chí/xã, có 12 xã đạt 19 tiêu chí, 12 xã đạt 15-18 tiêu chí. Đồng thời có 71/90 thôn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 78,8%. Trong đó có 1 thôn là Tân Sơn, xã Đoan Bái cơ bản hoàn thành tiêu chí thôn nông thôn mới kiểu mẫu; 12/12 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 100% mục tiêu Đảng bộ huyện đề ra đến năm 2020.
Đóng gói sản phẩm Nếp cái hoa vàng Thái Sơn. Ảnh: Đồng Thúy-TTXVN |
Những vấn đề môi trường cần giải quyết
Có thể nói rằng, xây dựng nông thôn mới có nhiều nội dung rất mới. Mặt khác, do nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho các hạng mục công trình thấp, sự đóng góp của nhân dân trên địa bàn huyện Hiệp Hòa có hạn nên việc chỉ đạo trong những năm đầu còn chưa thống nhất, tổ chức triển khai còn lúng túng phải điều chỉnh. Nhất là Ban chỉ đạo các cấp, các ngành còn thiếu quyết tâm trong quá trình triển khai thực hiện. Sự phối hợp giữa các thành viên Ban chỉ đạo từ huyện đến xã, thôn và các cơ quan chưa chặt chẽ, một số ngành chưa thực sự vào cuộc nên một số tiêu chí đạt thấp so với mục tiêu đề ra. Đặc biệt là tiêu chí môi trường.
Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Chu Thị Phương cho biết: Trong 10 năm qua, công tác vệ sinh môi trường, thu gom xử lý rác thải đã được huyện Hiệp Hòa tập trung chỉ đạo thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực. Cụ thể đã thành lập tổ vệ sinh môi trường được 224/224 thôn; thu tiền dịch vụ vệ sinh môi trường 213/229 thôn, khu phố; xây dựng 205/224 điểm chứa rác thải thôn... Công tác xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi được có cải thiện; xử lý chất thải rắn được tỉnh, huyện đầu tư kinh phí với 25 lò đốt rác trên địa bàn...
Tuy vậy, trong quá trình triển khai gặp không ít những khó khăn do sự thay đổi tư duy, lối sống của người dân, ý thức cộng đồng trong việc giữ gìn cảnh quan môi trường, rác thải, chất thải, cải tạo vườn tạp và chỉnh trang nơi ở tại các thôn, xã không thể chuyển biến ngay “trong một sớm một chiều”, đòi hỏi chính quyền các cấp và các tổ chức đoàn thể phải kiên trì tuyên truyền, vận động thuyết phục đến từng thôn, xã.
Hiện tại lượng rác được thu gom, xử lý hằng ngày trên địa bàn huyện gần 65 tấn, bằng 86% lượng rác phát sinh. Nhờ đó, tình trạng ô nhiễm môi trường giảm hẳn, không còn điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Nhưng việc xử lý rác thải nông thôn theo hình thức đốt bằng lò đốt, chôn lấp, đốt lộ thiên, ủ làm phân hữu cơ...vẫn chưa phải là biện pháp tối ưu. Bởi công suất của các lò đốt chưa đáp ứng được khối lượng rác thu gom hàng ngày, xả ra môi trường nhiều loại khí độc hại. Còn hình thức chôn lấp rác theo kiểu thủ công đã và đang có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nước và đất lan rộng từ những bãi chôn rác hiện nay.
Là một huyện có có 41,5% lao động trong độ tuổi làm nông nghiệp, riêng mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm đã có tới 400 trang trại, gia trại. Song việc xử lý các chất thải từ những cơ sở này vẫn còn nhiều nan giải, nhất là những gia trại nằm ngay trong khu dân cư gây ô nhiễm không khí, đất và môi trường nước. Đặc biệt là các thôn, xã chưa có hệ thống nước sạch phải dùng giếng khoan, gây ra mâu thuẫn ngay trong nội bộ thôn, xóm.
Đơn cử như tại thôn Trị Cụ, xã Hoàng Thanh, kể từ tháng 10/2018 gia đình ông Phan Viết An lập gia trại gần 1.000m2 nuôi gà thịt gia công mỗi đợt gần 1 vạn con cho Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Trụ sở chính tại thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc), có 6 hộ dân nhà ở liền kề gia trại này liên tục có đơn khiếu kiện gửi tới các cấp chính quyền và cơ quan báo chí. Họ phản ánh việc nuôi gà gây mùi hôi thối và tiếng ồn do quạt thông gió của gia trại làm đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt. “Thậm chí con cháu tôi về thăm cũng không dám ăn cơm và ngủ lại vì bầu không khí quá hôi hám và ồn. Nhất là vào thời điểm gà nuôi gần được xuất đi”-ông Nguyễn Văn Quyết có nhà ở sát gia trại-một trong những người đứng đơn khiếu kiện bức xúc nói.
Cho dù các cơ quan chức năng của huyện Hiệp Hòa sau khi tiếp nhận đơn khiếu kiện của các hộ dân nêu trên đã nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, xác minh vụ việc. Theo đó, UBND huyện đã có văn bản số 2044 ngày 17/9/2019 trả lời từng nội dung trong đơn khiếu kiện, nhưng cho đến thời điểm này 6 hộ dân vẫn không chấp thuận. Nguyên nhân họ nêu ra là: “Văn bản trả lời không khách quan…Vì thời điểm Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện lấy mẫu ô nhiễm và tiếng ồn không vào thời điểm gà sắp xuất đi, nên chủ trại gà không phải chạy cả 9 quạt thông gió do đó tiếng ồn, mùi hôi và bụi phát tán ra xung quanh không đáng kể…”.
Căn cứ vào nội dung Quyết định số 397 ngày 4/4/2017 Ban hành hướng dẫn phương án bảo vệ môi trường trong khu chăn nuôi tập trung của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): “Đối với chuồng nuôi gia cầm có hàng rào hoặc tường kín bao quanh cách biệt với bên ngoài để bảo đảm hạn chế người và động vật từ bên ngoài xâm nhập vào trại. Đối với cơ sở chăn nuôi thương phẩm phải xây dựng cách biệt, cách xa bệnh viện, trường học, chợ, công sở và khu dân cư đông người và đường giao thông liên tỉnh, liên huyện ít nhất 100m". Trong khi gia trại của gia đình ông Phan Viết An chỉ cách nhà ở của hàng xóm chỉ 4m là sai phạm, nên cần phải di dời theo đúng hướng dẫn của Quyết định này.
Mặt khác, tuy huyện Hiệp Hòa đã quy hoạch 10ha đất tại xã Đông Lỗ để xây dựng cơ sở xử lý rác thải cho toàn huyện, nhưng đang gặp vướng mắc trong giải phóng mặt bằng do người dân địa phương lo ngại cơ sở này sẽ gây ô nhiễm môi trường, nếu như công nghệ xử lý không phù hợp.
Trên cơ sở kết quả đạt được sau gần 10 năm xây dựng nông thôn mới, cùng với những bài học kinh nghiệm đúc rút được, chắc chắn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hiệp Hòa sẽ nâng cao hơn nữa chất lượng các tiêu chí, trong đó giải quyết "thấu tình đạt lý" các vướng mắc phát sinh để tạo đột phá trong tiêu chí môi trường, trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2021.
Văn Hào-Đồng Thúy