Ngày 22/4, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức Tọa đàm về việc thực hiện công tác tuyên truyền xây dựng nếp sống văn hóa, vận động bài trừ biến tướng của tục “bắt vợ” ở một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số.
Tọa đàm có sự tham dự của đại diện các Bộ, ban, ngành, các chuyên gia về văn hóa, dân tộc cùng một số địa phương tham dự trực tuyến. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm đồng chủ trì Tọa đàm.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Xuân Phương cho biết: Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chăm lo đến sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam. Nhiều Nghị quyết của Đảng về văn hóa, nhất là về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc góp phần thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc đã được ban hành và đi vào đời sống. Tuy nhiên, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc luôn phải đi đôi với yêu cầu xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, từng bước cải tạo những phong tục tập quán lạc hậu, bài trừ hủ tục và các biểu hiện mê tín dị đoan, thực chất là nhằm “đấu tranh, phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu”; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, làm tha hóa con người.
Thời gian qua, trên các phương tiện thông tin truyền thông, mạng xã hội đã phản ánh về sự việc “bắt vợ” diễn ra tại một số địa bàn miền núi phía Bắc. Sự việc nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân. Có thể thấy rằng, hiện tượng “bắt vợ” là không mới nhưng đến nay cần đánh giá đúng bản chất có phải là hủ tục hay không; nếu “bắt vợ” là hủ tục thì tại sao lại để hiện tượng này kéo dài và đâu là những hình thức biến tướng, lợi dụng phong tục, tập quán của đồng bào để vi phạm pháp luật; cơ sở pháp lý để xử lý nếu có vi phạm đã đầy đủ hay chưa…
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Hội đồng dân tộc của Quốc hội đã tiến hành khảo sát ở một số tỉnh miền núi phía Bắc. Kết quả khảo sát bước đầu cho thấy, liên quan đến tục “ bắt vợ”, “kéo vợ” vẫn còn những ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng, tục “kéo vợ” là một phong tục tốt đẹp cần được giữ gìn của đồng bào Mông nói riêng, một số dân tộc khác nói chung. Một số ý kiến lại cho rằng đây là hủ tục cần loại bỏ. Còn có một số ý kiến khác cho rằng nên loại trừ những biến tướng không phù hợp, tục “kéo vợ, bắt vợ” nên được chắt lọc, giữ gìn để phát huy giá trị văn hóa tiêu chuẩn của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Việc đánh giá kỹ lưỡng giá trị, thực trạng và biến tướng của tục lệ này sẽ giúp cho Quốc hội và các Bộ, ngành, địa phương có những phương hướng, giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, biện pháp quản lý Nhà nước và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phù hợp, hiệu quả hơn.
Bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ý kiến: Tục “kéo vợ” hay “kéo dâu” của đồng bào dân tộc thiểu số là một phong tục cổ truyền có tính nhân văn, phản ánh truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số. Đây cũng là phong tục tập quán có ý nghĩa tôn trọng nguyên tắc hôn nhân tự nguyện đã được ghi nhận trong Luật Hôn nhân và Gia đình; đồng thời cũng có ý nghĩa trong việc hạn chế tục thách cưới cao, gây tốn kém cho các gia đình ở một số nơi.
Tuy nhiên gần đây, hiện tượng “kéo vợ” chuyển sang hình thức “cướp vợ”, “bắt vợ” diễn ra ở một số nơi với các kiểu biến tướng khác nhau, như: lợi dụng tục “kéo vợ” để “cướp”, “bắt” các cô gái. Đối tượng tổ chức “cướp vợ” chủ yếu là các thiếu niên, hiện tượng này chỉ xảy ra ở lứa tuổi rất trẻ, còn nam nữ thanh niên đến tuổi trưởng thành thì hầu như không vi phạm.
Đây không phải hiện tượng phổ biến trong cộng đồng các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ thông tin và hiện tượng này được một số cá nhân quay video và phát trên mạng xã hội, gây tò mò và làm theo đối với một bộ phận người trẻ tuổi. Sự việc “cướp vợ”, “bắt vợ” không chỉ không phù hợp với các phong tục tập quán tốt đẹp mà còn trái với các quy định của pháp luật hiện hành.
Tham gia ý kiến về vấn đề này, đại diện Ủy ban Dân tộc cho rằng: Việc lợi dụng, làm biến tướng phong tục trong xã hội hiện đại, đã làm ảnh hưởng đến nét văn hóa, phong tục của đồng bào dân tộc thiểu số. Để bảo tồn, phát huy phong tục truyền thống tốt đẹp bản sắc văn hóa dân tộc đồng thời loại bỏ ra khỏi đời sống những tập tục không phù hợp nhất là việc lợi dụng, biến tướng các tập tục mang tính văn hóa sang việc vi phạm pháp luật của tục “cướp vợ” của một số dân tộc cần một số giải pháp như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật bằng các hình thức phù hợp, trong đó tập trung tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình, để tầng lớp thanh thiếu niên không vi phạm về mặt pháp luật, giúp họ nhận thức sâu sắc hơn về vấn đề mình đang làm.
Đẩy mạnh truyền thông bằng tiếng dân tộc thiểu số, phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong tuyên truyền, vận động nhất là tầng lớp thanh niên dân tộc thiểu số về việc chấp hành nghiêm Luật Hôn nhân và gia đình; có biện pháp ngăn chặn ngay khi các hiện tượng xảy ra, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật về việc lợi dụng tục “kéo vợ” để vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình, vi phạm quyền con người, ảnh hưởng thuần phong mỹ tục trong đời sống nhân dân…
Các ý kiến tham gia tại Tọa đàm của đại diện các địa phương và các chuyên gia về cơ bản nhận định, đây là một phong tục, tập quán hôn nhân thể hiện bản sắc riêng, có những giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông. Tuy nhiên, việc có nên tiếp tục duy trì hay nên chấm dứt còn tùy thuộc vào kết quả xây dựng nếp sống văn hóa mới lành mạnh và việc đấu tranh với những biểu hiện “biến tướng,” vi phạm pháp luật xung quanh các sự việc liên quan đến tục “bắt vợ” ở từng địa phương.
Đánh giá cao những ý kiến tham luận tại buổi Tọa đàm, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, cần phải tuyên truyền sâu, rộng, hiệu quả về Luật Hôn nhân và gia đình cho đồng bào các dân tộc thiểu số, vận động không kết hôn khi chưa đủ tuổi, kết hôn cận huyết thống. Triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch về bài trừ hủ tục lạc hậu, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng dân tộc thiểu số; Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động để đồng bào hiểu đúng và đầy đủ về các giá trị truyền thống, nét đẹp văn hóa của tập tục “kéo vợ”; cũng như các mặt trái không phù hợp thuần phong, mỹ tục, các hành vi biến tướng tục “kéo vợ”; Nâng cao hiệu quả hoạt động của cán bộ chính quyền, đoàn thể ở cơ sở, công tác giáo dục trong nhà trường về hôn nhân và gia đình, vận động nhân dân xóa bỏ tập tục lạc hậu, những biến tướng tiêu cực trong đời sống văn hóa, phong tục tập quán, trong đó có tục “bắt vợ”; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và thực thi nghiêm minh theo pháp luật về hôn nhân, gia đình. Thực hiện hiệu quả các biện pháp ngăn chặn, tiến tới xóa bỏ các biến tướng của tục “bắt vợ”; Triển khai tốt các chính sách phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Hoàng Hải