Xây dựng Luật Nhà giáo (Bài cuối)

Xây dựng Luật Nhà giáo (Bài cuối)

Bài 2 (Bài cuối): Nâng vị thế người thầy

Chính phủ đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng, Nhà nước về nhà giáo; tổng kết, rà soát kỹ lưỡng pháp luật hiện hành để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất khi xây dựng Luật Nhà giáo. Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo về quá trình xây dựng Luật Nhà giáo cũng như những chính sách trọng tâm sẽ được đưa vào trong dự thảo Luật để lấy ý kiến góp ý rộng rãi.

Xây dựng Luật Nhà giáo (Bài cuối) ảnh 1Tiến sĩ Vũ Minh Đức- Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: giaoduc.net

Coi nhà giáo là nhân vật trung tâm

* Thưa ông, nghề dạy học đã được nhắc nhiều trong một số điều khoản của Luật Giáo dục, Luật giáo dục Đại học, Luật Giáo dục Nghề nghiệp... Vậy tại sao cần thiết phải ban hành thêm Luật Nhà giáo? Xin ông chia sẻ về quan điểm khi xây dựng Luật cũng như những thuận lợi và thách thức khi xây dựng Luật Nhà giáo hiện nay?

- Hiện nay, quy định đối với đội ngũ nhà giáo rất nhiều, được ban hành ở nhiều thời điểm khác nhau và đã bộc lộ những bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện. Mặt khác, các văn bản quy phạm pháp luật về đội ngũ nhà giáo chủ yếu dành cho nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập và quản lý như viên chức của ngành nghề khác mà còn bỏ trống khoảng trống pháp lý đó chính là đội ngũ nhà giáo ngoài công lập đang chiếm trên 16% cũng như các nhà giáo có yếu tố nước ngoài.

Bên cạnh đó, việc quản lý nhà giáo đang tiếp cận dưới góc độ quản lý hành chính mà chưa tiếp cận quản lý nhà giáo với tinh thần là quản trị nguồn nhân lực, coi nhà giáo là nhân vật trung tâm và mọi chính sách đều tập trung phát triển đội ngũ nhà giáo. Vì vậy, Luật Nhà giáo được xây dựng trên quan điểm tiếp cận là kiến tạo một môi trường tốt nhất cho đội ngũ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp của họ.

Trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng Luật Nhà giáo có một số thuận lợi, trước hết là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ nhà giáo đã được thể hiện qua rất nhiều năm và truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc ta. Thứ hai là sự quan tâm của đội ngũ nhà giáo và toàn xã hội đối với nghề giáo, đây vừa là động lực nhưng cũng là áp lực đối với đội ngũ xây dựng Luật này.

Về khó khăn, thời gian theo dự kiến Chính phủ giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng dự thảo Luật khá ngắn, tháng 6/2024 đã phải trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất và sẽ được Quốc hội thảo luận, thống nhất thông qua tại kỳ họp thứ hai tháng 10/2024. Bên cạnh đó, hiện nay có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nhà giáo dẫn tới việc ban hành Luật này phải đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Đó là những thách thức lớn khi xây dựng Luật Nhà giáo.

* Từ những bất cập trong thực tiễn, theo ông, Luật Nhà giáo cần kiến tạo những chính sách như thế nào để góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập và thu hút đội ngũ nhà giáo gắn bó với nghề; đồng thời, đảm bảo việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý giáo viên phù hợp với đặc thù nghề nghiệp?


- Hiện nay, những chính sách pháp luật còn tản mạn, vì vậy, trong Luật Nhà giáo, chúng tôi mong muốn thể chế hoá quan điểm của Đảng, đó là: Nhà giáo là yếu tố quan trọng của quá trình giáo dục. Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp. Ngoài chính sách tiền lương có những chính sách phụ cấp, ưu đãi khác đối với nhà giáo để thu hút được người giỏi vào công tác trong ngành giáo dục và để nhà giáo yên tâm công tác, gắn bó với nghề, toàn tâm toàn ý đối với sự nghiệp giáo dục.

Đối với việc tuyển dụng, sử dụng giáo viên, cách tiếp cận theo hướng coi nhà giáo là nhân vật trung tâm của quá trình phát triển đội ngũ và quản lý nhà giáo theo quản trị nguồn nhân lực, giúp nhà giáo có môi trường làm việc tốt nhất để cống hiến, sáng tạo. Trong Luật cũng quy định rõ tiêu chí, tiêu chuẩn với đội ngũ nhà giáo và căn cứ vào đó để tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo.

Đối với việc xây dựng Luật Nhà giáo và các chính sách cho nhà giáo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, Luật này sẽ kế thừa các điểm ưu việt của chính sách hiện hành như: Chính sách ưu đãi trong các chương trình mục tiêu quốc gia để phát triển đội ngũ nhà giáo ở vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, sẽ có thiết kế thêm những quy định để có thể phát triển đội ngũ nhà giáo là người dân tộc để họ yên tâm cống hiến cho quê hương - nơi họ sinh ra và sẽ gắn bó với mảnh đất ấy; tạo các điều kiện khác về điều kiện làm việc, đào tạo bồi dưỡng để giúp đội ngũ nhà giáo ở vùng sâu, vùng xa theo kịp những nhà giáo đang công tác ở vùng thuận lợi.

Có chế tài để bảo vệ đội ngũ nhà giáo

* Bên cạnh việc giải quyết, tháo gỡ các vấn đề khó khăn, vướng mắc hiện nay đối với nhà giáo, Luật sẽ đặt ra những tiêu chuẩn, quy chuẩn và trách nhiệm như thế nào đối với đội ngũ giáo viên, thưa ông?

- Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật, chúng tôi rất quan tâm đến việc định danh và quy định những tiêu chí, tiêu chuẩn, chức danh đối với nhà giáo, trong đó có tiêu chuẩn về đạo đức, tiêu chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ và những kỹ năng khác để phục vụ cho nhiệm vụ giáo dục và giảng dạy. Thông qua việc ban hành và Luật hoá các quy định này thì nhà giáo sẽ được chuẩn hóa theo đúng tinh thần Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục – đào tạo.

Trong Luật này cũng sẽ có những yêu cầu cụ thể, chi tiết, đặc biệt là tính nêu gương, tính sáng tạo trong hoạt động giáo dục. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định những chế tài để bảo vệ đội ngũ nhà giáo. Trước hết, bảo vệ nhà giáo trong việc phát triển sáng tạo vì nhà giáo hiện nay được trao nhiều quyền hơn, được chủ động trong công tác giảng dạy. Vì vậy, hành lang pháp lý phải đầy đủ để nhà giáo thực hiện quyền tự chủ trong hoạt động giảng dạy.

Trong thực tiễn vừa qua cũng xảy ra tình trạng nhà giáo bị xâm hại về sức khoẻ, về tinh thần do các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là mạng xã hội. Do vậy, trong Luật này dự kiến sẽ quy định chế tài để bảo vệ an toàn cho nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp cũng như bảo vệ danh dự, nhân phẩm của nhà giáo trên mạng xã hội để nhà giáo có thể yên tâm công tác.

* Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ triển khai những công việc gì để đẩy nhanh việc hoàn thành dự thảo Luật?

- Ngay sau khi có Nghị quyết 95/NQ-CP của Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai xây dựng Luật Nhà giáo thì Bộ đã khẩn trương thành lập ban soạn thảo, tổ biên tập, chuẩn bị các điều kiện về vật chất, nguồn nhân lực… Cho đến nay, những công việc đầu tiên của quá trình xây dựng Luật Nhà giáo đã được tiến hành rất thuận lợi. Trong thời gian tới, cùng với việc hoàn thiện các nội dung của Luật này, chúng tôi phải tranh thủ sự hỗ trợ của đội ngũ chuyên gia giáo dục, pháp luật giúp cho việc hoàn thiện dự thảo Luật để đảm bảo khi có Nghị quyết của Quốc hội chấp thuận đưa vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2024 thì có thể kịp thời đăng nội dung này trên mạng xin ý kiến của toàn thể nhân dân, đánh giá tác động của các đối tượng chịu tác động của Luật này chính là đội ngũ nhà giáo.

Chúng tôi cũng tổ chức các hội nghị, hội thảo, toạ đàm chuyên sâu với các chuyên gia và các đối tượng chịu tác động về những nội dung dự kiến sẽ đưa vào trong Luật, nhất là những vấn đề phức tạp, khó khăn, còn có những ý kiến khác nhau, trên cơ sở đó hoàn thiện dự thảo Luật tốt nhất.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chuẩn bị về nguồn lực vật chất, kinh phí để việc xây dựng Luật được thuận lợi, cố gắng tranh thủ tối đa ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia cũng như kinh nghiệm quốc tế trong quá trình xây dựng Luật.

* Trân trọng cảm ơn ông! (Hết)


Việt Hà
(thực hiện)

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm