Ngày 22/9, tại thành phố Huế, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp Viện Nghiên cứu Phát triển tỉnh Thừa Thiên- Huế tổ chức hội thảo khoa học "Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO và khả năng chuyển hoá các nguồn tài nguyên văn hóa ở Huế".
Được định hướng là đô thị sinh thái di sản, Thừa Thiên - Huế là địa phương có nhiều tài nguyên văn hóa đặc sắc như ẩm thực, thủ công và nghệ thuật dân gian. Đây cũng chính là thách thức cho tỉnh để nhận diện, lựa chọn lĩnh vực xây dựng mô hình đô thị sáng tạo khi tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN).
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà tư vấn chuyên môn, quản lý cùng cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân thực hành sáng tạo trên cả nước chia sẻ kinh nghiệm của các thành phố tham gia mạng lưới UCCN, giúp Thừa Thiên - Huế đáp ứng các tiêu chí, sớm ghi danh vào mạng lưới. Nhiều chuyên gia trong nước và lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng ẩm thực là một hướng tiếp cận khả thi, phù hợp cho địa phương để xây dựng thành phố sáng tạo khi gia nhập vào mạng lưới UCCN.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam chia sẻ, nếu lựa chọn lĩnh vực ẩm thực, quá trình chuẩn bị dữ liệu cho hồ sơ trở thành thành viên của mạng lưới UCCN vào năm 2025 hoặc 2027, cần phải triển khai có lộ trình bài bản ngay từ bây giờ và nên tham khảo kinh nghiệm của thành phố Jeonju (Hàn Quốc) trong quá trình triển khai. Hiện nay có một số tiêu chí của hồ sơ ẩm thực thuộc mạng lưới UCCN đang được nhìn nhận là thế mạnh của Huế và cần được phát huy. Đó là "kinh đô ẩm thực của Việt Nam", định vị Huế là tiêu điểm ẩm thực khu vực Đông Nam Á; sự đa dạng các món ăn từ cung đình đến dân gian, chay; mối gắn kết giữa ẩm thực và không gian văn hóa Cố đô, nghệ thuật dân gian và trang phục áo dài.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ cho hay, ẩm thực Huế có đến 1.700/3.000 món ăn ở Việt Nam được ghi trong Hội điển của nhà Nguyễn; việc chế biến các món ăn được xem như nếp sống văn hoá. Nhiều năm qua, tỉnh đã nỗ lực bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, thúc đẩy sự sáng tạo để ẩm thực phát triển, góp phần tạo sinh kế, giải quyết việc làm, thu nhập cho người dân và tạo ra các sản phẩm văn hoá - du lịch độc đáo của địa phương. Điều này phù hợp các yêu cầu mà UNESCO đặt ra cho các ứng cử viên tham gia mạng lưới.
Trước vấn đề xây dựng thương hiệu đối với các sản phẩm ẩm thực truyền thống Huế, Tiến sỹ Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, một trong những giải pháp là sử dụng hệ thống sở hữu trí tuệ làm công cụ cạnh tranh, phát triển thương hiệu trước xu thế toàn cầu hóa hiện nay. Theo đó, phải xây dựng chuỗi giá trị trong phát triển sản phẩm và thực hiện theo khung giải pháp hỗ trợ phát triển sản phẩm chủ lực cấp tỉnh gắn với chuỗi giá trị.
Nhiều ý tưởng hay cũng đã được nêu ra tại hội thảo nhằm định hướng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo của Huế; cơ hội hợp tác giữa Huế và các thành phố khác trong mạng lưới UCCN. Điển hình như ý tưởng xây dựng áo dài Việt trở thành sản phẩm sáng tạo và công nghiệp hóa của đất nước nhìn từ kinh nghiệm phát triển hanbok của người Hàn Quốc; trong đó, Huế đóng vai trò là Kinh đô áo dài Việt Nam.
Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN) được khởi xướng vào năm 2004 với mục tiêu thúc đẩy hợp tác giữa các thành phố lấy sáng tạo là yếu tố chiến lược để phát triển đô thị bền vững. Đến nay, có 301 thành phố trên thế giới đã gia nhập UCCN. Tại Việt Nam, Hà Nội là thành phố duy nhất được công nhận là thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thiết kế vào năm 2019, tạo đòn bẩy cho các thành phố khác trên cả nước tham gia vào mạng lưới này.
Mai Trang