Con đường đầy bùn đất sau mưa lũ tại bản Đỏ, xã Phú Thanh. Ảnh: Nguyễn Nam – TTXVN |
Từ thị trấn Hồi Xuân, Quan Hóa, sau khi vượt gần 100km đường đồi núi với hàng chục điểm sạt lở lớn nhỏ, điểm đến đầu tiên của chúng tôi là Trường Tiểu học Trung Sơn, một trong những điểm thiệt hại nặng nề sau trận lũ kinh hoàng. Toàn bộ ngôi trường được xây dựng kiên cố, chỉ sau một đêm đã bị bùn đất vùi lấp gần như hoàn toàn. Các phòng học đều bị đổ sập. Bàn ghế bị lũ cuốn trôi, chỉ còn lại vài cái nằm chỏng chơ giữa đống bùn đất. Sách vở, đồ dùng dạy và học của giáo viên và học sinh nằm ngổn ngang, vương vãi khắp nơi... Xót xa nhìn cảnh ngôi trường sau bao nhiêu năm gắn bó bị thiệt hại nặng nề, thầy giáo Hắc Xuân Phúc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Sơn, cho biết: Sau trận lũ lụt vừa qua, 2 dãy trường với 11 phòng học kiên cố đã bị đổ sập hoàn toàn, không thể tổ chức các hoạt động dạy và học. Sau khi tổ chức lễ khai giảng chung với trường THCS Trung Sơn, được sự đồng ý của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quan Hóa, nhà trường đã liên hệ mượn tạm nhà điều hành của Công ty 47, thuộc Ban Quản lý thủy điện Trung Sơn làm phòng học tạm cho các em. Tuy nhiên, nhà điều hành của Công ty 47 cũng chỉ đủ để tổ chức dạy và học cho khoảng 6 lớp, 3 lớp còn lại nhà trường có kế hoạch chuyển sang khu lẻ bản Bó. Nhà trường đang nỗ lực phối hợp với chính quyền địa phương khắc phục mọi khó khăn, tổ chức dạy và học để kịp chương trình. Tuy nhiên, đây mới chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu về dài, hơn 300 học sinh của Trường Tiểu học Trung Sơn rất cần có một ngôi trường kiên cố để học tập. Nhà trường rất mong chính quyền địa phương sớm có phương án bố trí địa điểm và nguồn vốn để xây dựng ngôi trường mới phục vụ công tác dạy và học thời gian tới.
Hàng chục ngôi nhà tại bản Đỏ, xã Phú Thanh, bị sập do mưa lũ. Ảnh: Nguyễn Nam – TTXVN |
Dẫn chúng tôi vào bản Co Me, xã Trung Sơn - một trong 3 bản bị cô lập hoàn toàn trong mưa lũ, Trưởng bản Co Me Phạm Bá Thượng cho biết: "Trong trận lũ vừa qua, ngôi nhà của gia đình tôi đã bị sập hoàn toàn. Do nước lên quá nhanh không kịp trở tay, nên con bò duy nhất của gia đình cùng nhiều tài sản cũng bị lũ cuốn trôi". Theo thống kê, toàn bản Co Me có 12 ngôi nhà bị đổ sập hoàn toàn, hàng trăm ha đất và hoa màu bị lũ cuốn trôi. Hiện tại, nước đã rút, tuy nhiên tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất rất cao, nên 154 nhân khẩu của bản vẫn phải di dời lên khu nhà điều hành của ban Quản lý nhà máy thủy điện Trung Sơn. Không biết những ngày tới, người dân trong bản sẽ phải sống ra sao khi toàn bộ tài sản, đất đai, hoa màu đều đã trôi theo dòng nước lũ? Cùng với bản Co Me, bản Pạo và bản Bó, xã Trung Sơn cũng là hai bản bị cô lập hoàn toàn trong cơn lũ. Theo thống kê, tại hai bản nêu trên có khoảng hơn 30 ngôi nhà bị đổ sập hoàn toàn, đời sống của nhân dân chồng chất khó khăn.
Hàng chục ngôi nhà tại bản Đỏ, xã Phú Thanh, bị sập do mưa lũ. Ảnh: Nguyễn Nam – TTXVN |
Ông Lò Văn Thiềm, bản Bó, xã Trung Sơn bàng hoàng kể lại: "Tôi đã sống ở đây mấy chục năm nay, nhưng chưa thấy năm nào nước lũ lên nhanh và dữ dội như năm nay. Chỉ trong chốc lát, lũ về đã nhấn chìm toàn bộ ngôi nhà của gia đình tôi, rất may gia đình kịp chạy lên núi nên đã thoát nạn. Những ngày nay, gia đình tôi phải sống nhờ nhà người thân, sự sống được suy trì nhờ vào nguồn hàng cứu trợ của chính quyền và các nhà hảo tâm. Hiện tại, nước đã rút nhưng, chúng tôi vẫn chưa thể về nhà vì sạt lở đất gây ách tắc, tê liệt giao thông vào bản...". Ông Phạm Văn Diện, Chủ tịch UBND xã Trung Sơn cho biết: Trên địa bàn xã Trung Sơn từ rạng sáng 28 đến 31/8 đã xảy ra mưa to đến rất to, nguy cơ lũ ống, lũ quét. Trước tình hình trên, UBND xã đã chủ động di dời người và tài sản đến nơi an toàn. Tuy nhiên, do nước lũ lên quá nhanh nên sau khi nước rút địa phương vẫn chịu thiệt hại nặng nề về tài sản.
Hàng chục ngôi nhà tại bản Đỏ, xã Phú Thanh, bị sập do mưa lũ. Ảnh: Nguyễn Nam - TTXVN |
Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Quan Hóa, UBND xã Trung Sơn đã và đang rà soát, kiên quyết di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở cao với phương châm “tính mạng con người là trên hết”. Các ban, ngành, UBND các xã đã gấp rút hỗ trợ các hộ có nhà bị sập, bị hư hỏng, bị ảnh hưởng để ổn định đời sống của người dân; tiếp tục theo dõi tình hình mưa lũ, duy trì chế độ trực 24/24h để có những phương án ứng phó với diễn biến phức tạp của thời tiết. Hiện tại các tuyến đường lên Trung Sơn đã thông, các đơn vị đang gấp rút chở gạo, nhu yếu phẩm cần thiết cứu trợ cho người dân. UBND xã đã chủ động phương án để có thể đưa lương thực đến với nhân dân kịp thời, kiên quyết không để người dân thiếu đói. Tuy nhiên, về lâu dài, đời sống của nhân dân vùng lũ gặp rất nhiều khó khăn, rất mong các cấp chính quyền quan tâm cứu trợ lương thực, thực phẩm; đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng... để người dân vùng lũ sớm ổn định cuộc sống.
Khiếu Tư