Xã Ia O (Gia Lai) vươn mình, thay màu áo mới

Xã Ia O (Gia Lai) vươn mình, thay màu áo mới

Ia O là xã vùng biên giới của huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai), giáp với huyện Andoung Meas (tỉnh Ratanakiri, Campuchia). Nơi đây, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm số đông, việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, phát huy nội lực, vận dụng linh hoạt, hiệu quả các tiềm năng, lợi thế về tự nhiên, các nguồn đầu tư của Đảng và Nhà nước, địa phương đang dần vươn mình, thay màu áo mới nơi biên ải đầy nắng gió.

Xã Ia O (Gia Lai) vươn mình, thay màu áo mới ảnh 1Phát huy nội lực, vận dụng linh hoạt, hiệu quả các tiềm năng, lợi thế về tự nhiên, các nguồn đầu tư của Đảng và Nhà nước, xã Ia O dần vươn mình, thay màu áo mới nơi biên ải đầy nắng gió. Ảnh: Quang Thái – TTXVN

Làng Bi - ngôi làng bản địa có 200 hộ dân với trên 1.178 nhân khẩu hầu hết là đồng bào dân tộc Jrai. Sắc mới của làng là minh chứng cụ thể cho bước chuyển mình trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở xã biên giới Ia O. Hạ tầng giao thông, điện chiếu sáng, đường bê tông… được bao phủ, xuyên suốt qua từng đường làng. Các công trình dân sinh được đầu tư bài bản, kiên cố, đảm bảo phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân. Đổi thay lớn nhất trong đồng bào nơi đây chính là sự đổi mới phương thức canh tác, sản xuất; các hủ tục bị đẩy lùi; người dân thêm tin tưởng vào các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhờ đó, năm 2021 làng Bi đã đạt chuẩn làng nông thôn mới.

Ông Siu Nghiệp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ia O chia sẻ, trước đây, cuộc sống của dân làng Bi chủ yếu dựa vào mùa lúa rẫy, phụ thuộc vào thiên nhiên nên quanh năm khó khăn. Từ khi được Nhà nước đầu tư công trình thủy lợi, cùng sự hỗ trợ, hướng dẫn của chính quyền xã, bà con đã chuyển sang mô hình trồng lúa nước cho năng suất cao. Đến nay, làng Bi có trên 26 ha lúa nước giúp đồng bào tự túc lương thực tại chỗ. Bên cạnh đó, với chính sách hỗ trợ cây giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật, dân làng đã mạnh dạn trồng cây công nghiệp, diện tích trồng cao su là 48 ha, cà phê 36 ha, điều 30 ha. Nhiều hộ dân ở vùng biên Ia O đã tự tìm hướng phát triển kinh tế, xây dựng các sản phẩm địa phương đặc trưng, vươn lên thoát nghèo.

Xã Ia O (Gia Lai) vươn mình, thay màu áo mới ảnh 2
Xã Ia O (Gia Lai) vươn mình, thay màu áo mới ảnh 3
Xã Ia O (Gia Lai) vươn mình, thay màu áo mới ảnh 4Các thiết chế về văn hóa, y tế, giáo dục ngày càng được xã biên giới Ia O, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) quan tâm, đầu tư phát triển. Ảnh: Quang Thái - TTXVN

Nhờ đó, xã Ia O đã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới; 100% đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa; 100% đường trục thôn làng, gần 90% đường trục chính nội đồng được cứng hóa… Tỷ lệ hộ nghèo từ 16,17% (năm 2015) đến cuối năm 2022 dự kiến giảm còn 1,6%. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 42 triệu đồng/năm (năm 2021). Tỷ lệ nhà đạt chuẩn theo quy định của Bộ Xây dựng là 87%, 9/9 thôn làng được xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng…

Hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại trên địa bàn ngày càng phong phú và sôi động, cung ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Bà con đã chủ động tìm hướng phát triển thương mại, dịch vụ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương. Đến nay, trên địa bàn có hơn 400 hộ sản xuất, kinh doanh; trong đó có 17 hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn, còn lại là các hộ kinh doanh thương mại, dịch vụ.

Ông Siu Nghiệp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ia O nhấn mạnh, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của Nhà nước, sự tự lực của Đảng bộ và nhân dân, đến cuối năm 2022, 9/9 làng của xã Ia O đã đạt các tiêu chí, đưa địa phương hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Đáng mừng nhất là sự thay đổi tư duy, nhận thức của đồng bào trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Đây sẽ là nguồn nội lực lớn để toàn Đảng bộ và nhân dân vùng biên giới Ia O tiếp tục phấn đấu, xây dựng xã phát triển vững chắc, xứng đáng là “thành trì” nơi biên cương Tổ quốc...

Quang Thái

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm