Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên Vũ Hồng Bắc tặng Bằng khen cho các cá nhân, tập thể đạt thành tích cao. Ảnh: Quân Trang - TTXVN |
Sau 15 năm triển khai Nghị quyết số 13-NQ/TW, với sự vào cuộc của các cấp, ngành và toàn xã hội, khu vực kinh tế tập thể và nòng cốt là hợp tác xã và tổ hợp tác đã có những chuyển biến tích cực, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân về kinh tế tập thể đã được nâng lên. Đặc biệt trong giai đoạn 2012 - 2018, hàng trăm tổ hợp tác, hợp tác xã được thành lập mới, hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau đã tạo được nhiều việc làm, nâng cao thu nhập, từng bước cải thiện đời sống nhân dân, đóng góp tích cực vào việc hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới và đảm bảo san sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Tính đến hết năm 2018, toàn tỉnh đã có 469 hợp tác xã nông nghiệp, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, thương mại dịch vụ, tín dụng và vệ sinh môi trường với trên 41 nghìn thành viên và người lao động; 7.260 tổ hợp tác với gần 162 nghìn thành viên và người lao động; 91 xã đạt chuẩn nông thôn mới đều có hợp tác xã hoạt động hiệu quả. Mặc dù vậy, việc quán triệt, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ở một số đơn vị, địa phương trong tỉnh còn chưa sâu rộng; công tác chỉ đạo, kiểm tra chưa thường xuyên; việc tổng kết đánh giá ở một vài nơi còn chưa đề cập đến sự phát triển của khu vực kinh tế tập thể; vai trò quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở chưa thể hiện rõ, sự hỗ trợ chưa đủ mạnh để thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển. Đặc biệt, hoạt động liên doanh, liên kết phát triển sản xuất, kinh doanh giữa các hợp tác xã và các thành phần kinh tế khác dù đã có sự chuyển biến, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Trước những thuận lợi và khó khăn trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, tại Hội nghị, ông Trần Quốc Tỏ, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên đã đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tiếp tục thống nhất cao về nhận thức đối với vai trò, vị trí và tầm quan trọng của kinh tế tập thể; trong đó nòng cốt là kinh tế hợp tác xã. Ông Trần Quốc Tỏ cho biết, phát triển các mô hình hợp tác xã cần xuất phát từ nhu cầu thực tế, phù hợp với quy luật khách quan, hướng về cơ sở, nhất là ở những địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều khó khăn, nhưng tuyệt đối không gò ép thành lập khi không có đủ điều kiện. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu phải xác định rõ trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trước mắt và lâu dài trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Về mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Thái Nguyên sẽ tuyên truyền, vận động, tư vấn, hỗ trợ phát triển khoảng 10 nghìn tổ hợp tác, 1 nghìn hợp tác xã, 30 liên hiệp hợp tác xã; trong đó có khoảng 600 hợp tác xã nông nghiệp, 400 hợp tác xã thương mại, 20 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp và 10 liên hiệp hợp tác xã thương mại, nhiều giải pháp đã được các đại biểu dự Hội nghị đề ra như: nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể, hợp tác xã; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã; đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; tư vấn, hỗ trợ các hợp tác xã kiểu mới; đẩy mạnh xúc tiến thương mại. Nhân dịp này, tỉnh Thái Nguyên đã tặng Bằng khen cho 21 tập thể và 17 cá nhân có thành tích trong thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW.
Thu Hằng