Ông Đào Xuân Thủy, Giám đốc Ban quản lý Vườn Quốc gia Chư Mom Ray cho biết: Vườn Quốc gia Chư Mom Ray (thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) đang ở cấp dự báo cháy rừng nguy hiểm, có thể xảy ra cháy bất cứ lúc nào. Ngoài các trạng thái rừng đồi cỏ, lồ ô, tre nứa xen giữa rừng già, diện tích rừng trồng là khu vực quan trọng cần được bảo vệ trong mùa khô; đơn vị quyết tâm không để xảy ra cháy rừng.
Khoanh vùng bảo vệ
Những ngày tháng 3, nhiều ha rừng tại Vườn Quốc gia Chư Mom Ray vào giai đoạn khô kiệt, nguy cơ cháy cao, công tác phòng, chống cháy rừng được đặt lên hàng đầu. Với hơn 56.000 ha, chạy qua 2 huyện Sa Thầy và Ngọc Hồi (Kon Tum), Vườn áp dụng các biện pháp chống cháy riêng, phù hợp điều kiện, thực tiễn để nâng cao hiệu quả công việc.
Theo kinh nghiệm, các nhân viên bảo vệ rừng nơi đây xác định các trạng thái rừng đồi cỏ xen lồ ô, tre nứa, rừng trồng với diện tích hơn 2.000 ha xen kẽ trong rừng già là đối tượng cần bảo vệ, phòng chống cháy rừng mùa khô. Trong đó, 250 ha rừng trồng là khu vực quan trọng, trọng điểm chống cháy.
Diện tích rừng rộng, dài nhưng nhân lực ít nên 72 người đảm nhiệm công tác bảo vệ rừng tại Vườn Quốc gia Chư Mom Ray phải chia nhau trực tại nhiều trạm, chốt ở khu vực trọng điểm. “Chúng tôi chia vùng quản lý, nơi có nguy cơ cháy cao, giao thông thuận lợi sẽ bố trí nhiều người. Tuy nhiên, diện tích rộng, nhân lực ít, việc quản lý, bảo vệ và phòng cháy rừng cần có sự phối hợp, hỗ trợ từ người dân. Những tháng mùa khô, lực lượng bảo vệ ở các trạm phải phối hợp tốt với cộng đồng thôn, làng để chống cháy rừng”, ông Đào Xuân Thủy cho biết thêm.
Rừng Ya Krei là khu vực được xác định trọng điểm, có nguy cơ cháy cao, tất cả nhân viên Trạm quản lý bảo vệ rừng Ya Krei được huy động trực 24/24 giờ. Với 7 người, bảo vệ gần 3.000 ha rừng nguyên sinh, lồ ô, tre nứa và rừng trồng 2-3 năm tuổi, những ngày qua, Trạm quản lý bảo vệ rừng Ya Krei cùng cộng đồng người dân ở làng Răk, xã Ya Xiêr (huyện Sa Thầy) phối hợp trực phòng cháy rừng. Lực lượng bảo vệ rừng và người dân dựng một chốt đầu cánh rừng, trên dọc đường tỉnh lộ 674 đi qua làm nơi canh gác.
Anh A Đen, người làng Rắk cho biết: “Chúng tôi trực, quan sát, nhắc nhở người dân vào rừng không được vứt tàn thuốc. Khi xảy ra sự cố cháy, chúng tôi phối hợp với lực lượng bảo vệ rừng để xử lý. Đây là rừng cộng đồng nhận khoán quản lý, bảo vệ nên người dân chia nhau trực, tuần tra rừng”.
Với phương châm “4 tại chỗ”, khi mùa khô đến, nhân viên Vườn Quốc gia Chư Mom Ray tại các trạm, chốt phải trực 100% quân số.
Anh Nguyễn Đức Duy, Trạm trưởng Trạm quản lý bảo vệ rừng Ya Krei chia sẻ, diện tích rừng trồng xử lý thực bì theo băng, đám, không phù hợp thực tế, không phát hết cỏ. Quy trình chăm sóc 2 lần/năm là ít, không hợp lý vì cây trồng nhỏ, cỏ mọc nhanh. Cùng đó, rừng trồng cạnh đường giao thông, đi lại thuận lợi, chỉ cần người dân vô ý vứt tàn thuốc hay hun khói bắt ong rất dễ gây cháy. Những tháng mùa khô, nắng nóng, thiếu nước sinh hoạt, anh em phải căng mình phòng cháy. Nhờ có sự phối hợp của cộng đồng, thôn, làng nên công tác phòng, chống cháy rừng cũng đỡ hơn.
Bảo vệ rừng bằng công nghệ
Nhân lực ít, diện tích rừng cần bảo vệ rộng, nhiều năm qua, để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phòng chống cháy rừng, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray đã chủ động đưa công nghệ vào hỗ trợ, góp phần giữ màu xanh cho các cánh rừng ở Chư Mom Ray.
Các nhân viên bảo vệ rừng hiện đang dùng 2 máy Flycam để phục vụ công tác chuyên môn, chủ yếu là tại các vị trí rừng trồng mới. Với Flycam, nhân viên bảo vệ rừng có thể quan sát trên cao, cập nhập được trạng thái rừng nếu có biến động (cháy, phá). Hình ảnh được xử lý qua phần mềm, đưa vào bản đồ số, tất cả đều do công nghệ xử lý.
Ông Đào Xuân Thủy khẳng định, công nghệ hỗ trợ rất nhiều trong công tác, xác định đúng vị trí, cho kết quả chuẩn xác, khách quan, nhanh nhạy và tiết kiệm sức lực. Vườn Quốc gia Chư Mom Ray cũng trang bị thêm nhiều thiết bị công nghệ như 100 bẫy ảnh, 52 smart phone và vận động các nhân viên chủ động sử dụng phương tiện cá nhân.
Anh Nguyễn Đức Duy, Trạm trưởng Trạm quản lý bảo vệ rừng Ya Krei cho biết, nhờ thiết bị công nghệ, công tác tuần tra, kiểm tra của lực lượng chuyên trách được hỗ trợ nhiều, tránh đi lạc; khi di chuyển nếu gặp con gì, cây gì thì chụp ảnh lại sẽ lưu định vị trên hành trình, thuận lợi cho công tác quản lý.
Với thiết bị công nghệ hỗ trợ, năm 2023, Ban quản lý Vườn Quốc gia Chư Mom Ray và Công an xã Rờ Kơi đã phát hiện, ngăn chặn 4 cá nhân mang súng vào rừng. Sự hỗ trợ của máy móc, công nghệ đã góp phần giúp công tác chuyên môn của các cán bộ quản lý, bảo vệ rừng đi vào thực chất, đem lại hiệu quả cao. Ngoài ra, người quản lý còn nắm được quãng đường, vị trí di chuyển của nhân viên, nắm được có bao nhiêu bẫy thú được gỡ, vị trí bẫy... Các trạm quản lý bảo vệ rừng tổng hợp số liệu được chi tiết, từ đó đánh giá được hiệu quả công việc khách quan. Công nghệ cũng giúp các cán bộ quản lý, bảo vệ rừng điều tra, giám sát được con người hay động vật đi vào rừng...
Vườn Quốc gia Chư Mom Ray thời điểm này đang vào mùa khô, nắng nóng gay gắt, nhiệt độ ngoài trời cao nhưng những người làm công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Vườn vẫn bám rừng, giữ rừng, giữ màu xanh cho tương lai.
Cao Nguyên