“Vùng rốn lũ” Đồng Tháp Mười của Tiền Giang khởi sắc

Thu hoạch lúa Thu Đông bằng cơ giới ở xã Đồng Thạnh, Gò Công Tây. Ảnh: Minh Trí - TTXVN
Thu hoạch lúa Thu Đông bằng cơ giới ở xã Đồng Thạnh, Gò Công Tây. Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Nhờ vào sự nỗ lực, cần cù, vượt khó của chính quyền cùng người dân vùng Đồng Tháp Mười - huyện Tân Phước nói riêng, cũng như tỉnh Tiền Giang nói chung đã khai phá, chinh phục vùng đất phèn mặn “khỉ ho cò gáy” thành vùng đất giàu tiềm năng về nông nghiệp, du lịch xanh, công nghiệp…

“Vùng rốn lũ” Đồng Tháp Mười của Tiền Giang khởi sắc ảnh 1Thu hoạch lúa Thu Đông bằng cơ giới ở xã Đồng Thạnh, Gò Công Tây. Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Thoát nghèo nhờ đẩy mạnh thủy lợi, nông nghiệp

Để cải tạo vùng đất Đồng Tháp Mười hoang vu với rừng tràm, năn, bàng mênh mông…, năm 1976, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã thành lập nhiều đoàn khảo sát để tìm ra điểm mấu chốt để chinh phục vùng đất phèn, rốn lũ Đồng Tháp Mười là đẩy mạnh công tác thủy lợi. Thời đó, toàn vùng có rất ít kênh nên việc đầu tiên phải đào kênh dẫn nước ngọt về, xả phèn cho toàn vùng. Đi tiên phong trong công tác khai hoang lúc bấy giờ gồm có: cán bộ, công chức các sở, ban ngành, các lực lượng quân sự… làm nòng cốt để huy động nhân dân trong tỉnh tham gia.

Bên cạnh huy động sức lao động của hàng ngàn thanh niên xung phong, hàng chục vạn người dân nói chung, lực lượng phương tiện cơ giới được tập trung để đào hơn 40 con kênh mới, vào lúc cao điểm có trên 20 chiếc xáng thi công…

Công tác thủy lợi-giao thông, yếu tố quyết định thành công của việc khai hoang. Hệ thống kênh trục đầu tiên được hoàn thành như kênh Trương Văn Sanh, Tràm Mù, Bắc Đông… đóng vai trò như tuyến kênh huyết mạch dẫn nước ngọt về cho mấy chục tuyến kênh cấp 2, 3 trong vùng. Nước ngọt về cùng với đường giao thông là hai yếu tố quan trọng ban đầu để người dân vào sinh sống, trồng lúa, khóm (giống cây được lựa chọn); bây giờ còn có nhiều loại cây ăn trái khác, như: xoài, chuối, mãng cầu, thanh long…

Bức tranh huyện Tân Phước hôm nay được điểm tô bởi hệ thống giao thông nhựa hóa, cũng vừa là đê bao chống lũ bảo vệ an toàn cho hàng trăm ha khóm xanh mướt trải dài tít tắp. Những con kênh đào đan xen như hệ thống bàn cờ vừa đóng vai trò dẫn nước xả lũ, vừa là con đường giao thông thuận lợi cho việc chuyên chở lưu thông hàng hóa luôn nhộn nhịp cảnh ghe xuồng qua lại. Nổi bật nhất trên gam màu xanh của khóm, lúa, tràm…, có màu ngói đỏ của những ngôi nhà tường khang trang như minh chứng cho sự sung túc của đời sống cư dân nơi đây sau nhiều năm khai hoang.

Về kinh tế nông nghiệp, huyện Tân Phước đã hình thành, phát triển vùng khóm nguyên liệu với diện tích hơn 15.400 ha, sản lượng hàng năm đạt 300 ngàn tấn; cải tạo diện tích lúa từ 1 vụ bấp bênh lên 3 vụ "ăn chắc", nâng diện tích gieo sạ hiện nay đạt 17.110 ha với năng suất bình quân 7 tấn/ha.

Ông Nguyễn Văn Ngự (ở ấp 3, xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang), một trong những cư dân sớm vào khai khẩn đất ở huyện Tân Phước từ khi mới thành lập, nay trở thành một trong tỷ phú nhờ trồng khóm ở đây. Từ 1,25 ha đất ban đầu được nhà nước hỗ trợ vay vốn ngân hàng để lên liếp trồng khóm, đến nay gia đình ông Ngự đã mua thêm 3 ha đất nữa. Theo ông Ngự, với giá khóm được giá như hiện nay (9.000-10.000 đồng/kg), 4 ha khóm đang cho thu hoạch của ông chắc cũng thu về xấp xỉ 1 tỉ đồng.

Hay, ông Lê Văn Bé Hai (ở xã Thạnh Mỹ, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) cho biết, ông có 3 ha đất trồng khóm chuyên canh. Nhờ áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh để khóm đạt năng suất, sản lượng cao, chú trọng xử lý cho quả trái vụ nên khi thu hoạch bán được giá cao. Năm 2023, ước tính, ông đạt sản lượng khóm trên 60 tấn, bán thu nhập ròng khoảng 300 triệu đồng.

Những năm qua, khoai mỡ cùng khóm vốn được xem như “cây xóa đói giảm nghèo”. Nhờ 2 cây trồng này mà huyện Tân Phước hiện nay chỉ còn 56 hộ nghèo, 23 hộ cận nghèo, 21 hộ nghèo thuộc bảo trợ xã hội. Trong phong trào phát triển kinh tế, huyện Tân Phước có nhiều điển hình nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi với thu nhập tỷ đồng mỗi năm như “Vua trồng khoai mỡ” Phạm Văn Pheo (xã Thạnh Mỹ), “Vua trồng khóm” Võ Văn Hùng (xã Thạnh Mỹ), “Vua trồng thanh long” Nguyễn Hữu Soi (xã Thạnh Mỹ),…

Tạo tiền đề thúc đẩy các ngành công nghiệp có giá trị kinh tế cao

Việc tăng cường hình thành, phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn huyện Tân Phước đã khai thác được lợi thế cùng tiềm năng của huyện, tạo động lực cho sự phát triển một cách toàn diện các ngành kinh tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế theo chủ trương, chính sách của Đảng bộ huyện.

Huyện Tân Phước đã được phê duyệt quy hoạch ba khu công nghiệp, một cụm công nghiệp; trong đó, khu công nghiệp Long Giang có quy mô 540 ha đã đi vào hoạt động, được xem như hình mẫu, đầu tàu thúc đẩy phát huy tiềm năng công nghiệp, thu hút đầu tư tại huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Tiền Giang. Hai khu công nghiệp Tân Phước 1 với diện tích 470 ha và khu công nghiệp Tân Phước 2 với diện tích 300 ha đang lập quy hoạch chi tiết 1/2.000 để mời gọi đầu tư. Ngoài ra, Tân Phước còn dành hai khu đất (đang lập quy trình mời gọi đầu tư) dự kiến phát triển công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao có diện tích 200 ha/khu.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tân Phước Trần Hoàng Phong cho biết, để tiếp tục phát huy các tiềm năng và thế mạnh phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư, tạo việc làm cho nhiều lao động, góp phần chuyển dịch về cơ cấu nền kinh tế mạnh mẽ, bền vững trong một giai đoạn phát triển mới của đất nước, huyện Tân Phước đang kêu gọi thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.

Huyện tập trung kêu gọi đầu tư các dự án phục vụ sản xuất nông nghiệp như: Cung cấp quy trình công nghệ mới trong trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi, phân bón vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật, các chế phẩm sinh học và máy móc,… Ngoài ra, địa phương còn tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nhằm phục vụ tích cực cho các ngành công nghiệp chủ yếu của địa phương cũng như tạo tiền đề thúc đẩy các ngành công nghiệp có giá trị kinh tế cao phát triển mạnh mẽ hơn nữa - đặc biệt là các ngành sản xuất thiết bị hỗ trợ, linh kiện, phụ tùng lắp ráp, chế tạo máy móc, sản xuất bao bì, gia công đóng gói,…

Huyện Tân Phước thực hiện nhiều chính sách ưu đãi mời gọi đầu tư, khuyến khích nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư làm ăn, phát triển tiềm năng công nghiệp tại địa phương. Cụ thể, triển khai chính sách miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước, miễn giảm tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; các ưu đãi khác về thuế suất, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định, thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm theo quy định, miễn thuế 4 năm; giảm bớt 50% số thuế phải nộp trong 9 năm, 5 năm hoặc 4 năm tiếp theo theo quy định…

Toàn huyện hiện phát triển được 430 cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, trong đó có 34 doanh nghiệp vừa, nhỏ cùng 396 cơ sở tiểu thủ công nghiệp. Ngoài các doanh nghiệp đầu tư vào làm ăn trong các khu công nghiệp thì ngành đóng sửa tàu thuyền - xà lan, đan bàng và làm hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, cơ khí, sửa chữa máy móc nông ngư cơ, xay xát chế biến lương thực - thực phẩm tiêu dùng, xuất khẩu... là những ngành thế mạnh đang được địa phương quan tâm phát huy.

Hữu Chí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm