Học sinh Trường Tiểu học Yên Nhân, xã Yên Nhân, huyện miền núi Thường Xuân vượt suối đến trường. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN |
Hàng chục năm qua, người dân, học sinh sống tại thôn Khong, xã Yên Nhân, huyện miền núi Thường Xuân (Thanh Hóa) vẫn phải liều mình đi trên những chiếc cầu tạm hoặc bè mảng được kết bằng tre nứa để vượt qua sông Ken và các con suối lớn. Mỗi khi mùa mưa lũ về lại xảy ra các vụ tai nạn sập cầu, lật bè, mong ước lớn nhất của người dân lúc này là nhà nước sớm đầu tư xây dựng những chiếc cầu dân sinh để người dân đi làm, học sinh đi học, phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
Tại đội 1, thôn Khong, vào mùa khô người dân và học sinh phải lội qua suối để sang bờ bên kia, nhưng khi mùa mưa về dòng nước dâng cao, người dân phải nhờ sự trợ giúp của lực lượng dân quân để đi bè mảng qua suối.
Ông Lương Văn Nghĩa, trú tại thôn Khong cho biết, mỗi ngày có hàng chục người dân và trẻ em phải lội qua suối để đi đến trung tâm xã. Do sợ người dân, học sinh nguy hiểm đến tính mạng khi qua suối, cách đây khoảng 2 tuần, chính quyền và người dân đã làm tạm cây cầu bằng tre luồng để các hộ dân, học sinh có thể qua suối an toàn, thế nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời bởi khi xảy ra mưa lũ cả khu vực này sẽ thành sông.
Tại bến đò sông Ken, đoạn chảy qua đội 3, thôn Khong, người dân, học sinh phải đi bè mảng cùng sự trợ giúp của dây kéo để qua sông. Đối với các em học sinh trường tiểu học và trường mầm non Yên Nhân, cứ mỗi chuyến bè qua sông, người chèo bè chỉ chở được hơn 6 học sinh, có em biết bơi nhưng cũng em chưa được học, nếu gặp phải hôm mưa lũ thì con đường đến trường của các em càng nguy hiểm và gian nan hơn gấp bội phần.
Thầy giáo lương Thanh Tuyến, Hiệu trưởng trường tiểu học Yên Nhân cho biết, nhà trường có khoảng 230 học sinh; trong đó có 55 học sinh phải đi qua sông Ken và lội qua suối mỗi ngày để đi học. Vào mùa mưa, nước dâng cao, bố mẹ của các em học sinh phải đi bè mảng kết hợp kéo dây để đưa các em qua sông, những hôm lũ về thì đành chấp nhận không thể qua được sông.
Em Vi Hoài Nam, học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Yên Nhân cho biết, hàng ngày em phải đi qua sông Ken và 1 con suối lớn để đến trường, chỗ thì lội nước, nơi thì đi bè mảng, hầu hết vào mùa mưa đều phải nhờ bố mẹ đưa đi. Nếu vào hôm mưa lũ không thể sang sông và phải trọ lại gần trường để thuận tiện cho việc học tập. Em mong muốn nhà nước sớm xây dựng cầu dân sinh để em vượt sông, suối đến trường an toàn.
Ông Lê Hoàng Cường, Chủ tịch UBND xã Yên Nhân cho biết, thôn Khong có 217 hộ dân với 979 nhân khẩu; trong đó có hơn 110 học sinh, người dân phải đi qua khu vực sông Ken và suối hàng ngày. Xã vừa xây được 2 cầu tạm qua suối và sông Ken cho người dân, học sinh qua lại. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài cần xây 2 cây cầu dân sinh tại 2 điểm nhưng không có nguồn vốn đầu tư.
Trước thực trạng người dân phải đi trên những chiếc cầu tạm, bè mảng vượt sông Ken và suối, lãnh đạo huyện Thường Xuân đã kiến nghị lên tỉnh, đồng thời kêu gọi các nhà tài trợ xây dựng cầu dân sinh. Tuy nhiên, đối với một huyện nghèo thì nguồn lực từ xã hội xóa cũng đang còn gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Vi Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch UBND huyện Thường Xuân, hiện đã có dự án Đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) xây cầu tại các điểm có người dân, học sinh đi lại bằng cầu tạm, bè mảng. Đối với đoạn sông Ken và suối thuộc xã Yên Nhân, huyện đã khảo sát và đang tập trung các nguồn vốn để sớm xây dựng được cây cầu dân sinh, trước mắt huyện sẽ chỉ đạo các xã làm tạm tràn vượt lũ cho người dân tạm thời đi qua.
Bên cạnh đó, khi xảy ra mưa, lũ, huyện sẽ phối hợp với Ban an toàn giao thông cùng các xã, thị trấn thực hiện rà soát và cấp áo phao cho người dân và học sinh khi đi bè mảng sang sông. Đồng thời, chỉ đạo các xã mỗi khi nước lũ lên phải túc trực công an viên, dân phòng ở hai bên bờ sông để ngặn chặn, không cho người dân dùng bè mảng qua sông để tránh nguy hiểm tính mạng.
Trước thực trạng trên, rất mong các cấp có thẩm quyền sớm đầu tư xây dựng những cây cầu mới để giúp người dân vùng cao thuận tiện đi lại giao thương buôn bán, xóa đói giảm nghèo.
Nguyễn Nam