Vùng đất khó đã "chuyển mình"

Vùng đất khó đã "chuyển mình"
Sự đổi thay ấy bắt đầu từ kinh tế. Mảnh đất Tà Năng với hơn 85% dân cư là người dân tộc thiểu số giờ đây không hiếm những “đại gia” cà phê, “ông chủ” chăn nuôi. Họ đều xuất phát điểm từ điều kiện kinh tế khó khăn, đã nỗ lực lao động, biết ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến trong trồng trọt, chăn nuôi để làm giàu. 
Một góc Tà Năng
Một góc Tà Năng
 Bà Ma Đoàn, một hộ sản xuất cà phê giỏi có tiếng tại thôn Tou Néh, chia sẻ: “Gia đình tôi trồng cà phê từ lâu lắm rồi. Nhưng trước đây, năng suất cà phê trên 1ha chỉ tính bằng tạ thôi nên không đủ tiền cho con đi học. Nhưng mấy năm gần đây, gia đình tôi được tiếp cận các lớp khuyến nông, học hỏi khoa học, kỹ thuật trong việc trồng và chăm sóc cà phê. Hiện nay, 2ha cà phê của gia đình cho năng suất hơn 7 tấn nhân”. Bên cạnh đó, vợ chồng chị Ma Đoàn còn mạnh dạn vay vốn mở cửa hàng bán phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cung cấp cho bà con trong vùng. Nhờ vậy mà gia đình chị ngày càng khấm khá. Chị được bà con gọi với cái tên “đại gia thôn Tou Néh”. Cũng giống như gia đình chị Ma Đoàn, anh Ya Úc được xem là một “ông chủ” chăn nuôi lớn tại Tà Năng. Ngoài 3ha cà phê, anh Ya Úc còn có đàn trâu bò với hơn 50 con. Anh khiêm tốn nói “mình chỉ nuôi được ít thôi”. Nhưng với giá thị trường hiện tại, anh đã có trong tay ít nhất 800 triệu đồng. Chia sẻ với chúng tôi, Ya Úc quả quyết: “Làm gì thì làm, nhưng phải có kiến thức chuyên môn mới được, Nhà nước chỉ cách làm rồi thì mình phải cố gắng làm để thoát nghèo chứ”.
Và điều đáng trân trọng hơn khi những tấm gương sản xuất, kinh doanh giỏi này không chỉ làm giàu cho cá nhân mà họ luôn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ bà con cùng thoát nghèo. Điều đó còn góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới của xã. Ông Uông Thanh Nam - Chủ tịch xã Tà Năng, cho biết thêm: “Chuyện tìm cách giảm nghèo nhanh và bền vững cho bà con không phải giải quyết trong một sớm, một chiều. Riêng đối với Tà Năng, khó khăn khi thực hiện chuyển đổi còn nằm ở nếp nghĩ, thói quen sản xuất lạc hậu lâu đời của bà con. Bởi thế, trong chiến lược xóa nghèo của xã, những hộ được chọn hỗ trợ đầu tư phải thông qua lựa chọn kỹ càng, vừa đảm bảo việc thoát nghèo được đầu tư “đúng địa chỉ”, vừa là nơi để bà con học tập và làm theo”. Cũng nhờ thế mà việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi ở Tà Năng đã có nhiều chuyển biến. 15ha lúa một vụ ở Tà Năng đã chuyển qua hình thức luân canh tăng vụ. Ngoài ra, bà con còn trồng thêm bơ ghép, mít nghệ, dâu tằm; riêng rau, hoa bước đầu áp dụng hệ thống tưới phun mưa; chăn nuôi trâu, bò, gà, thỏ, dê... Năm 2011, từ 252 hộ nghèo, chiếm gần 23%, đến nay Tà Năng chỉ còn 50 hộ nghèo, chiếm hơn 3,9%. Thu nhập bình quân của người dân Tà Năng hiện nay là 24 triệu đồng/người/năm - Con số mà những năm trước đây, có lẽ nhiều bà con nơi này không dám mơ ước tới. 
Thu hoạch cà phê ở Tà Năng
Thu hoạch cà phê ở Tà Năng
Hơn 5 năm trước, khi đến các thôn vùng sâu của xã Tà Năng mùa mưa lầy lút chân, ngày nắng bụi ngập đầu. Đoạn đường đến trường của lũ trẻ nơi đây cũng vì thế mà thêm khổ cực. Nhưng khi kinh tế khá lên, bà con không còn nghĩ riêng cho bản thân mà nghĩ đến nhiều việc chung cho xã hội, nhất là trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Ví như công trình “Ánh sáng nông thôn” tại khu trung tâm xã, bà con đối ứng được 52 triệu đồng; công trình đường giao thông Cha Rang Hao bà con đóng góp được hơn 60 triệu đồng... Được biết, trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở Tà Năng, khó khăn nhất là tiêu chí đường giao thông bởi nơi đây địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, đời sống còn thấp. Từ tinh thần nỗ lực, mặc dù chưa bê tông hóa tất cả các con đường trong xã, nhưng những tuyến chính như đường nối thôn Bản Cà đến thôn Klong Bong, đường thôn Cha Rang Hao, thôn Chiếu Krơm... đã được bê tông hóa. Theo ông Uông Thanh Nam “Để giao thông nông thôn của xã thông thoáng và đồng bộ, hàng năm, chúng tôi xem xét những tuyến đường cấp thiết thì ưu tiên thực hiện trước, còn các tuyến chưa bức xúc thì làm ở những năm tiếp theo”. Được biết, trong năm 2015, xã đã được đầu tư 7 công trình xây dựng cơ bản bao gồm: đường giao thông, công trình nước sạch, hội trường thôn... với kinh phí hơn 11 tỷ đồng. Toàn xã hiện nay có 95% số hộ dân có nước sinh hoạt hợp vệ sinh để sử dụng và 98% số hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia. Được biết, trong năm 2016, Tà Năng sẽ nỗ lực đầu tư thêm 4 công trình giao thông và một công trình làm nhà sinh hoạt cộng đồng. Trong kế hoạch phát triển năm 2016, Tà Năng sẽ nỗ lực đầu tư thêm 4 công trình giao thông và một công trình làm nhà sinh hoạt cộng đồng.
Đến thời điểm hiện tại, Tà Năng đã hoàn thành 15/19 tiêu chí nông thôn mới. Mặc dù còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng hoàn thành 4 tiêu chí còn lại là mục tiêu được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tà Năng phấn đấu hoàn thành trong năm tới.
Về Tà Năng hôm nay, đã có nhiều những ngôi nhà cao tầng khang trang, xe cộ đi lại nhộn nhịp. Bà con phấn khởi lao động sản xuất trong những vườn rau xanh được đầu tư bài bản hay thu hoạch những vườn cà phê năng suất cao... Chừng ấy thứ như để nhắc thêm rằng, Tà Năng đã “chuyển mình”.
Báo Lâm Đồng

Có thể bạn quan tâm