Sau hơn hai tháng chính thức có điện lưới quốc gia, cuộc sống của đồng bào Ba Na ở Làng Cát, Làng Chồm và làng Kà Bông thuộc xã Canh Liên, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định đã có những đổi thay tích cực.
Làng Cát - ngôi làng xa nhất ở xã vùng cao Canh Liên đã trở nên nhộn nhịp hơn hẳn mỗi đêm. Trẻ em vui vẻ chơi đùa tại nhà rông ở trung tâm làng. Ánh điện bừng sáng trong những căn nhà sàn người Ba Na. Các cụ già tập trung bên những chiếc ti vi mới mua để xem chương trình thời sự. Ai nấy đều vui vẻ, phấn khởi khi được sử dụng nguồn điện lưới quốc gia sau nhiều năm sống trong ánh điện le lói phát ra từ chiếc máy nổ duy nhất của làng.
Anh Đinh Văn Chanh, người làng Cát cho biết, từ khi có điện lưới quốc gia kéo về làng trước Tết Nguyên Đán, hàng quán của anh đông vui hơn hẳn. Người già, trẻ nhỏ đến nhà anh Chanh để xem ti vi mỗi tối nên anh bán thêm được vài chai nước hay ly cà phê. Mới đây, anh Chanh đã mua thêm một chiếc tủ lạnh để cất trữ thực phẩm và bán thêm nhiều mặt hàng khác cho người dân trong làng.
“Có tủ lạnh, mình bảo quản rau, thịt, cá được lâu hơn, tươi hơn nên bán được nhiều tiền hơn. Ngoài ra, mình còn làm thêm nước đá, kem, kẹo sirô để bán thêm cho các em nhỏ, góp phần tăng thu nhập cho gia đình”, anh Chanh phấn khởi nói.
Làng Cát cách trung tâm xã Canh Liên hơn 45 km. Việc đi lại khó khăn nên trước đây điện lưới quốc gia chưa về đến làng. Đồng bào Bana nơi đây chủ yếu dùng điện phát ra từ chiếc máy nổ trong khoảng thời gian từ 19 giờ đến 21 giờ. Nhưng nguồn điện này không ổn định, dễ xảy ra sự cố nên các đồ vật có sử dụng điện thường xuyên hư hỏng.
Ông Đinh Văn Tố, một cụ già người Bana làng Cát cho biết, trước đây cả làng chỉ có dưới 10 chiếc ti vi. Nhưng kể từ khi có điện lưới quốc gia, người dân trong làng đã mua thêm 20 chiếc nữa. Mọi người vui vẻ xem ti vi, không còn lo các sự cố về nguồn điện.
Cách làng Cát không xa các làng Chồm và Kà Bông cũng vừa có điện lưới quốc gia. Người dân ở các làng này cũng sắm sửa thêm các vật dụng trong nhà như: tủ lạnh, máy giặt, quạt điện, nồi cơm điện, bình nấu nước siêu tốc để phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày. Một số hộ khác mua máy móc phục vụ cho việc sản xuất của gia đình.
Anh Mai Thanh Phương, người dân làng Chồm cho biết: “Tôi vừa mua một chiếc máy bào và một chiếc máy cưa để hỗ trợ cho công việc xây dựng nhà cửa của mình. Trước đây, các công đoạn xẻ gỗ, bào gỗ rất khó khăn vì không có nguồn điện ổn định để sử dụng máy móc; nay mọi việc trở nên dễ dàng hơn rất nhiều”.
Sau khi có điện lưới quốc gia, việc học hành của con em làng Cát, làng Chồm và Kà Bông cũng thuận lợi hơn. Thầy giáo Đinh Văn Hơm, Trường tiểu học Canh Liên cho biết, trước kia khi chưa có điện, đến chiều tối, các em học sinh thiếu ánh sáng để học. “Nay có điện rồi không lo thiếu ánh sáng nữa. Trong mùa mưa cũng yên tâm vì có điện cả ngày. Mùa hè nóng bức thì có quạt điện rất mát mẻ”, thầy giáo Hơm nói.
Theo anh Phạm Hoàng Ngọc, công nhân Điện lực Phú Tài (Công ty Điện lực Bình Định), dự án cấp điện lưới quốc gia cho ba ngôi làng xa nhất của xã Canh Liên do UBND huyện Vân Canh làm chủ đầu tư, quy mô 9,5 km đường dây 22kv và 8,5km đường hạ thế với tổng vốn đầu tư gần 15 tỷ đồng được đưa vào vận hành vào đầu tháng 2/2021. Xã Canh Liên có đặc thù là vùng núi cao dễ xảy ra dông sét dẫn đến cháy nổ nên từ khi đi vào vận hành, Điện lực Bình Định thường xuyên cử cán bộ kiểm tra các trạm biến áp cũng như hướng dẫn người dân sử dụng điện an toàn, tiết kiệm. Đến nay, đồng bào Canh Liên vẫn sử dụng điện an toàn, hiệu quả.
Ông Lương Đình Tiên, Chủ tịch UBND huyện Vân Canh đánh giá, từ khi có điện, người dân ở các làng Cát, Chồm và Kà Bông rất phấn khởi. Công tác thông tin tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với người dân cũng được nhanh hơn, kịp thời hơn.
Hai làng cuối cùng hiện nay của huyện Vân Canh chưa có điện lưới quốc gia là làng Canh Giao (xã Canh Hiệp) và làng Canh Tiến (xã Canh Liên). Ngoài ra, tỉnh Bình Định còn một ngôi làng khác chưa có điện là làng O2 của xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh. Người dân ở những ngôi làng này hiện đang sử dụng điện năng lượng mặt trời, sinh hoạt và sản xuất còn nhiều khó khăn.
Tường Quân