Kinh tế phát triển, đời sống ấm no, bền vững, người dân dựng nhà mới khang trang, không di cư tự do, phá rừng làm nương rẫy. Ảnh: Xuân Tiến - TTXVN |
Huyện Mường Nhé có diện tích tự nhiên hơn 157.000 ha, có đường biên giới giáp Lào và Trung Quốc dài hơn 110 km. Toàn huyện có gần 20 xã với gần 36.000 nhân khẩu, thuộc 13 dân tộc. Nằm ở vị trí “chóp cùng” của cực Tây Tổ quốc, xã Sín Thầu được ví là vùng đất “một tiếng gà gáy, ba nước cùng nghe”, có cột mốc số 0 nằm trên đỉnh Khoan La San cao hơn 1.860 m so với mực nước biển, nơi phân định ranh giới, cương thổ của 3 nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc. Tổng diện tích toàn xã rộng hơn 16.200 ha, có hơn 35 km đường biên giáp Trung Quốc và Lào với 15 cột mốc giới. Hiện toàn xã Sín Thầu có 7 bản với hơn 300 hộ dân, hơn 1.340 nhân khẩu, gồm 7 dân tộc anh em sinh sống, trong đó dân tộc Hà Nhì chiếm khoảng 96%. Sín Thầu hôm nay đã khoác lên mình một diện mạo mới. Sự hiện diện của các công trình phúc lợi, cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu người dân trong sinh hoạt, chăm sóc y tế, nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo đà để có những bước phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Tại các bản làng, những con đường bê tông được xây dựng sạch sẽ, khang trang. Nhà cửa, khu chăn nuôi gia súc, gia cầm, ao nuôi cá của người dân được xây dựng và quy hoạch phù hợp. Những hàng quán, dịch vụ cũng mọc lên ngay gần trung tâm xã để phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân. Già làng, người có uy tín của bản Tả Kố Khừ, xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé) Pờ Á Sinh nhớ lại: "Người dân tộc Hà Nhì chúng tôi đến đây từ những năm 1967 - 1968, mãi đến năm 1970 mới lập bản. So với 7 bản của xã thì bản Tả Kố Khừ và Tá Miếu là những bản lập nên sớm trước, sau đó mới đến các bản Pờ Nhù Khồ, Tả Kố Ky, Tá Sú Lình, Lỳ Mà Tá… Gần 20 năm trước, giao thông đi lại rất khó khăn, hạn chế, nhất là vào mùa mưa, dân khổ lắm. Những năm gần đây, việc đi lại thuận tiện rất nhiều vì đã có đường sá, xe ô tô từ trung tâm huyện vào đến tận ngã ba biên giới. Việc qua suối bây giờ đã có cầu chắc chắn, dân cảm thấy phấn khởi, sung sướng lắm."
Bản làng trên địa bàn xã Leng Su Sìn đã được đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh với đầy đủ trường lớp, nhà văn hóa, sinh hoạt cộng đồng...đáp ứng nhu cầu học tập, vui chơi, giải trí của người dân địa phương. Ảnh: Xuân Tiến - TTXVN |
Ở các bản làng ở vùng đất biên viễn Sín Thầu, người dân luôn đoàn kết, gắn bó, có ý thức cao trong gìn giữ an ninh biên giới, tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc; giữ vững chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia. Anh Mạ Sàn Hòa, Phó trưởng bản Tả Kố Khừ cho biết: Ngoài chăm lo phát triển sản xuất, đưa kinh tế gia đình ngày một phát triển bằng việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu ngành sang dịch vụ, người dân nơi đây luôn có ý thức trong việc bảo vệ an ninh trật tự địa bàn, không để xảy ra tệ nạn xã hội; luôn nâng cao tinh thần bảo vệ đường biên, mốc giới; cam kết không vượt biên trái phép; chấp hành mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Ông Pờ Chinh Phạ - Phó Chủ tịch UBND xã Sín Thầu cho biết, toàn xã có gần 2.700 con gia súc, hơn 2.650 con gia cầm các loại, hơn 7 ha diện tích nuôi trồng thủy sản. Tổng lương thực bình quân đầu người đạt hơn 400kg/người/năm, thu nhập bình quân đạt gần 30 triệu đồng/người/năm. 7/7 bản đã có y tế bản, cô đỡ thôn bản. Xã đạt 15/19 tiêu chí của chuẩn nông thôn mới. Có được kết quả này là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền đã tập trung cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Các chương trình trọng điểm được triển khai trên địa bàn đã phát huy được tính phù hợp, hiệu quả. Cũng thuộc địa bàn địa bàn trọng yếu, chiến lược trên con đường biên giới cực Tây Tổ quốc, xã Leng Su Sìn (huyện Mường Nhé) có diện tích gần 18.000 ha, có đường biên giới giáp Lào dài hơn 7,6 km với 3 cột mốc giới. Toàn xã có 7 bản, hơn 530 hộ với hơn 2.500 khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông (chiếm 75%) và dân tộc Hà Nhì (chiếm 22,5%). Những năm qua, ngoài đẩy mạnh xây dựng bản làng văn hóa bình yên với quy ước, hương ước chặt chẽ, xã còn chú trọng phát triển chăn nuôi, xây dựng được những điểm chợ, điểm bán buôn hàng hóa, thu mua nông sản cho người dân. Ông Lỳ Xè Chừ - Phó Chủ tịch UBND xã Leng Su Sìn cho biết: Những năm qua, chính quyền địa phương luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sản xuất, từng bước áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa những giống cây con có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Việc mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản cũng được địa phương quan tâm đẩy mạnh. Đến nay, toàn xã có hơn 530 ha lúa nước, lúa nương; hơn 50 ha ngô, gần 10 ha rau màu các loại. Tổng đàn gia súc của xã có hơn 1.400 con, hơn 3.700 con gia cầm... Việc được đầu tư, xây dựng hệ thống điện đường, trường trạm đã tạo tiền đề cho các lĩnh vực khác phát triển. Cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về quốc phòng; duy trì nghiêm chế độ trực chỉ huy, sẵn sàng chiến đấu; tăng cường công tác phối hợp với lực lượng Biên phòng tổ chức tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới nên tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn luôn được đảm bảo. Tình trạng chặt phá rừng làm nương, di cư tự do không còn xảy ra; an ninh biên giới đất liền, chủ quyền lãnh thổ luôn được giữ vững.
Già làng Pờ Á Sinh là người có uy tín tiêu biểu tại xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Văn Dũng - TTXVN |
Nằm án ngữ trên con đường biên giới đi các xã Sín Thầu, Leng Su Sìn,… Chung Chải là một xã vùng cao biên giới với diện tích tự nhiên rộng hơn 21.000ha, toàn xã có hơn 1.130 hộ với gần 5.740 nhân khẩu thuộc 5 dân tộc sinh sống ở 15 bản. Xã có gần 20 km đường biên giới tiếp giáp với nước Lào. Ông Phùng Khứ Xá - Phó Chủ tịch UBND xã Chung Chải, huyện Mường Nhé cho biết: Nhiều năm trước đây, khi trình độ dân trí không đồng đều, phong tục tập quán của người dân còn lạc hậu, sản xuất chủ yếu là tự cung, tự cấp, chưa tạo ra được hàng hóa, tỷ lệ đói nghèo trong xã còn cao. Đặc biệt là tình hình di cư ngoài kế hoạch diễn ra phức tạp, kéo theo đó là việc phá rừng trái phép làm nương, tuyên truyền đạo trái phép, các tệ nạn khác còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ… Tuy nhiên, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với các chính sách, chương trình dự án hỗ trợ và sự chung tay, đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền, người dân địa phương, sản xuất kinh tế, nông nghiệp của Chung Chải đã có nhiều khởi sắc. Toàn xã có hơn 500 ha lúa nương và lúa ruộng; gần 200 ha ngô, sắn; hơn 60 ha đậu tương, lạc, khoai; gần 7 ha diện tích nuôi thủy sản; gần 13.000 gia súc, gia cầm… Các lĩnh vực giáo dục, y tế, cải cách thủ tục hành chính, an sinh xã hội… trên địa bàn cũng có bước phát triển mới. Theo ông Phùng Chừa Xá, cùng với việc đưa ra những nhóm giải pháp để thúc đẩy kinh tế địa bàn ngày một phát triển, góp phần tăng thêm thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, Đảng bộ, chính quyền địa phương luôn đặc biệt quan tâm đến vấn đề an ninh - quốc phòng. Phát huy những kết quả đã đạt được, những năm tiếp theo, xã Chung Chải sẽ thường xuyên phối hợp với các lực lượng đứng chân trên địa bàn, nắm chắc tình hình an ninh chính trị, xây dựng kế hoạch hiệp đồng với lực lượng Biên phòng, các lực lượng khác thường xuyên tuần tra, kiểm tra tuyến biên giới, các khu vực trọng điểm trên địa bàn và khu vực giáp ranh với các xã. Bên cạnh việc nâng cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, chính quyền địa phương và lực lượng Biên phòng đứng chân trên địa bàn tăng cường tuyên truyền để người dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vận động đồng bào tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, có ý thức đấu tranh, tố giác với các loại tội phạm trên địa bàn. Đời sống kinh tế của người dân, diện mạo nông thôn ở các bản làng thuộc các xã khu vực biên giới cực Tây Tổ quốc như Leng Su Sìn, Sín Thầu, Chung Chải ngày càng bình yên, khởi sắc đã khẳng định sự nỗ lực, cố gắng chung tay của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc địa phương. Những kết quả này là tiền đề quan trọng giúp huyện Mường Nhé cũng như tỉnh Điện Biên thực hiện thắng lợi các mục tiêu chung, đặc biệt là bảo vệ, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia ở vùng cực Tây Tổ quốc.
Hải An - Xuân Tiến