Trong tiết trời giá rét, vượt hàng chục ki-lô-mét đường đèo dốc, đồi núi, chúng tôi đến bản Thẳm Phẩng khi sương sớm còn phủ mờ trắng xóa trên mọi ngả đường và bản làng. Có dịp được hòa mình trong không khí Tết, chúng tôi thêm hiểu những nét văn hóa đặc sắc và cảm nhận sự ấm áp, nồng hậu của bà con nơi đây.
Trẻ em trong bản được mặc áo mới và mẹ đưa đi chơi trong ngày tết. Ảnh: Phan Tuấn Anh- TTXVN |
Theo quan niệm của người Mông, mỗi tháng có 30 ngày đều đặn, ngày thứ 361 là ngày mồng 1 Tết. Tết của người Mông thường sớm hơn Tết Nguyên đán 1 tháng, tuy nhiên năm nay là năm nhuận nên sớm hơn 2 tháng. Ngày Tết của người Mông rơi vào ngày 1/11 âm lịch (tức ngày 18/12 dương lịch).
Trong ngày 30 Tết (tức là 30/10 âm lịch), bà con trong bản nhộn nhịp với công việc quét dọn, trang hoàng nhà cửa và con đường dẫn về bản để chào đón năm mới. Công việc nương rẫy cũng tạm gác lại để dành thời gian cho gia đình, cho ngày Tết đoàn viên, ấm cúng. Các gia đình bắt đầu công việc giã bánh dày. Dịp Tết, nhà nào cũng cố gắng gói thật nhiều bánh, vừa để ăn, vừa để tặng bè bạn, du khách. Cơm cúng có thể thiếu thịt (đối với những nhà nghèo) nhưng không thể thiếu món bánh dày. Cơm nếp nấu dẻo được đổ ra cối và lập tức được giã nhuyễn vì giã lúc cơm còn nóng bánh sẽ dẻo, quyện bện, trắng ngần. Sau khi đàn ông giã bánh đến khi dẻo quánh thành một khối thì phụ nữ chia nhau, nhanh tay nặn thành từng chiếc nhỏ, tròn trịa và gói vào lá chuối.
Giã bánh dày tại một gia đình trong bản trong ngày tết. Ảnh: Phan Tuấn Anh- TTXVN |
Ngày Tết của người Mông gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ thường diễn ra vào chiều tối ngày cuối cùng của năm và sáng sớm ngày đầu tiên của năm mới. Trước khi cúng tất niên, người Mông dùng một cành tre có lá làm quạt phất trần, nhà. Vừa quét, vừa khấn cầu cho nhà sang năm mới luôn khỏe mạnh, không ốm đau, bệnh tật.
Lễ vật cúng ngày Tết cũng khá đơn giản, trong nhà có bao nhiêu người sẽ chuẩn bị bấy nhiêu quả trứng gà, dựng lên trong một chính để chuẩn bị lễ cúng. Một thành viên trong gia đình tay cầm một đôi gà trống mái đứng bên cửa. Thầy mo cầm chiêng ra đứng ở cửa vừa gõ vừa khấn, chốc chốc lại ném thanh tre xuống đất coi như là ném hết mọi đau khổ, phiền muộn phiền để nhận về những may mắn. Thời gian khấn kéo dài khoảng 15 phút.
Một nghi thức làm lý của đồng bào dân tộc Mông trong ngày Tết, cầu may mắn trong năm mới đến với các thành viên trong dòng họ. Ảnh: Phan Tuấn Anh- TTXVN |
Một trong nhưng lễ vật cúng trong ngày Tết của đồng bào dân tộc Mông. Ảnh: Phan Tuấn Anh- TTXVN |
Nghi thức cúng tổ tiên, ông bà của đồng bào dân tộc Mông. Ảnh: Phan Tuấn Anh- TTXVN |
Mâm cơm cúng tổ tiên, ông bà của đồng bào dân tộc Mông. Ảnh: Phan Tuấn Anh- TTXVN |
Nghi thức cúng rượu mời tổ tiên, ông bà của một trưởng họ trong bản. Ảnh: Phan Tuấn Anh- TTXVN |
Đồng bào vui chơi thi đấu môn Tù lu trong ngày tết. Ảnh: Phan Tuấn Anh- TTXVN |
Sau nghi thức khấn, thầy mo cắt tiết đôi gà để làm Tết. Mâm cỗ đơn giản là con gà trống, bát canh, bát cơm trắng; trong đó, chọn con gà trống to nhất và phải biết gáy, chủ nhà cắt tiết xong vặt một ít lông ở cổ dán lên bàn thờ. Bàn thờ của người Mông được đặt ở góc gian giữa nhà, phủ bằng lớp giấy gió màu trắng đục.
Một nghi thức rất quan trọng trong ngày Tết của người Mông là đi lấy nước ở khe suối. Việc lấy nước thường diễn ra vào thời điểm sáng sớm đầu tiên của năm mới, sau khi gà cất tiếng gáy đầu tiên. Khi lấy nước phải thắp hương cạnh mó nước, cầu xin thần nước rồi múc một xô nước đầy xách về để dùng cho ngày đầu tiên của năm...
Trong ngày đầu năm mới, các dòng họ, gia đình bắt đầu làm lý để cầu may cho năm mới. Trước sân nhà, gia chủ dựng một cây cao chừng 5m, một đầu chôn xuống đất và ngọn cây gác trên mái nhà. Trên ngọn cây buộc dây thừng quấn bằng lá cây rồi uốn dây theo vòng cung như một cái cổng. Tất các các thành viên trong gia đình đứng xếp hàng bên này cổng, người già tuổi nhất trong nhà tay cầm con gà trống vừa khua vừa khấn. Các thành viên lần lượt chui qua cái cổng, đàn ông 7 lần và phụ nữ 9 lần rồi vòng ngược lại cũng từng ấy lần. Theo quan niệm của người Mông, khi tất cả gia đình chui qua cái cổng này thì họ đã bỏ lại những điều không may của năm cũ và năm mới sẽ gặp nhiều may mắn.
Một nghi thức làm lý của đồng bào dân tộc Mông trong ngày Tết, cầu may mắn trong năm mới đến với các thành viên trong dòng họ. Ảnh: Phan Tuấn Anh- TTXVN |
Người Mông quan niệm nếu Tết có khách lạ đến chơi thì cả năm đó gặp may mắn nên đón tiếp rất chu đáo. Trước khi khách ra về người Mông còn tặng quà là hai chiếc bánh dày tự tay làm ra. Nếu gia đình nào làm cỗ mà có nhiều khách lạ đến ăn Tết, gia chủ sẽ được bà con trong bản nể phục, kính trọng.
Ngày Tết nơi đây, người già cho đến trẻ em, các chàng trai cô gái đều xúng xính trang phục dân tộc sặc sỡ. Cùng nhau hòa mình vào những tiếng khèn, tiếng sáo, điệu múa lời ca của cộng đồng dân tộc mình. Du khách và bà con bản làng vỗ tay tán thưởng theo từng tiếng nhạc và hò reo phấn khởi.
Người dân và du khách thích thú xem trò chơi bịt mắt bắt lợn trong ngày Tết cổ truyền. Ảnh: Phan Tuấn Anh- TTXVN |
Sau phần giao lưu văn nghệ, các nam thanh nữ tú bắt đầu tham gia thi những trò chơi dân gian đặc sắc của người dân tộc như: ném pa pao, đánh tù lu, giã bánh dày, bịt mắt bắt lợn... Đặc biệt là trò chơi ném pa pao, những chàng trai cùng các thiếu nữ duyên dáng, đằm thắm trong bộ váy Mông đứng thành hai hàng cùng ném quả pao qua lại. Khi ném quả pao, họ đã dành cho nhau những ánh mắt yêu thương. Nếu “ưng cái bụng” thì họ khéo léo giấu tình cảm qua ánh mắt, nụ cười và giữ quả pao để sau đó tìm đến nhau...
Ông Mùa Chù Dê, Bí thư Đảng ủy xã Nặm Lịch, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên cho biết: Hiện nay đời sống kinh tế của bà con trong bản Thẳm Phẩng nói riêng và xã Nặm Lịch nói chung đã khá hơn nhiều. Bà con đầu tư phát triển chăn nuôi và trồng trọt nên đời sống ngày một nâng lên. Đối với người Mông, đến ngày Tết Nào Pê Chầu, mỗi gia đình đều có ít nhất một con lợn, một đôi gà để thờ cúng tổ tiên và làm đúng với bản sắc văn hóa của dân tộc.
Xuân Tư
TTXVN