Trong tâm thức của đồng bào các dân tộc Ơ Đu, Thái, Mông, Khơ Mú, Thổ… ở Nghệ An, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành sự kiện trọng đại, được người dân háo hức mong chờ. Không chỉ đem lại không khí phấn khởi, vui tươi, đầm ấm, tạo động lực để người dân hăng say lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, xây dựng bản làng ấm no, khởi sắc mà Ngày hội còn là dịp để đồng bào các dân tộc ở huyện vùng cao, vùng sâu miền Tây xứ Nghệ khẳng định, tạo lập tính gắn kết cộng đồng ngay từ cơ sở, tạo nên chỉnh thể thống nhất khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Rộn ràng sắc màu văn hóa Thái trong Ngày hội lớn
Bản Na Ngân cách trung tâm xã Nga My (huyện Tương Dương) gần 30 km. Đây là một trong 4 bản của xã nằm trong đại ngàn Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống. Toàn bản có 153 hộ, gần 760 nhân khẩu, 100% là đồng bào Thái. Để vào bản Na Ngân phải mất nhiều giờ đi xe máy trên con đường đất nhỏ, hẹp men theo lưng núi Pù Hiêng và nhiều lần phải lội suối Nậm Ngân.
Đặt chân lên con dốc cao ngất nơi đầu bản, chúng tôi cảm nhận được tinh thần, không khí người dân trong bản hướng về Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Băng rôn, khẩu hiệu được căng lên trang trọng đầu bản. Đường vào bản được phát quang cây dại, san lấp ổ gà và quét dọn sạch đẹp. Trung tâm bản được điểm tô sắc đỏ bởi những dãy cờ Tổ quốc. Nhà nhà vang tiếng nói cười. Trên các bãi đất trống trong bản, từng tốp người trong những bộ trang phục đẹp nhất, mới nhất đang í ới gọi, chờ nhau cùng đi tham gia văn nghệ, trò chơi dân gian truyền thống.
Ông Lương Văn Ất, Trưởng bản Na Ngân cho biết, chuẩn bị cho Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, mọi người trong bản thu xếp công việc gia đình, nương rẫy từ nhiều ngày trước để tham dự đầy đủ. Phụ nữ trong bản dành nhiều ngày luyện tập tiết mục văn nghệ biểu diễn trong Ngày hội. Thanh niên tập hợp được 3 bộ cồng chiêng của các gia đình trong bản sử dụng dịp bản làng vui Ngày hội. Trong ngày tổ chức bà con sẽ liên hoan ăn cơm tập trung. Sau đó sẽ múa hát, nhảy sạp, đánh cồng chiêng, mở rộng vòng xòe, uống rượu cần, đánh trống hội…
Cũng theo ông Lương Văn Ất, đã thành thông lệ, mỗi khi bản tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, con em trong bản đang lao động, học tập ở xa cố gắng thu xếp về chung vui cùng mọi người. Các cô, thầy “cắm bản” tại Na Ngân cũng về dự đông đủ. Ngày hội không chỉ thắt chặt thêm tình đoàn kết làng bản mà mọi người còn có dịp được trò chuyện với nhau, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế...
Chúng tôi rời bản Na Ngân, tạm biệt cộng đồng dân bản khi trăng vừa gác đỉnh Pù Hiêng, hơi lạnh đã phủ đầy thung lũng. Tiếng cồng, tiếng chiêng, tiếng trống còn vọng xa, dội đều vào vách núi.
Là bản vùng đệm giữa đại ngàn Pù Huống, bản Na Kho cách trung tâm xã Nga My gần 16 km. Bản có gần 80 hộ, hơn 370 nhân khẩu, đều là dân tộc Thái, sinh sống tập trung dưới chân núi. Trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, bà con dậy sớm hơn, tranh thủ thu dọn, sắp xếp việc nhà rồi tham gia tổ chức. Trục đường chính xuyên qua bản dẫn về Nhà văn hóa cộng đồng rộn ràng tiếng nói cười và bước chân của mọi người. Trên khoảng đất trống giữa bản, đống củi lớn được đốt lên, bập bùng ánh lửa soi sáng một vùng trong thung sâu.
Ông Lữ Văn Uôn, Trưởng bản Na Kho cho biết, trong ngày vui đại đoàn kết, bà con cùng đóng góp mua bò để mổ thịt. Trước đó nhiều ngày, người dân trong bản quét dọn cảnh quan làng bản, treo băng khôn, cờ Tổ quốc dọc hai bên con đường chạy qua trung tâm bản. Ngoài phần lễ trang trọng, ôn lại truyền thống của Ngày Đại đoàn kết toàn dân tộc, phần hội sẽ có các hoạt động đánh trống, đánh chiêng, nhảy sạp, khắc luống, giao lưu rượu cần, trình diễn điệu múa, hát trong không gian văn hóa đặc trưng và các trò chơi dân gian truyền thống. Đây là những hoạt động có sự tham gia, giao lưu của nhiều người, diễn ra trong không khí rất sôi nổi, vui tươi. Cả bản có 3 bộ cồng, chiêng quý được mang ra sử dụng trong dịp này. Trong tâm thức người dân, cồng chiêng là báu vật, gắn bó mật thiết với cộng đồng và chỉ xuất hiện tại những sự kiện trọng đại của đất nước, của dân bản.
Cũng theo ông Lữ Văn Uôn, những năm qua, bà con luôn chú trọng công tác bảo tồn văn hóa truyền thống, xây dựng thiết chế văn hóa, xóa bỏ hủ tục. Trong ngày vui đại đoàn kết, người dân trong bản sử dụng trang phục truyền thống của mình. Các món ăn truyền thống như, mọc gà, cá suối nướng, bánh chưng đen... mang nét tinh tế, độc đáo trong kho tàng văn hóa ẩm thực của đồng bào Thái sẽ được chế biến để mọi người cùng nhau thưởng thức. Đặc biệt, bà con còn đánh cồng chiêng, đánh trống, nhảy sạp, uống rượu cần, trình diễn điệu múa, hát trong không gian văn hóa đặc trưng và chơi các trò chơi dân gian.
Thắm tình đoàn kết
Những ngày này, ngược Quốc lộ 7, 48 lên miền Tây xứ Nghệ, ở bất cứ đâu chúng tôi cũng dễ dàng cảm nhận, trải nghiệm không khí vui tươi, tinh thần phấn khởi và văn hóa trọng tình, mến khách của cộng đồng các dân tộc ở các bản làng trong Ngày vui Đại đoàn kết toàn dân tộc. Tại các địa bàn được coi là điểm cực Bắc, cực Tây của Nghệ An gồm xã Thông Thụ (huyện Quế Phong), xã Mường Ải (huyện Kỳ Sơn), những nơi được mệnh danh là miền đất “chóp cùng” xứ Nghệ, giao thông đi đến các vùng đất này mất cả ngày đường chúng tôi cũng ghi nhận cảnh người dân đoàn kết, chung vui trong Ngày hội lớn.
Tại những bản làng của người Mông quần cư dưới “cổng trời” Mường Lống, đỉnh Puxailaileng kỳ vĩ quanh năm mưa mù, mây phủ, bên những cánh rừng sa mu, pơ mu tuyệt đẹp thuộc các xã Nậm Cắn, Na Ngoi, Mường Ải, Keng Đu, Mường Lống (huyện Kỳ Sơn)… người Mông mặc trang phục truyền thống, rực rỡ màu thổ cẩm đang tổ chức lễ hội chọi bò, chọi trâu, ném pao, hát cự xia, pí tơm, múa khèn. Bên những nếp nhà sàn cổ, mái lợp ngói gỗ sa mu, pơ mu bám rêu phong, người Thái cũng có nét văn hóa rất đặc trưng với văn hóa giao lưu uống rượu cần cùng nhau mở rộng vòng xòe, múa điệu lăm vông, tổ chức khắc luống, nhảy sạp trong rộn rã tiếng cồng chiêng.
Tại các tiểu vùng văn hóa của người Đan Lai (nhóm địa phương thuộc dân tộc Thổ), Ơ Đu, cộng đồng dân tộc nơi đây tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian tái hiện lại quá trình định cư, lập bản, chinh phục thiên nhiên, phát triển kinh tế xây dựng bản làng, phản ánh thái độ ứng xử với môi trường tự nhiên. Đặc biệt, bức tranh ẩm thực tinh tế, đa dạng của cộng đồng các dân tộc ít người này cũng được phản ánh rõ nét hơn qua những món ăn như, thịt nướng, cơm lam, canh măng, rượu cẩm, rượu cần...
Quan trọng hơn cả, sau những tiết mục văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian, bữa cơm kết đoàn có đông đủ mọi người, bản làng càng thắt chặt và ấm tình cố kết cộng đồng, cùng quyết tâm hơn trong phát triển kinh tế gia đình, đẩy lùi đói nghèo, xây dựng bản làng ấm no, khởi sắc.
Nghệ An có hơn 40 dân tộc thiểu số với hơn 491.000 người, chiếm gần 15% dân số toàn tỉnh, sinh sống đan xen tập trung ở 12 huyện, thị xã. Những năm qua, đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi luôn có tinh thần tự lực, vượt khó vươn lên. Thu nhập bình quân đầu người vùng dân tộc thiểu số, miền núi của Nghệ An đạt 34 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ hơn 17% (năm 2021), hiện nay còn trên 12%. Đồng bào gìn giữ, phát huy một số di sản văn hóa phi vật thể như, điệu đu đu điềng điềng, lễ xuống đồng, mừng cơm mới (dân tộc Thổ), hát tơm, re ré, nghề đan lát mây tre (dân tộc Khơ Mú)… Góp phần quan trọng nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, xóa bỏ các hủ tục, tình trạng mê tín dị đoan và hướng tới gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, đặc sắc của đồng bào.
Đặc biệt, với 27 xã biên giới, có gần 470 km đường biên tiếp giáp 3 của nước Lào, những năm qua, đồng bào các dân tộc thiểu số luôn chủ động tham gia tuần tra canh gác, tố giác tội phạm cùng lực lượng Biên phòng xây dựng thế trận lòng dân, bảo vệ vững chắc an ninh trật tự khu vực biên giới, chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Hải An - Xuân Tiến