Vụ sạt lở tại Thủy điện Rào Trăng 3: Khối lượng đất đá sạt lở ước tính trên 30.000 m3, độ sâu từ 5-7m

Lực lượng cứu hộ tiếp cận hiện trường vụ sạt lở núi tại Thủy điện Rào Trăng 3. Ảnh: TTXVN phát
Lực lượng cứu hộ tiếp cận hiện trường vụ sạt lở núi tại Thủy điện Rào Trăng 3. Ảnh: TTXVN phát

Kết quả khảo sát hiện trường tại khu vực Thủy điện Rào Trăng 3 cho thấy, khối lượng đất đá sạt lở tại đây ước tính trên 30.000 m3, với độ sâu từ 5-7m và có rất nhiều tảng đá lớn. Do điều kiện thời tiết tiếp tục có mưa to nên đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở mới tại khu vực tìm kiếm người mất tích. Đến nay, lực lượng cứu hộ đã tìm được 2 thi thể công nhân.

Vụ sạt lở tại Thủy điện Rào Trăng 3: Khối lượng đất đá sạt lở ước tính trên 30.000 m3, độ sâu từ 5-7m ảnh 1Lực lượng cứu hộ tiếp cận hiện trường vụ sạt lở núi tại Thủy điện Rào Trăng 3. Ảnh: TTXVN phát

Đoàn công tác cứu hộ, cứu nạn Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế phối hợp với lực lượng công binh Quân khu 4 và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên – Huế đã kiểm tra nhiều địa điểm xung quanh Thủy điện Rào Trăng 3 nhưng chưa tìm thấy thêm người mất tích nào. Tổng hợp từ các nguồn thông tin, bước đầu lực lượng cứu hộ xác định có 2 điểm sạt lở làm sập nhà điều hành và khu lán trại, vùi lấp 17 công nhân.

Lực lượng tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ đã triển khai phương án trinh sát, kiểm tra, đánh giá khu vực trên để tham mưu cho Sở Chỉ huy tiền phương có phương án phù hợp, hiệu quả, an toàn tìm kiếm người mất tích. Do ảnh hưởng của mưa lớn khiến tuyến đường 71 từ xã Phong Xuân lên Thủy điện Rào Trăng 3 có thêm nhiều điểm sạt lở nên không thể đưa máy móc, phương tiện lên vị trí tìm kiếm như kế hoạch.

Vụ sạt lở tại Thủy điện Rào Trăng 3: Khối lượng đất đá sạt lở ước tính trên 30.000 m3, độ sâu từ 5-7m ảnh 2Hiện trường sạt lở núi tại Thủy điện Rào Trăng 3. Ảnh: TTXVN phát

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế Phan Ngọc Thọ, từ ngày 16-17/10, tổng lượng mưa tại khu vực tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn ở Thủy điện Rào Trăng 3 đã lên tới trên 400mm nên công tác triển khai lực lượng, phương tiện theo tuyến đường 71 phải tạm dừng để đảm bảo an toàn, tránh nguy cơ sạt lở. Hiện nay, lực lượng cứu hộ đang ở vị trí cách Thủy điện Rào Trăng 4 khoảng 1 km, tuy nhiên do vướng một ngầm lớn nên chưa thể tiến vào Rào Trăng 4 để làm hậu cứ tiếp tục vào Thủy điện Rào Trăng 3 cách đó 10 km. Qua trinh sát cho thấy từ Thủy điện Rào Trăng 4 lên Thủy điện Rào Trăng 3 có nhiều ngầm lớn và đá lớn án ngữ trên đường nên cần phải có phương tiện máy móc hỗ trợ để thông tuyến. Trên tuyến đường 71 hiện đang có 10 xe múc, xe ủi sẵn sàng triển khai nhiệm vụ mở đường khi điều kiện thời tiết thuận lợi. Bên trong Thủy điện Rào Trăng 3 hiện cũng có 2 máy ủi, máy xúc, lực lượng cứu hộ đang cố gắng sử dụng phương tiện tại chỗ này để đào bới, tìm kiếm nạn nhân mất tích.

Vụ sạt lở tại Thủy điện Rào Trăng 3: Khối lượng đất đá sạt lở ước tính trên 30.000 m3, độ sâu từ 5-7m ảnh 3Lực lượng cứu hộ tiếp cận hiện trường vụ sạt lở núi tại Thủy điện Rào Trăng 3. Ảnh: TTXVN phát

Từ ngày 6-17/10, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã phải hứng chịu đợt mưa lũ lịch sử kéo dài, lượng mưa trong những ngày này chiếm xấp xỉ khoảng 70-80% tổng lượng mưa hàng năm của tỉnh, trong đó khu vực Bạch Mã ghi nhận trên 3.000 mm.

Đỗ Trưởng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm