Ban Chỉ huy tiền phương tìm kiếm cứu nạn tại huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) sáng 31/10, đã họp khẩn để bàn phương án tiếp cận 2 xã Phước Lộc, Phước Thành bị cô lập. Mục tiêu ban đầu là tiếp cận để tìm kiếm cứu nạn 13 nạn nhân bị sạt lở đất, nhưng nay lực lượng chức năng đã chuyển sang mục tiêu nỗ lực thông đường để tiếp tế cho người dân bị cô lập tại 2 xã trên. Bên cạnh công tác tìm kiếm cứu nạn người bị vùi lấp, công tác cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho gần 2.000 người còn sống tại các điểm bị chia cắt đang rất cấp bách.
Theo báo cáo của Đoàn tiền trạm Ban Chỉ huy quân sự huyện Phước Sơn, đối với xã Phước Thành thì nơi gần nhất để đi qua là xã Phước Kim. Tuyến đường ĐH 1 từ xã Phước Kim lên xã Phước Thành hiện có tổng cộng 41 điểm sạt lở, có 9 điểm bị cắt đứt. Trong đó 1 điểm bị cắt đứt nặng khoảng 1 km, đường sạt thành vực sâu, đất đá hiểm trở, chỉ có thể đi người không đu bám qua. Ngoài ra, còn có một tuyến đường mòn vượt núi từ xã Phước Kim sang xã Phước Thành, đi bộ khoảng 4 giờ sẽ tới, có thể gùi cõng thêm khoảng 20 kg hàng hóa.
Còn tuyến đường ĐH 2 từ xã Phước Công sang xã Phước Lộc dài khoảng 10 km, bị chia cắt bởi rất nhiều điểm sạt lở ở trên trục đường, trong đó 2 điểm không thể đi qua được, nhưng có thể tạm gia cố để gùi hàng vào xã Phước Lộc. Đoạn này cũng có một cây cầu dây nhưng không chắc chắn, có thể gùi hàng trên lưng qua từng người.
Qua đánh giá kết quả tiền trạm và nghiên cứu bản đồ, tình hình thời tiết, trong thời gian tới mưa lớn còn kéo dài, nguy cơ sạt lở còn diễn ra nên việc gùi cõng hàng cũng rất nguy hiểm. Phương án được đưa ra là tập kết hàng hóa ở xã Phước Kim và để lực lượng dân quân, tình nguyện viên gùi cõng sang xã Phước Thành, mỗi xã cử 30 người, chia thành 3 đội để luân phiên nhau chuyển hàng. Cũng như vậy, tập kết hàng hóa, gạo, nhu yếu phẩm ở xã Phước Công để gùi cõng sang xã Phước Lộc.
Về phương án sử dụng máy bay tiếp tế lương thực, thực phẩm, Đại tá Nguyễn Việt Hùng, Phó trưởng phòng quân huấn, Sư đoàn Không quân 372 cho biết: Hiện hàng hóa và máy bay đã được chuẩn bị sẵn tại sân bay Đà Nẵng. Từ sân bay Đà Nẵng tới khu vực trên chưa đầy 40 phút, không quân sẵn sàng bay từ 7h sáng đến 17h chiều trong điều kiện thời tiết thuận lợi. Nhưng thời tiết mưa to, gió lớn, địa hình hiểm trở sẽ chưa thể bay vì không an toàn.
Kết luận cuộc họp, Thượng tá Lê Trung Thành, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam, hiện là trưởng Ban Chỉ đạo tiền phương tìm kiếm cứu nạn tại huyện Phước Sơn kết luận: Khi thời tiết thuận lợi thì việc cứu trợ bằng máy bay là rất cần thiết, sẽ là nguồn cứu trợ chính, còn hiện tại thì phải theo phương án gùi cõng hàng hóa bằng đường mòn vượt núi. Trên cả 2 mũi tiếp cận xã Phước Lộc và xã Phước Thành, lực lượng công binh cùng tiểu đội tiền trạm phải đi trước để khắc phục những điểm quá khó khăn trên đường rừng. Sau đó các đội gùi hàng của dân quân phải chia nhóm, đi theo từng đoạn để giữ sức. Hệ thống liên lạc phải dùng bộ đàm vì sóng điện thoại rất yếu. Lực lượng dân phòng địa phương am hiểu về đường đi, các điểm sạt lở nên sẽ đi những chuyến đầu, cắm cờ tại các điểm nguy hiểm, chuẩn bị sẵn dây cáp, ròng rọc để dân quân kéo hàng qua các điểm nguy hiểm. Sau khi đường đi an toàn sẽ tiếp tục huy động lực lượng bộ đội hành quân qua để tiếp cận, cứu trợ đồng bào vùng bị chia cắt.
Trong ngày 31/10, tất cả lương thực thực phẩm phải tập kết về xã Phước Công, Phước Kim sẵn sàng. Sáng sớm 1/11 sẽ bắt đầu những chuyến gùi hàng đầu tiên.
Còn tại công trình Thủy điện Đắk Mi 2 có 217 công nhân bị cách ly do lũ cuốn trôi cầu, Thượng tá Lê Trung Thành, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam cũng cho biết: các công nhân vẫn đang tiếp tục di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm, tới nơi an toàn. Tuy công ty thủy điện báo cáo xin cho người ở lại giữ công trình, nhưng Ban Chỉ huy tiền phương đã yêu cầu đưa hết công nhân ra ngoài vì khu vực có nguy cơ sạt lở rất nguy hiểm. Dự kiến trong ngày 31/10 sẽ đưa toàn bộ công nhân về công ty, đảm bảo an toàn cho tất cả các công nhân.
Trước đó, như TTXVN đã đưa tin, do ảnh hưởng bão số 9, trên địa bàn xã Phước Lộc có mưa lớn, khiến nhiều khu vực trong xã bị sạt lở. 14 giờ chiều 28/10, một vụ sạt lở đã xảy ra tại thôn 3 (thôn 6 cũ) xã Phước Lộc, khiến hàng chục người mất tích. Địa điểm sạt lở cách UBND xã hàng chục cây số, không có sóng điện thoại nên cán bộ thôn đã phải băng rừng nhiều giờ để báo cáo với chính quyền xã. Đến sáng 30/10 đã tìm được 5 thi thể, còn 8 người vẫn đang mất tích, lực lượng tìm kiếm tại chỗ của xã vẫn đang khẩn trương triển khai. Hiện xã Phước Lộc bị mất điện nhiều ngày nên toàn bộ hệ thống liên lạc đã bị cắt đứt hoàn toàn, chưa thể thống kê được thiệt hại do thiên tai cũng như tình hình đời sống của người dân trong khu vực.
Quốc Dũng