Vĩnh Phúc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng

Chi cục Kiểm lâm Vĩnh Phúc tổ chức tuần tra, bảo vệ tại khu rừng phòng hộ xã Minh Quang, huyện Bình Xuyên. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN
Chi cục Kiểm lâm Vĩnh Phúc tổ chức tuần tra, bảo vệ tại khu rừng phòng hộ xã Minh Quang, huyện Bình Xuyên. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN

UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa có công văn yêu cầu các ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố và các chủ rừng trên địa bàn tăng cường thực hiện các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng.

Vĩnh Phúc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng ảnh 1Chi cục Kiểm lâm Vĩnh Phúc tổ chức tuần tra, bảo vệ tại khu rừng phòng hộ xã Minh Quang, huyện Bình Xuyên. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN

UBND tỉnh yêu cầu, các ngành chức năng, tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng... để mọi người hiểu rõ, tự giác chấp hành; sẵn sàng tham gia ứng phó chữa cháy rừng, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố có rừng thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về lâm nghiệp, nhất là công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Sở thực hiện hiệu quả Kế hoạch nâng cao năng lực cho lực lượng Kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn; chỉ đạo Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố chủ động tham mưu cho UBND các huyện, thành phố có rừng các giải pháp về phòng cháy, chữa cháy; chỉ đạo chính quyền cấp xã, các cơ quan, đơn vị liên quan, chủ rừng thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn quản lý. Sở hướng dẫn chủ rừng áp dụng các biện pháp phù hợp để phục hồi rừng sau cháy như: khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên hoặc khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung hoặc trồng rừng mới...

Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ, các phòng nghiệp vụ và Công an các huyện, thành phố có rừng chủ động phương án hỗ trợ chữa cháy rừng trên địa bàn đóng quân, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, chỉ huy chữa cháy rừng khi có cháy xảy ra... Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ động các phương án hỗ trợ chữa cháy rừng trên địa bàn; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, lực lượng dân quân tự vệ địa phương phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, phường, trị trấn có rừng, lực lượng Kiểm lâm và các cơ quan chức năng tổ chức tuần tra, canh gác vào thời điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao; tổ chức lực lượng, phương tiện, dụng cụ hậu cần sẵn sàng hỗ trợ, tham gia chữa cháy rừng.

Các cơ quan báo chí hoạt động trên địa bàn tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố có rừng, đơn vị liên quan tăng cường đăng, phát các tin, bài tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; kịp thời truyền tải thông tin về diễn biến thời tiết, các bản tin dự báo, cảnh báo cấp dự báo cháy rừng; tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.

Vĩnh Phúc có hàng ngàn ha rừng sản xuất của người dân; đặc biệt có Vườn Quốc gia Tam Đảo rộng hàng chục ngàn ha, luôn có nguy cơ cháy rừng, nhất là thời điểm nắng, khô hanh. Trên địa bàn có nhiều khu rừng nằm ở độ cao và dốc lớn, xa các hồ nước, nguồn nước, không có đường lên xuống hoặc ít có lối đưa phương tiện chữa cháy vào phạm vi rừng..., do đó công tác phòng cháy, chữa cháy rừng cũng gặp khó khăn. Trong phần lớn các vụ cháy rừng ở Vĩnh Phúc, công tác chữa cháy vẫn là huy động sức người, thực hiện các biện pháp thủ công.

Nguyễn Trọng Lịch

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm