Vĩnh Phúc phát triển du lịch tâm linh

Vĩnh Phúc phát triển du lịch tâm linh
Nhiều tiềm năng, thế mạnh 

Vĩnh Phúc có gần 500 di tích lịch sử và công trình văn hóa, trong đó có 67 di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Nhiều di tích lịch sử, văn hóa mang đậm giá trị tâm linh như: Danh thắng Tây Thiên, tháp Bình Sơn, đền thờ Trần Nguyên Hãn, chùa Hà Tiên… Các di tích này thu hút rất đông khách du lịch đến hành hương và chiêm bái. 
 
Khách thập phương tập trung hành lễ tại đền Thượng - nơi thờ Quốc Mẫu Tây Thiên. Ảnh: tien phong.vn
Khách thập phương tập trung hành lễ tại đền Thượng - nơi thờ Quốc Mẫu Tây Thiên. Ảnh: tien phong.vn

Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 70 km về phía Tây Bắc, khu danh thắng Tây Thiên, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, nằm giữa một vùng đa dạng sinh học phong phú của dãy Tam Đảo với cảnh quan hoang sơ, nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng. Ngoài ra, khu danh thắng Tây Thiên còn có hệ thống tài nguyên nhân văn gắn với lịch sử và tôn giáo, tín ngưỡng... 

Tại khu danh thắng Tây Thiên có ngôi đền thờ Quốc Mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu cùng nhiều ngôi chùa cổ như Phong Châu, Thiên Ân, Tây Thiên, đền Thượng… Từ khi được xếp hạng là di tích danh thắng quốc gia năm 1991, khu danh thắng đã được trùng tu, tôn tạo; kết nối nhiều công trình đền chùa, bảo tháp, sân trung tâm lễ hội bằng hệ thống giao thông nội bộ và cáp treo, tạo điều kiện cho du khách về tham quan, chiêm bái. Mỗi năm, khu di tích danh thắng Tây Thiên đón hàng vạn lượt du khách đến chiêm bái, hành hương. 

Một điểm đến không thể bỏ qua ở khu du lịch văn hóa tâm linh này là Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên. Được xây dựng trên nền của Thiên Ân cổ tự, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên là một trong ba thiền viện lớn nhất nước ta hiện nay. Với kiến trúc độc đáo, tọa lạc trên đỉnh một ngọn núi thiêng, Thiền viện luôn thu hút nhiều du khách, phật tử tìm về để được thả hồn vào không gian trong lành với những đồi thông cao vút, những vườn hoa khoe sắc giữa lưng chừng mây. Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên còn là một trung tâm tu học lớn. 

Tháp Bình Sơn được xây dựng từ thời Trần, nằm trong khuôn viên chùa Vĩnh Khánh (chùa Then) thuộc thôn Bình Sơn, thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là ngọn tháp tiêu biểu cho kiến trúc chùa tháp thời Lý-Trần ở Việt Nam. Tháp Bình Sơn có kiến trúc độc đáo, hội tụ nhiều nét tinh hoa của văn hóa truyền thống Việt Nam. 

Năm 2016,  khu danh thắng Tây Thiên và Di tích kiến trúc nghệ thuật tháp Bình Sơn được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Điều này cũng đem lại những tiềm năng, cơ hội cho phát triển du lịch ở Vĩnh Phúc. 

Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cũng có nhiều ngôi chùa, đình, đền được xây dựng cách đây hàng trăm năm… Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc còn có nhiều lễ hội dân gian đậm bản sắc dân tộc như: Lễ hội Đền Bắc Cung (huyện Yên Lạc), lễ hội đả cầu cướp phết (huyện Lập Thạch), lễ hội Léo Soong (huyện Bình Xuyên)... 

Tạo đột phá về phát triển du lịch 

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc: Để tạo bước đột phá về phát triển du lịch, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết về phát triển du lịch dịch vụ giai đoạn 2011 – 2020. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2020, đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm du lịch của khu vực phía Bắc, có cơ sở vật chất tương xứng với các vùng du lịch trọng điểm của cả nước. 

Để thực hiện mục tiêu đó, tỉnh Vĩnh Phúc tăng cường hoạt động xúc tiến, quảng bá tiềm năng du lịch Vĩnh Phúc đến du khách trong nước và quốc tế; huy động nguồn vốn xã hội hóa, thực hiện có hiệu quả việc đầu tư, tôn tạo các di tích, đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách. Khu danh thắng Tây Thiên những năm qua được đầu tư khá bài bản với các hạng mục quy mô như: Khu trung tâm văn hóa lễ hội Tây Thiên với gần 160 ha, tiêu biểu là các công trình: Đền thờ quốc mẫu Lăng Thị Tiêu, Đền mẫu Hoàng Thiên, Đền cô Chín, Miếu Sơn thần, sân hành lễ và khu nội tự. Bên cạnh đó, tại khu danh thắng này còn có công trình Đại Bảo tháp, hồ xung quanh Đại Bảo tháp, tu bổ đền Thính – huyện Yên Lạc, đền thờ Tả Tướng Quốc Trần Nguyên Hãn, huyện Sông Lô, cụm di tích đình – chùa Hương Canh… 

Bên cạnh việc phát triển cơ sở hạ tầng, tỉnh Vĩnh Phúc cũng chú trọng phát triển loại hình du lịch nghệ thuật dân gian, các lễ hội truyền thống tại các khu du lịch, đền, chùa. Đến Vĩnh Phúc du khách còn được giao lưu hát Soọng cô, hát văn, hát xẩm, được hòa mình vào những trò chơi dân gian với người dân bản địa… Cùng với đó, tỉnh Vĩnh Phúc đã lên kế hoạch xây dựng những sản phẩm du lịch phù hợp, thích ứng với nhiều đối tượng; quy hoạch các điểm du lịch, xây dựng cơ sở vật chất, đường giao thông… tạo điểm nối các di tích phục vụ du khách. 

Nếu như trước đây, khách du lịch đến Vĩnh Phúc hầu hết là du khách trong nước thì những năm gần đây, du lịch Vĩnh Phúc đã thu hút được khá nhiều du khách quốc tế. Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc, năm 2017, Vĩnh Phúc đã đón 4,5 triệu lượt du khách; trong đó có trên 31.500 lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu từ các dịch vụ du lịch của tỉnh trong năm 2017 ước đạt 1.800 tỷ đồng. Sự phát triển của ngành du lịch Vĩnh Phúc đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. 

Thời gian tới, Vĩnh Phúc tiếp tục đầu tư bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tâm linh, bảo tồn những giá trị văn hóa phi vật thể gắn với điểm du lịch tâm linh. Tỉnh Vĩnh Phúc cũng tăng cường nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm du lịch có thương hiệu, mang nét đặc trưng của tỉnh; đồng thời quảng bá những nét văn hóa dân gian đặc sắc của tỉnh Vĩnh Phúc đến du khách. 
Nguyễn Thị Thảo
TTXVN

Có thể bạn quan tâm