Với mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh, tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng Đề án phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Đây sẽ là đòn bẩy, tạo động lực mới cho kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có những bước phát triển đột phá, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội.
Theo đó, Vĩnh Phúc sẽ dành gần 95 tỷ đồng hỗ trợ thực hiện Đề án phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, bao gồm nguồn sự nghiệp kinh tế và nguồn vốn ngân sách tỉnh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Tỉnh tập trung chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn thể nhân dân về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Đồng thời, Vĩnh Phúc xây dựng các mô hình hợp tác xã kiểu mẫu nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo sức hút của người dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia, liên kết với hợp tác xã và làm cơ sở để nhân rộng.
Tỉnh Vĩnh Phúc chú trọng nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước với các hợp tác xã; rà soát, giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn đọng, củng cố hoặc giải thể những hợp tác xã hoạt động không hiệu quả, hướng dẫn các hợp tác xã xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh phù hợp, hiệu quả. Tỉnh hoàn thành việc chuyển đổi, giải thể hợp tác xã và việc đăng ký, chuyển đổi dữ liệu hợp tác xã trên hệ thống thông tin quốc gia.
Cùng với đó, tỉnh Vĩnh Phúc triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã của Trung ương; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ hợp tác xã của tỉnh về thành lập mới. Tỉnh tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư kết cấu hạ tầng, chế biến sản phẩm, hỗ trợ vốn vay ưu đãi; quảng bá thương hiệu, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cho các hợp tác xã.
Từ nay đến năm 2025, tỉnh Vĩnh Phúc phấn đấu mỗi năm thành lập mới từ 20 hợp tác xã. Tỷ lệ hợp tác xã hoạt động khá tốt từ 60% trở lên. Thu nhập bình quân của người lao động trong hợp tác xã đạt khoảng 85 triệu đồng/người/năm.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 752 hợp tác xã và 25 tổ hợp tác với hơn 200 nghìn thành viên. Trong những năm qua, tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều chính sách của Trung ương cũng như xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách của tỉnh để hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển, như đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; hỗ trợ ứng dụng khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất, kinh doanh; tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi…
Nguyễn Thảo