Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp, tuy nhiên, thời gian qua, tại tỉnh Vĩnh Long vẫn còn xảy ra nhiều vụ trẻ em bị đuối nước, tử vong. Theo Sở Lao động–Thương binh và Xã hội tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 8 vụ đuối nước với 13 trẻ tử vong.
Phó Giám đốc Sở Lao động–Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long Phan Hồng Hạnh cho biết, tình trạng trẻ đuối nước từ đầu năm đến nay có chiều hướng gia tăng so với năm 2021. Mặc dù ngành đã tích cực triển khai nhiều giải pháp như đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp mở gần 50 lớp kỹ năng bơi và xử lý trong môi trường nước cho trẻ, vận động hướng dẫn người dân xây dựng “Ngôi nhà an toàn cho trẻ”… Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp đuối nước đáng tiếc xảy ra.
Nguyên nhân các vụ đuối nước phần lớn là do trẻ còn nhỏ, chưa biết bơi, trẻ vui chơi trong môi trường nước mà không có sự giám sát của người lớn, trẻ biết bơi nhưng chưa liệu được sức mình trong khi chơi đùa ở môi trường nước nguy hiểm, không đủ sức và kỹ năng ứng phó trong môi trường nước…
Để giảm tình trạng đuối nước ở trẻ em, tỉnh Vĩnh Long đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đoàn thể tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của mọi người, mọi nhà quan tâm phòng, chống đuối nước cho trẻ, đồng thời, đẩy mạnh phong trào toàn dân học bơi, chú trọng giáo dục kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long Huỳnh Trung Toàn cho biết, hàng năm, tỉnh Vĩnh Long đều phát động Ngày hội toàn dân tập luyện môn bơi, phòng, chống đuối nước, qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với việc tập luyện bơi, hạn chế tình trạng đuối nước. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh phối hợp các địa phương tổ chức phát triển phong trào dạy bơi, học bơi cho mọi đối tượng nhân dân, đặc biệt, cho đối tượng trẻ em. Đồng thời, ngành kêu gọi các cơ quan, đơn vị, các ngành, các cấp và các tổ chức xã hội, doanh nghiệp đang hoạt động bơi lội trên địa bàn cùng chung tay triển khai có hiệu quả chương trình tập luyện môn bơi, tổ chức các lớp dạy bơi miễn phí, hướng dẫn cho các em học sinh, thiếu niên, nhi đồng biết bơi, biết những kỹ năng an toàn trong môi trường nước, đặc biệt là cho các em học sinh, nhi đồng ở vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên tiếp xúc với sông nước.
Góp sức vào công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em ở địa phương, thời gian qua, Đoàn thanh niên các cấp trong tỉnh Vĩnh Long cũng triển khai nhiều hoạt động như: Tổ chức các lớp tập huấn kĩ năng phòng, chống đuối nước và lớp bơi, vận động các nguồn lực xây dựng hồ bơi di động ở các trường học để phục vụ công tác dạy bơi, xây dựng mô hình phòng, chống đuối nước…
Phó Bí thư Tỉnh đoàn Vĩnh Long Nguyễn Quốc Tuấn cho biết, Tỉnh đoàn tiếp tục chú trọng đến công tác phòng, tránh đuối nước cho trẻ, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền để trẻ biết cách tự bảo vệ an toàn trong môi trường nước. Đoàn thanh niên các cấp tăng cường tổ chức, định hướng các hoạt động sinh hoạt, vui chơi hấp dẫn, đa dạng để thu hút trẻ vào các hoạt động, vui chơi an toàn lành mạnh. Song song đó, đoàn các cấp phối hợp với ngành giáo dục hướng dẫn cho học sinh các trường học bơi, lồng ghép hoạt động phòng, tránh đuối nước vào các hoạt động ngoại khóa của nhà trường để nâng cao nhận thức cho các em.
Phó Giám đốc Sở Lao động–Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long Phan Hồng Hạnh cho biết, trước những sự việc đau lòng do tai nạn đuối nước, ngành tiếp tục nỗ lực phối hợp với các cấp, các ngành tuyên truyền, hướng dẫn trẻ em nhận biết về những môi trường an toàn có thể vui chơi, tổ chức các lớp dạy bơi, lồng ghép dạy trẻ kỹ năng bơi, kỹ năng xử lý trong môi trường nước để có thể nhận biết tình huống nguy hiểm, có thể tự an toàn và hỗ trợ cứu giúp ngưới gặp nạn mà vẫn đảm bảo an toàn cho bản thân.
Cùng với đó, ngành tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức để phụ huynh quan tâm hơn đến việc tạo môi trường sinh sống, học tập và vui chơi an toàn cho trẻ; phối hợp địa phương xây dựng các mô hình “Ngôi nhà an tòa cho trẻ” để gia đình chung tay thực hiện các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em, trong đó có đuối nước.
Bà Phan Hồng Hạnh chia sẻ: “Thời gian qua đã có nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra. Đôi lúc phụ huynh do bất đắc dĩ hoặc trong vài phút lơ là nên để trẻ một mình gần môi trường nước, dẫn đến xảy ra tai nạn đáng tiết; cũng có những trường hợp trẻ biết bơi và bơi tốt nhưng khi tiếp xúc với môi trường nước, trẻ không đủ sức và kỹ năng để ứng phó. Dù các em có biết bơi, có kỹ năng nhưng khi rơi vào môi trường nước thì có nhiều tình huống bất ngờ xảy ra, với sức của trẻ thì khả năng ứng phó rất khó. Do đó, để phòng tránh đuối nước hiệu quả, vai trò quan trọng vẫn là người trực tiếp chăm sóc trẻ. Gia đình, phụ huynh cần tạo cho trẻ môi trường sống, học tập và vui chơi an toàn, đồng thời cần quan tâm, theo sát và thường xuyên nhắc nhở trẻ, nhất là khi xung quanh nhà có nhiều ao, hồ, sông, rạch để hạn chế những tình huống rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra”.
Lê Thúy Hằng