Việt Nam - Trung Quốc chính thức ký kết Hiệp định về thác Bản Giốc

Việt Nam - Trung Quốc chính thức ký kết Hiệp định về thác Bản Giốc
Với việc ký kết 2 văn kiện pháp lý quan trọng này, Việt Nam và Trung Quốc đã chính thức khép lại hoàn toàn những tranh chấp do lịch sử để lại, mở ra một thời kỳ hợp tác mới giữa hai nước.
 
Khu vực thác Bản Giốc và cửa sông Bắc Luân là những khu vực rất nhạy cảm, có lịch sử tranh chấp lâu đời và dư luận hai nước Việt Nam, Trung Quốc đặc biệt quan tâm. Nhiều năm qua, các khu vực này đã được đưa ra bàn bạc trong nhiều vòng đàm phán của Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc Việt Nam - Trung Quốc nhưng chưa giải quyết được. Ngay sau khi hoàn thành phân giới cắm mốc trên đất liền năm 2008, Việt Nam và Trung Quốc nhất trí giải quyết tổng thể các khu vực tồn đọng trong đó có 2 khu vực này bằng giải pháp “cả gói”, dựa trên nguyên tắc công bằng hợp lý, tôn trọng các dấu tích lịch sử, ưu tiên ổn định đời sống cư dân biên giới, phù hợp các văn bản pháp lý do lịch sử để lại.
Đàm phán trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lợi ích của nhau
 
Trải qua 7 năm với nhiều vòng đàm phán, tháng 8/2015, hai bên đã chính thức kết thúc đàm phán và ngày 6/11/2015, nhân chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên đã chính thức ký kết Hiệp định tàu thuyền đi lại tự do ở cửa sông Bắc Luân và Hiệp định hợp tác, khai thác và bảo vệ tài nguyên du lịch thác Bản Giốc. Điều này khẳng định quyết tâm chung của hai nước xây dựng đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc hòa bình, ổn định, hữu nghị và hợp tác.
Việt Nam - Trung Quốc chính thức ký kết Hiệp định về thác Bản Giốc ảnh 1
Thác Bản Giốc.
Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban biên giới Chính phủ cho rằng: “Đây là thành quả rất lớn, nói lên thiện chí và sự hợp tác của đôi bên, mang ý nghĩa tầm vóc lịch sử trong quan hệ Việt - Trung sau 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Những nội dung trong Hiệp định hết sức quan trọng và cần thiết để đảm bảo tiếp tục mối quan hệ hợp tác vì lợi ích chung trong khu vực biên giới”. Có được kết quả này, trong suốt quá trình đàm phán, bên cạnh việc triệt để nguyên tắc công bằng hợp lý, tuân thủ các nguyên tắc mà hai bên đã thỏa thuận, đặc biệt là tôn trọng đường biên giới đã được hoạch định bởi các Công ước 1887 và 1895 do Chính phủ Pháp và nhà Thanh ký, Việt Nam và Trung Quốc còn áp dụng triệt để luật pháp và thực tiễn quốc tế, tính đến một giải pháp tổng thể, có đi có lại, chiếu cố đến sự quan tâm chính đáng của mỗi bên vì lợi ích dân cư. Việc ra đời của Hiệp định tàu thuyền đi lại tự do ở cửa sông Bắc Luân và Hiệp định hợp tác, khai thác và bảo vệ tài nguyên du lịch thác Bản Giốc đã phần nào giải đáp những thông tin thiếu cơ sở trong dư luận cho rằng toàn bộ hai phần thác Bản Giốc vốn thuộc về Việt Nam đã bị mất cho Trung Quốc. Tiến sỹ Trần Công Trục khẳng định: “Đây là một sự thỏa thuận hoàn toàn đúng đắn và công bằng, bình đẳng, không phải vì thế mà nói của Việt Nam mà Việt Nam nhường cho Trung Quốc và ngược lại Trung Quốc cũng không nhường cho Việt Nam vì một lý do chính trị nào đó. Điều này hoàn toàn sai, là những dư luận mang tính cảm tính. Tôi cho rằng thành quả quan trọng nhất là hai bên rất bình đẳng, sòng phẳng trong quá trình đàm phán và kết quả của nó chính là giữ được môi trường ổn định, tôn trọng độc lập chủ quyền của hai bên, tôn trọng đường biên giới mà thành quả hợp tác lâu dài hai bên đã có”.Hợp tác vì lợi ích đôi bên Một thác nước tự nhiên, đẹp hùng vĩ bậc nhất thế giới nằm ở giữa ranh giới hai quốc gia, chứa đựng trong đó nhiều tiềm năng tài nguyên về thủy điện, du lịch. Một khu vực cửa sông tàu thuyền hai bên đi lại dễ dàng, giao thương thuận lợi. Tất cả những tiềm năng này đang chờ đợi sự đầu tư, hợp tác cùng khai thác. Gần đây, Việt Nam đã đầu tư nhiều về hạ tầng cơ sở, thúc đẩy phát triển du lịch tâm linh, góp phần thay đổi diện mạo cơ bản về KT - XH khu vực biên cương. Sau khi ký kết hiệp định, các cơ quan chức năng hai nước đang tiến hành thiết lập các trạm kiểm tra, kiểm soát đôi bên, chuyển giao dân cư, giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình phân giới cắm mốc, hợp tác bảo vệ, quản lý mốc giới, khai thác tài nguyên nước, tạo cảnh quan du lịch tổng thể, liên hoàn giữa hai bên. Tương tự, tại khu vực sông Bắc Luân, theo Hiệp định vừa ký kết, hai nước cùng cam kết chủ trương giải quyết cho tàu thuyền đi lại là bước tiến quan trọng, tuy nhiên phải phối hợp kiểm soát chặt chẽ, không để tình trạng lợi dụng tự do thông thương mà có thể có những hoạt động gây hại cho an ninh quốc phòng của mỗi bên. Có thể khẳng định, việc ký kết 2 văn bản pháp lý quan trọng này, Việt Nam và Trung Quốc đã chính thức khép lại hoàn toàn giai đoạn đàm phán khu vực biên giới trên bộ. Đây cũng chính là những bài học lớn để hai bên tiếp tục đàm phán giải quyết những tranh chấp khác trong thời gian tới. Ông Tề Kiến Quốc, nguyên Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Trung - Việt, cho rằng: “Hai vấn đề do lịch sử để lại bây giờ đã trở thành biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển. Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc tuy đã xảy ra một số vấn đề, nhưng cũng có nhiều tiến triển mới. Theo tôi, để quan hệ hai nước tiếp tục phát triển tốt, trước hết hai bên chúng ta cần phải tăng cường giao lưu cấp cao, tăng thêm sự hiểu biết và sự tin cậy lẫn nhau. Cái này rất quan trọng”. Sau 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt - Trung đang bước vào một giai đoạn mới. Đẩy mạnh thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin, giảm căng thẳng, ngăn ngừa xung đột, chân thành, thiện chí, như quan điểm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu tại Hội nghị cấp cao ASEAN 27 vừa qua, là phương châm hợp tác mà lãnh đạo hai nước Việt - Trung hướng tới.
Báo Cao Bằng

Có thể bạn quan tâm