Việt Nam quyết tâm cao kiểm soát dịch COVID-19 để sớm trở lại trạng thái bình thường mới

Xét nghiệm cho người dân ở tổ 10, phường Thụy Khuê, quận Ba Đình. Ảnh: Trần Việt - TTXVN
Xét nghiệm cho người dân ở tổ 10, phường Thụy Khuê, quận Ba Đình. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, tính từ 17 giờ ngày 9/9 đến 17 giờ ngày 10/9, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 13.321 ca mắc mới, trong đó 15 ca nhập cảnh và 13.306 ca ghi nhận trong nước.

Việt Nam quyết tâm cao kiểm soát dịch COVID-19 để sớm trở lại trạng thái bình thường mới ảnh 1Xét nghiệm cho người dân ở tổ 10, phường Thụy Khuê, quận Ba Đình. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là địa phương ghi nhận nhiều ca mắc nhất (7.539 ca), Bình Dương (3.563 ca), Đồng Nai (823 ca), Long An (321 ca), Tây Ninh (248 ca), Tiền Giang (156 ca), Kiên Giang (86 ca), Bình Phước (58 ca), Đồng Tháp (58 ca), Quảng Bình (48 ca), Quảng Ngãi (45 ca), Cần Thơ (37 ca), Khánh Hòa, Bình Thuận (mỗi địa phương 34 ca), Đà Nẵng (30 ca), Hà Nội (29 ca), Bạc Liêu, Đắk Lắk (mỗi địa phương 26 ca), An Giang (19 ca), Đắk Nông (17 ca), Quảng Nam (16 ca), Nghệ An, Bình Định (mỗi địa phương 15 ca), Phú Yên (13 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (11 ca), Thừa Thiên Huế (8 ca), Bến Tre (6 ca), Lâm Đồng, Thanh Hóa (mỗi địa phương 5 ca), Vĩnh Long, Ninh Thuận, Sơn La (mỗi địa phương 3 ca), Trà Vinh, Gia Lai (mỗi địa phương 2 ca), Hưng Yên (1 ca); trong đó có 8.680 ca trong cộng đồng.

Như vậy, so với ngày 9/9, số ca mắc ghi nhận trong nước tăng 907 ca. Tại Thành phố Hồ Chí Minh tăng 1.990 ca, Bình Dương giảm 968 ca, Đồng Nai giảm 57 ca, Long An giảm 91 ca, Tây Ninh tăng 87 ca. Trong 7 ngày qua, trung bình mỗi ngày ghi nhận 12.523 ca mắc mới trong nước.

Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 589.417 ca mắc, đứng thứ 50/222 quốc gia và vùng lãnh thổ; ở tỷ lệ ca mắc/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 158/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 5.991 ca mắc). Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca mắc mới ghi nhận trong nước là 585.051 ca, trong đó có 348.147 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Trong ngày 10/9, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 12.751 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi là 350.921 ca.

Theo số liệu tổng hợp do các Sở Y tế công bố, cả nước có 254 ca tử vong; trong đó tại Thành phố Hồ Chí Minh (195 ca), Bình Dương (41 ca), Tiền Giang, Đà Nẵng, Đồng Nai (mỗi địa phương 3 ca), Đồng Tháp (2 ca), Bình Thuận, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Nghệ An (mỗi địa phương 1 ca).

Có 21 ca tử vong từ trước được bổ sung, trong đó tại Bình Dương (14 ca), Bình Thuận (4 ca), Nghệ An (3 ca).

Trong 7 ngày qua, trung bình số tử vong ghi nhận mỗi ngày là 302 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 14.745 ca, chiếm 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).

Việt Nam đã và đang nỗ lực hết sức để kiểm soát dịch bệnh

Tại cuộc làm việc với lãnh đạo các Bộ: Công an, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải; một số doanh nghiệp công nghệ thông tin… về ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, chiều 10/9, tại Trụ sở Chính Phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 yêu cầu, thời gian tới, sẽ chỉ có một ứng dụng công nghệ phục vụ công tác phòng, chống dịch, đảm bảo thuận tiện cho người dân sử dụng, đáp ứng yêu cầu thông tin và dữ liệu.

Phó Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông làm đầu mối, chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ quan liên quan khẩn trương phát triển ứng dụng mới; đồng thời hướng dẫn chi tiết, triển khai đồng bộ. Thông tin người dân đã khai báo trên các ứng dụng trước đây được tự động cập nhật, chuyển sang ứng dụng mới, không phải khai báo lại từ đầu. Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông tích hợp tất cả dữ liệu được hình thành từ các ứng dụng, công cụ có sẵn trước đây thành cơ sở dữ liệu thống nhất, tiếp tục được cập nhật thường xuyên khi người dân dùng ứng dụng mới.

Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo việc cập nhật hồ sơ sức khỏe của người dân, kết quả xét nghiệm và tiêm vaccine, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19…; tích hợp các dữ liệu trên về Bộ Thông tin và Truyền thông để phục vụ cho việc triển khai ứng dụng mới.

Các thông tin về sức khỏe đi lại, tiếp xúc... của người dân được quản lý tập trung, thống nhất và chỉ phục vụ cho mục đích phòng, chống dịch; đảm bảo an toàn thông tin, không sử dụng vào bất kỳ mục đích khác.

Theo Tiến sỹ Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam: Tình hình bùng phát dịch tại Việt Nam đang rất phức tạp và khó khăn, với số ca mắc lên đến hơn nửa triệu người kể từ đầu tháng 9/2021. Chúng ta vẫn tiếp tục báo cáo số ca mắc và tử vong cao trong những tuần qua, chủ yếu là ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Đây là tình trạng đáng quan ngại và là dấu hiệu của nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng. Một số cơ sở y tế ở các tỉnh bùng phát dịch bệnh đang quá tải. Hệ thống y tế chịu áp lực rất lớn và các nhân viên y tế đang làm việc không ngừng nghỉ...

Tiến sỹ Kidong Park cho rằng Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực hết sức thực hiện biện pháp, huy động các nguồn lực để chống lại đại dịch, đặc biệt là việc hỗ trợ các tỉnh đang là “điểm nóng”. Thủ tướng Chính phủ hiện là Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống COVID-19. Điều này thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ Việt Nam trong việc kiểm soát tình hình bùng phát dịch.

Vẫn còn rất nhiều nhiệm vụ phía trước cần phải thực hiện và những tuần tới là thời điểm quan trọng đối với Việt Nam. WHO tin tưởng rằng chiến lược ứng phó khẩn cấp vì sức khỏe cộng đồng trong kiểm soát bùng phát dịch COVID-19 hiện nay của Việt Nam là vô cùng mạnh mẽ và đang đi đúng hướng.

Theo Bộ Y tế, thời gian vừa qua, do tình hình khan hiếm vaccine nói chung nên nhiều quốc gia đã nghiên cứu và sử dụng các liệu trình tiêm kết hợp 2 loại vaccine cùng công nghệ hoặc khác công nghệ sản xuất, căn cứ theo loại vaccine sẵn có tại từng thời điểm, như tiêm vaccine vector virus với vaccine mRNA, hoặc tiêm 2 loại vaccine mRNA của các nhà sản xuất khác nhau...

Xuất phát từ tình hình thực tế, nhu cầu sử dụng vaccine nhằm mục đích tăng độ bao phủ, tiêm sớm và đúng lịch để phòng, chống dịch, ngày 8/9/2021, Hội đồng tư vấn chuyên môn về sử dụng vaccine của Bộ Y tế đã họp và đưa ra khuyến cáo trong trường hợp bất khả kháng, khi nguồn cung vaccine COVID-19 mũi 1 đã tiêm không đủ để tiêm mũi 2 thì có thể sử dụng vaccine khác để tiêm mũi 2 như sau: Nếu tiêm mũi 1 vaccine do AstraZeneca sản xuất thì có thể tiêm mũi 2 bằng vaccine do Pfizer hoặc Moderna sản xuất; nếu tiêm mũi 1 vaccine do Moderna sản xuất thì có thể tiêm mũi 2 bằng vaccine do Pfizer sản xuất và ngược lại.

Do đó, ngày 10/9, Bộ Y tế đã có văn bản khẩn gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 2 cho trường hợp đã tiêm mũi một là vaccine Moderna.

Cũng trong ngày 10/9, Bộ Y tế đã quyết định phân bổ 156.168 lọ (tương đương 1.446 thùng) thuốc Remdesivir 100mg để phục vụ công tác điều trị người bệnh mắc COVID-19 từ kho dự phòng chống dịch của Bộ Y tế. Đây là lần phân bổ nhiều nhất thuốc Remdesivir điều trị COVID-19 đến thời điểm này.

Bộ Y tế cũng có quyết định điều chuyển 54.000 lọ (tương đương 500 thùng) thuốc điều trị COVID-19 (có hoạt chất Remdesivir 100mg do Ấn Độ sản xuất) từ kho dự phòng chống dịch của Bộ Y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh về kho tại Hà Nội.

Hai thành phố lớn đạt được tín hiệu đáng mừng trong phòng, chống dịch

Sau hai tháng đóng cửa vì có nhiều ca mắc COVID-19, từ ngày 7/9 chợ đầu mối Bình Điền (Quận 8, Thành phố Chí Minh) được phép mở cửa trở lại để làm điểm trung chuyển hàng hóa từ các tỉnh, thành phố về Thành phố Hồ Chí Minh. Đêm 9/9, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch tại đây.

Trước mắt, chợ sẽ vận hành hai hoạt động chính là tập kết và trung chuyển các loại hàng hóa như: hải sản, rau xanh, thực phẩm thiết yếu, thịt tươi… Các hoạt động diễn ra từ 16 giờ đến 8 giờ ngày hôm sau. Địa điểm trung chuyển được tập trung tại sân của chợ và chia theo từng ô, vựa; mỗi điểm có diện tích 720m2, đảm bảo giãn cách. Đặc biệt, điểm trung chuyển chỉ là nơi giao nhận hàng hóa, không diễn ra hoạt động mua bán giao dịch và sơ chế tại chỗ.

Chiều tối 10/9, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức cuộc họp báo định kỳ về tình hình phòng, chống dịch trên địa bàn. Về điều trị, theo ông Nguyễn Hoài Nam, hiện nay, trung bình số ca nhập viện vì mắc COVID-19 ở mức 3.000-4.000 ca tùy từng ngày, phần lớn là người có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng. Nhiều người mắc được chăm sóc tại nhà, không cần nhập viện. Hiện thành phố vẫn đang tích cực mở các bệnh viện hồi sức để đáp ứng công tác điều trị cho người nhiễm có biểu hiện nặng; tập trung nhiều giải pháp điều trị cùng với cấp các gói thuốc cho người mắc ở nhà và đang điều trị.

Hiện tại, UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho phép các doanh nghiệp, cơ sở hoạt động lại với tiêu chí “an toàn tới đâu, mở cửa tới đó”, áp dụng biện pháp 3 tại chỗ, chỉ bán mang đi thông qua đội ngũ giao hàng (shipper).

Đánh giá về kết quả 50 ngày với 4 đợt Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, cho đến ngày 10/9, số ca mắc COVID-19 cũng như ca mắc tại cộng đồng trên địa bàn thành phố đang có chiều hướng giảm dần. Nếu như ở giai đoạn 1 giãn cách, số ca mắc trong cộng đồng chiếm khoảng gần 50%, giai đoạn 2 và nửa đầu giai đoạn 3 chiếm khoảng 30%, cuối giai đoạn 3 đến đầu giai đoạn 4 này giảm xuống 8,7%. Đây là tín hiệu, kết quả rất cần đánh giá trên cơ sở kết quả phòng, chống dịch nói chung.

Trong những ngày gần đây, bình quân mỗi ngày có 30-40 ca, nhưng chủ yếu là các ca mắc trong các khu cách ly, phong tỏa. việc cung cấp nhu yếu phẩm, thuốc men của người dân trong 50 ngày giãn cách vừa qua không bị đứt gãy, tạo điều kiện cho sản xuất nông nghệp của Hà Nội cũng như các tỉnh khác tiếp tục được duy trì. Các mặt hàng thiết yếu đảm bảo cung cấp cho người dân, không có hiện tượng tăng giá, ép giá, khan hiếm diện rộng. Hà Nội tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp của Hà Nội cũng như các tỉnh khác tiếp tục được duy trì. Các "vùng đỏ" dần được thu hẹp, "vùng xanh" được mở rộng. Cho đến nay, Hà Nội chỉ còn 66 điểm phong tỏa.

PV

TTXVN

Có thể bạn quan tâm