Ông Đút-Bí thư chi bộ làng Ktu cho biết làng còn giữ được nhiều bộ chiêng quý. |
Thông qua các chương trình hỗ trợ phát triển cộng đồng, sản xuất nông nghiệp của Nhà nước, đời sống của người dân trong làng đã có nhiều đổi mới. Tập quán sản xuất lạc hậu được xóa bỏ, những tiến bộ khoa học-kỹ thuật bước đầu được đưa vào sản xuất, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Từ chỗ độc canh cây lúa rẫy, đến nay, bà con đã biết đa canh, thâm canh, tăng vụ. Vì thế, diện tích gieo trồng tăng từ 105 ha năm 2004 lên 219 ha năm 2016. Tỷ lệ đói nghèo của làng giảm nhiều (còn 45 hộ, chiếm 47,37%); 100% hộ có điện thắp sáng; các công trình điện-đường-trường-trạm được đầu tư và đưa vào sử dụng đang phát huy hiệu quả thiết thực.
Trong việc xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong làng tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, không nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu, Nói về cách tuyên truyền, vận động người dân, ông Đút-Bí thư chi bộ làng Ktu cho biết: “Mọi vấn đề nảy sinh trong làng đều được đưa ra bàn bạc, thống nhất, công khai minh bạch trong các cuộc họp dân. Đồng thời, những cán bộ trong làng đều phải đi đầu trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; có được như vậy, bà con trong làng mới tin tưởng và làm theo”.
Bên cạnh đó, bà con làng Ktu đã nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường sống. Các nơi công cộng như: trường học, bể nước, đường làng ngõ xóm… được dọn dẹp sạch sẽ; chuồng trại nuôi gia súc được làm cách xa nơi ở. Những năm qua, trong làng không ai đốt rừng làm nương rẫy, mọi người đều có ý thức bảo vệ rừng. Nhờ phát huy được nội lực của dân, đến nay, 100% hộ dân được dùng nước sạch. Hàng năm, tất cả các hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hóa; năm 2016, có trên 90% hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Các hủ tục từng bước được đẩy lùi, đồng thời những giá trị truyền thống tốt đẹp được phát huy, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc... Các hộ gia đình trong làng sống đoàn kết, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống và sản xuất. Trong làng không ai trộm cắp tài sản của nhau, khi có mâu thuẫn đều giải quyết thông qua tổ hòa giải hoặc các cuộc họp của làng.
Những năm gần đây, làng Ktu liên tục được nhận danh hiệu “Làng văn hóa”; cùng với đó đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Gần đây nhất, làng Ktu đã được UBND huyện Mang Yang công nhận là làng giữ vững danh hiệu làng văn hóa giai đoạn 2010-2015 và đang đề nghị UBND tỉnh tặng bằng khen cho làng văn hóa có thành tích xuất sắc trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” giai đoạn 2000-2015”.
Báo Điện tử Gia Lai