Về nơi "biến sứa thành vàng"

Về nơi "biến sứa thành vàng"
Thành tỷ phú nhờ con sứa biển

Hơn chục năm qua, sứa - loài sinh vật biển trôi dập dềnh tưởng như chỉ làm vướng lưới ngư dân bỗng trở thành “vàng trắng”, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn người dân cả ở Cô Tô và các địa phương trong, ngoài tỉnh. Tuy vậy, đằng sau những “mùa vàng” ấy là bao băn khoăn, trăn trở về việc bảo vệ tài nguyên sứa, bảo vệ môi trường biển từ hoạt động khai thác, chế biến sứa... mà nhiều năm rồi vẫn chưa có lời giải thoả đáng...

Thăm nơi “biến sứa thành vàng”
Khu vực chế biến sứa ở thị trấn Cô Tô.
Khu vực chế biến sứa ở thị trấn Cô Tô.

Đó là một ngày mưa phùn giăng mờ Cô Tô. Vì tò mò trước những câu chuyện về “vựa sứa”, vì muốn được tận mắt chứng kiến các khâu trong quy trình “biến sứa thành vàng” mà chúng tôi bỏ cả bữa trưa, vượt qua âu tàu, đi bộ dọc theo các bãi cát, bãi đá nổi để đến với khu chế biến sứa lớn nhất huyện Cô Tô. Xưởng chế biến sứa mà chúng tôi dừng chân là của ông Nguyễn Văn Đàn (trú tại khu 4, thị trấn Cô Tô) - người đã có thâm niên hơn 10 năm gắn bó với nghề làm sứa.

Khu vực chế biến sứa ở thị trấn Cô Tô

Cũng như hàng chục xưởng chế biến sứa khác của huyện, thời điểm này, “xưởng ông Đàn” đang vào cao điểm mùa sứa. Những bể thái, ngâm đều đầy kín sứa. Tiếng máy quay rì rì. Tiếng nước xả rửa sứa rào rào. Công nhân ra vào tấp nập, luôn tay luôn chân. Ngược với vẻ vội vã, bận cuống cuồng của những nhân công trong xưởng, ông chủ Đàn lại mang vẻ nhàn tản, ung dung bên ấm trà nóng cạnh lán của những người làm công.

Nói về sứa, ông hào hứng: “Cả năm, đến mùa sứa là vất vả nhất, nhưng cũng vui nhất. Nhà tôi tập trung cả ở đây, ăn ngủ với công nhân, với sứa. Thu mua, phân loại, cắt, quay, ngâm muối, đóng hộp... Công đoạn nào cũng phải theo dõi, chỉ đạo. Nhìn đơn giản thế thôi, chứ sai một ly là đi cả trăm triệu đấy...”.
Bể ngâm sứa ở xưởng nhà ông Nguyễn Văn Đàn.
Bể ngâm sứa ở xưởng nhà ông Nguyễn Văn Đàn.

Theo ông Đàn, mùa sứa kéo dài chừng 4 tháng, bắt đầu từ tháng 1 đến hết tháng 4 âm lịch. Vùng biển Cô Tô trở thành “vựa sứa” lớn với hàng triệu con sứa to, nhỏ trôi nổi bập bềnh. Cũng lúc này, tàu thuyền của ngư dân trong tỉnh như ở Cô Tô, Vân Đồn và nhiều địa phương khác trong nước như Thanh Hoá, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình... đổ về đây vớt sứa.

Sau đó, các tàu chạy về bờ bán sứa cho các xưởng chế biến. Sứa từ thuyền sẽ theo dây chuyền chuyển lên xưởng. Tại đây, gần 50 công nhân của xưởng ông Đàn bắt đầu hối hả làm việc. Đầu tiên, sứa được phân loại, rồi cắt riêng các bộ phận như tay, chân, mo, óc. Tiếp đó, sứa được đưa vào bể quay ly tâm trong khoảng 6 đến 20 tiếng để cho văng hết nhớt. Sau đó, sứa được vớt lên, dội nước cho sạch rồi đổ vào các bể ngâm muối với độ mặn 25% trong vòng từ 5-7 ngày.

Quá trình ngâm muối, công nhân phải thường xuyên đo độ mặn, rắc thêm muối để sứa sạch hơn, cứng hơn và trắng hơn. Khi chất lượng sứa đã đạt yêu cầu thì được mang ra cho vào túi ni-lon, đóng gói cho vào thùng gỗ, mỗi thùng chừng 8kg đến 12kg. Ông Đàn bảo: Giá sứa năm nay trung bình từ 8.000 đến 10.000 đồng/con (mỗi con khoảng 20kg). Mỗi ngày, xưởng tôi thu mua từ 15.000 đến 20.000 con. Sau khi chế biến sẽ đóng thùng xuất sang Trung Quốc.

Sứa không chỉ mang lại nguồn thu nhập “khủng” cho ngư dân đi vớt và chủ chế biến sứa mà còn mang lại việc làm, thu nhập khá cao cho công nhân chế biến. Cứ vào mùa sứa, ngoài lao động bản địa, Cô Tô còn đón hàng nghìn lao động ngoại tỉnh đến làm thuê. Chỉ tính xưởng của ông Đàn đã có 50 công nhân từ tỉnh Hoà Bình xuống làm. Ở đây, nhóm công nhân làm theo sản phẩm, hoàn thiện quy trình chế biến từ A đến Z, tính công theo đầu con sứa là 2.500 đồng/con. Lấy số tiền công làm mỗi con sứa nhân lên hàng vạn con mà họ chế biến mỗi ngày, rồi chia đều cho cả 50 người. “Tính ra, có ngày mỗi người làm được cả triệu đồng tiền công. Hết mùa sứa, họ mang về vài chục đến cả trăm triệu đồng” - ông Đàn cho biết.

Những trăn trở nơi “vựa sứa”

Chân sứa - phần có giá trị dinh dưỡng cao được tiêu thụ mạnh ở thị trường nước ngoài
Chân sứa - phần có giá trị dinh dưỡng cao được tiêu thụ mạnh ở thị trường nước ngoài

Có thể nói, những năm gần đây, sứa đã mang lại nguồn lợi lớn cho hàng nghìn người dân Cô Tô và các địa phương lân cận. Tuy nhiên, qua rất nhiều mùa khai thác, chế biến và kinh doanh sứa ở Cô Tô, dường như không có nhiều giải pháp được đưa ra hay thực hiện với mục đích bảo vệ nguồn tài nguyên sứa cũng như bảo vệ môi trường biển từ hoạt động khai thác, chế biến sứa. Các hộ kinh doanh sứa dường như chỉ mong vớt được thật nhiều sứa, mùa sứa kéo dài, mưa thuận gió hoà và đặc biệt là sứa đừng rớt giá...
Mùa sứa này, ngư dân Hà Văn Hữu ở Hoằng Hoá (Thanh Hoá) lại tiếp tục cùng anh em trong vạn chài đánh lái đến vùng biển Cô Tô để khai thác. Anh Hữu cho biết, công việc vớt sứa đỡ gian nguy, vất vả mà lại cho thu nhập tốt hơn nhiều so với đánh cá tuyến khơi. “Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái hết cả đâu. Như năm nay chẳng hạn, tuy giá nhiên liệu xuống thấp, sứa nổi cũng nhiều nhưng giá thu mua của các chủ cơ sở chế biến lại hạ. Giá sứa năm nay giảm bằng một phần ba so với những năm trước, chỉ còn từ 7.000 đến 8.000 đồng/con. Dù vậy, nếu năng nhặt thì vẫn chặt bị...”, ngư dân đến từ vùng biển Thanh Hoá chia sẻ.

Anh Nguyễn Ngọc Lân là một trong những người đầu tiên mở xưởng thu mua, chế biến sứa ở Cô Tô. Có lẽ chính từ công việc này đã giúp anh xây dựng được một khách sạn bề thế ở giữa thị trấn. Anh Lân cho biết: Mỗi năm, vụ sứa kéo dài khoảng 4 tháng, đã giúp nhiều người có việc làm, thu nhập khá. Ở Cô Tô hiện có trên 30 xưởng chế biến sứa, mỗi xưởng chừng 50 người, tính ra khoảng nghìn rưỡi lao động. Dưới biển, người vớt sứa ước chừng gấp ba số người làm trên bờ. Như vậy, số người làm sứa bằng cả dân số huyện Cô Tô. Mùa du lịch ở Cô Tô chủ yếu là những tháng hè. Trước mùa du lịch, người dân có công việc tương đối ổn định trong 4 tháng với mức thu nhập khá như mấy vụ sứa vừa qua là tốt lắm rồi.

Hơn 10 năm gắn bó với con sứa, điều mà anh Lân lo lắng nhất là giá cả của sứa luôn chìm nổi, bấp bênh như chính loài sinh vật phù du này. “Từ trước tới nay, thị trường tiêu thụ của sứa Cô Tô chỉ là Trung Quốc. Giá cả thì bấp bênh lắm vì thương nhân bên họ hay xoay, mà họ cứ xoay thì mình phải lựa. Năm ngoái, mỗi thùng sứa (loại 8kg) xuất được 220 tệ, vụ này có lúc xuống còn 80 tệ (khoảng 270.000 đồng). Cũng muốn thu mua sứa với giá cao cho bà con mình nhưng giá bán không được thì đành chịu” - ông chủ xưởng sứa quê gốc Nam Định ra định cư ở Cô Tô từ năm 1990 trăn trở.

Rời các xưởng chế biến sứa, chúng tôi lại vượt bãi cát, bãi đá trở về thị trấn Cô Tô. Đi trên bãi biển tuyệt đẹp nhưng hình ảnh các xưởng sứa, những dãy nhà lụp xụp cho nhân công ở trọ với la liệt rác thải sinh hoạt, nước thải chế biến sứa, nồng lên mùi thum thủm cứ ám ảnh mãi trong tôi.

Tôi chợt nhớ đến lời giãi bày của ông chủ Đàn: “Nước để chế biến sứa đều là nước ngọt, nước sạch, như thế mới ra sản phẩm sứa sạch. Nhà tôi đã đào 4 cái giếng để phục vụ chế biến sứa. Theo quy định của chính quyền, mỗi xưởng phải xây bể lọc 40m3 để lọc toàn bộ nước thải khi chế biến sứa. Thú thật, nhà nào cũng xây bể theo quy định, nhưng bể 40m3 chỉ chứa đủ nước lọc thải khi chế biến chừng 5.000 con sứa. Trong khi đó, mỗi xưởng chế biến ít nhất từ 7.000 đến 10.000 con/ngày, có ngày lên đến 20.000 con. Thế nên, bao nhiêu nước thải đều phải đổ ra biển. Mùa sứa thì chỉ kéo dài 3 đến 4 tháng, chúng tôi cũng không đủ kinh phí để đầu tư lớn nên biết là bờ biển ô nhiễm, hôi thối cũng đành chịu...”.

Nhìn bờ biển hoang sơ với những bãi đá tự nhiên đang bị vùi dần bởi rác thải, nước thải nhớp nháp, tanh tưởi, dường như mọi người trong đoàn cũng đang nghĩ đến những hệ lụy từ việc khai thác, chế biến sứa ở huyện đảo này. Anh bạn đồng hành lo lắng: Trước đây, Cô Tô được ví như nàng công chúa ngủ trong rừng. Mấy năm nay, tiềm năng du lịch biển đảo ở đây bắt đầu được đánh thức. Thế nhưng, chỉ nói riêng chuyện về những con sứa, nếu ai đã đến thăm các xưởng sứa, đi qua những bãi biển nhớp nháp hôi nồng này, chắc sẽ chẳng dám xuống tắm biển. Ngay từ bây giờ, nếu không có các giải pháp bảo vệ môi trường thì có lẽ sau này, sẽ chẳng ai dám tắm biển ở Cô Tô...
 

Có thể bạn quan tâm