Về địa chỉ đỏ Chiến khu Đồng Bò (Khánh Hòa)

Hướng đến những ngày lễ lớn của đất nước, các đoàn học sinh, đoàn viên thanh niên và các cựu chiến binh trên địa bàn thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa tổ chức các hoạt động về địa chỉ đỏ Chiến khu Đồng Bò (xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) nhằm ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc, cũng như tập huấn các kỹ năng sinh tồn cơ bản trong rừng.

vna_potal_khanh_hoa_to_chuc_nhieu_hoat_dong_ve_dia_chi_do_chien_khu_dong_bo_7525040.jpg
Ông Vũ Song Tê, nguyên cán bộ Sở Y tế Khánh Hòa (ngoài cùng bên trái) và bác sĩ cựu chiến binh Nguyễn Văn Xáng (ngoài cùng bên phải) cùng đồng đội trở lại Chiến khu Đồng Bò. Ảnh: Phan Sáu - TTXVN

Khu vực Đồng Bò có những dãy núi cao nằm ở hướng Đông Nam thành phố Nha Trang, có hình vòng cung kéo dài theo hướng Tây Đông, với diện tích toàn vùng gần 200km2, trải rộng trên địa bàn Nha Trang cùng một phần của hai huyện Diên Khánh và Cam Lâm. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Đồng Bò là chiến khu của thị xã Nha Trang và huyện Vĩnh Xương (nay là thành phố Nha Trang). Đây chính là nơi đứng chân chủ yếu của cơ quan lãnh đạo kháng chiến của Nha Trang - Vĩnh Xương; có lúc của cả tỉnh Khánh Hòa.

Ngoài ra, Đồng Bò còn là nơi xuất phát của những trận đánh thẳng vào sào huyệt, căn cứ quân sự và kho tàng của địch, làm cho chúng nhiều phen khiếp sợ. Đầu tháng 4/1975, quân giải phóng của ta đập tan cánh cửa thép đèo Phượng Hoàng nối Đắk Lắk - Khánh Hòa, tiến quân về tỉnh lỵ Khánh Hòa. Từ đây, lực lượng cách mạng từ chiến khu Đồng Bò đã nhanh chóng hỗ trợ, đón quân cách mạng và giải phóng tỉnh Khánh Hòa.

Chiến tranh đã đi qua, di tích lịch sử cách mạng căn cứ kháng chiến Đồng Bò ngày nay chính là bằng chứng thiết thực mang dấu ấn của thời đại, ẩn trong nó những giá trị lịch sử cao quý, tinh thần chiến đấu anh dũng và những hy sinh gian khổ của cha anh. Đây là địa chỉ đỏ không chỉ có ý nghĩa quan trọng giáo dục truyền thống yêu nước, yêu độc lập tự do cho các tầng lớp nhân dân; mà còn giáo dục cho thế hệ trẻ tinh thần anh dũng, bất khuất chống giặc ngoại xâm của cha anh bao đời nay, tình đoàn kết gắn bó keo sơn giữa các dân tộc anh em trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

vna_potal_khanh_hoa_to_chuc_nhieu_hoat_dong_ve_dia_chi_do_chien_khu_dong_bo_7525038.jpg
Giáo viên có kinh nghiệm trong mảng kỹ năng sống hướng dẫn cho thanh niên kỹ năng làm cáng, cấp cứu người bị thương tại địa chỉ đỏ Khu căn cứ Cách mạng Đồng Bò. Ảnh: Phan Sáu - TTXVN

Ngày nay, từ đại lộ Nguyễn Tất Thành, rẽ hướng vào xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang rất dễ dàng để đến được với Chiến khu Đồng Bò. Từ cổng vào có một lối đi với các cấp bậc, thuận tiện cho người trẻ lẫn người lớn tuổi leo đồi cao. Ở phía trên cao, có các hang đá xếp xen kẽ từng lớp, từng lớp với nhau. Khi đã vào được trong hang sẽ có những tượng mô phòng tái dựng hoạt động chữa trị thương cho các chiến sĩ.

Cùng theo chân của các bạn đoàn viên, thanh niên phường Phước Tân, thành phố Nha Trang đến với Chiến khu Đồng Bò hồi tháng 7, mới thấy sự sôi nổi của phong trào Đoàn. Trên đường “hành quân” các bạn trẻ vừa hát vang nhưng ca khúc cách mạng, vừa chỉ cho nhau cách đi trong đường rừng an toàn, đảm bảo sức khỏe. Càng leo lên dốc cao, dù mệt nhưng không ai nản chí mà vẫn tiếp tục và khi đến nơi là sự vỡ òa cảm xúc trong mỗi bạn trẻ.

vna_potal_khanh_hoa_to_chuc_nhieu_hoat_dong_ve_dia_chi_do_chien_khu_dong_bo_7525037.jpg
Giao lưu kiến thức về lịch sử Khu căn cứ cách mạng Đồng Bò trong chương trình về nguồn của đoàn viên, thanh niên. Ảnh: Phan Sáu - TTXVN

Em Trần Hồ Bảo Trân, học sinh trường Trung học phổ thông Phạm Văn Đồng, thành phố Nha Trang chia sẻ: Được đến với Khu căn cứ cách mạng Đồng Bò là một trải nghiệm cực kỳ đáng nhớ và ý nghĩa đối với em. Hành trình đến được đây vô cùng nhiều thử thách và em đã vượt qua giới hạn của bản thân. Em rất xúc động, bồi hồi và hết sức tự hào khi được nghe và tận mắt nhìn thấy những chứng tích về cuộc đời hoạt động cách mạng hết sức gian khổ, hy sinh, nhưng rất đỗi tự hào của các cán bộ cách mạng, chiến sĩ ngày xưa. Do đó, em càng quyết tâm học tập nhiều hơn nữa.

Còn chị Nguyễn Ngọc Quế, Bí thư Đoàn phường Phước Tân, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa thông tin thêm: Hầu hết các bạn đoàn viên, thanh niên tham gia về nguồn lần này đều là các học sinh, sinh viên ở các trường về sinh hoạt Hè tại phường. Do đó, hàng năm Đoàn phường đều tổ chức để các bạn tham gia sinh hoạt, học tập tại các địa chỉ đỏ trong thành phố và tại tỉnh Khánh Hòa. Trong chuyến đi này, Đoàn phường cũng kết hợp với các đơn vị thực hiện dạy các em kỹ năng cứu thương bằng cáng với các vật dụng đơn giản khi đi rừng. Hoạt động này nhằm tái hiện lại hoàn cảnh của cha ông ta ngày xưa hỗ trợ, cứu thương trong rừng như thế nào; đồng thời dạy cho các em kỹ năng sinh tồn cơ bản trong đời sống thực. Mặc khác, các năm trước đây, Đoàn phường đã tổ chức nhiều lễ kết nạp đoàn viên tại địa chỉ đỏ Chiến khu Cách mạng Đồng Bò, nhằm giáo dục, nâng cao ý thức cho các em hơn nữa về vai trò, trách nhiệm của một đoàn viên, thanh niên trong thời buổi hòa bình hiện nay.

vna_potal_khanh_hoa_to_chuc_nhieu_hoat_dong_ve_dia_chi_do_chien_khu_dong_bo_7525035.jpg
Lối vào Khu căn cứ Cách mạng Đồng Bò hiện nay tại xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Phan Sáu - TTXVN

Trước đó, tháng 7 - những ngày đất nước kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, các cựu chiến binh từng công tác trong ngành Y tế sống tại thành phố Nha Trang cùng những em thiếu nhi ở thành phố Nha Trang cũng trở lại nơi đây. Chuyến đi của họ vừa để thăm lại đồng đội nằm xuống dưới lòng đất Mẹ, vừa là người truyền lửa, kể những câu chuyện lịch sử về “Bệnh xá tiền phương”.

Ông Vũ Song Tê, nguyên cán bộ Sở Y tế Khánh Hòa vừa chỉ tay vào các tượng hình mô phỏng đặt trong các hang đá vừa nói: Tháng 10/1968, quân Mỹ sử dụng lực lượng đặc biệt càn quét liên tục gần một tháng ở khu vực Đồng Bò. Quân ta có 18 y, bác sĩ, điều dưỡng và dân quân ở khu vực “Bệnh xá tiền phương” ở quanh khu vực này bị bao vây, cứ vậy họ mãi mãi nằm lại đất Mẹ. “Nhiều anh hùng, liệt sĩ đã được đón về an nghỉ, nhưng chúng tôi rất tiếc bia tưởng niệm các anh thiếu họ tên đầy đủ. Giá như các cơ quan chức năng điền đầy đủ thông tin họ tên để thế hệ trẻ khi tìm đến đây, đọc được những thông tin kia thì sẽ trọn vẹn nhiều hơn nữa…”, ông Vũ Song Tê mong muốn.

Bác sĩ Nguyễn Văn Xáng, thương binh ¼ cho biết thêm, dù không tham gia chiến đấu tại Chiến khu Đồng Bò, nhưng với mỗi người dân Nha Trang, chiến khu này chính là niềm tự hào lớn. Bởi nơi đây đã chở che cho bộ đội ta đánh biết bao trận lớn thành công. Kể những câu chuyện chiến đấu ở Đồng Bò khi xưa cho các bạn thiếu nhi, bác sĩ Xáng không kìm được nước mắt bởi sự hiểu biết của các bạn trẻ khi trả lời đúng những câu hỏi của ông. “Khí thế 'hành quân' của các bạn trẻ làm tôi nhớ đến những ngày trong quân ngũ của mình. Kiến thức về lịch sử của các bạn làm tôi khâm phục về sự học của thế hệ trẻ. Tôi mong các bạn trẻ sống yêu thương, trách nhiệm và cống hiến hết mình cho quê hương...”, ông Xáng nói.

Rời Chiến khu Đồng Bò trở về, mỗi người trẻ đều cảm xúc ngậm ngùi, bởi các bạn biết ở dưới lòng đất kia vẫn còn biết bao anh hùng, liệt sĩ nằm xuống để bảo vệ quê hương có được như ngày hôm nay. Nhiều đoàn viên, thanh niên đã viết những dòng xúc động vào bài thu hoạch, trên mạng xã hội của mình với một lòng biết ơn vô hạn. Và tình yêu này, trong người trẻ - thế hệ xây đất nước tương lai sẽ mãi luôn cháy rực và sẽ tiếp nối truyền thống yêu nước tốt đẹp của cha anh.

Phan Sáu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm