Nhiều hộ đồng bào dân tộc ở A Lưới có thu nhập ổn định nhờ tham gia phát triển nghề dệt Zèng truyền thống |
Tại những bản vùng cao của xã Hồng Hạ, huyện A Lưới, nơi có đồng bào Cơ-tu, Pa Cô (một nhóm thuộc dân tộc Tà Ôi), Tà Ôi, Pa Hy (một nhóm thuộc dân tộc Tà Ôi) và Kinh chung sống, điều dễ nhận thấy nhất là sắc xanh trải dài trên những mảnh rừng vốn bị tàn phá trong chiến tranh. Đến nay, đồng bào đã trồng mới được 1.070 ha rừng, đưa Hồng Hạ trở thành xã đi đầu của huyện trong công tác phát triển và bảo vệ rừng. Để phát triển kinh tế, đồng bào đã tận dụng đất bãi bồi đầu nguồn sông Bồ trồng được 50 ha cao su, 10 ha cây ăn quả, hơn 2.000 hố tiêu...
Mạng lưới y tế cơ sở trên địa bàn huyện A Lưới ngày càng được củng cố và phát triển |
Thực hiện phong trào thi đua "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi", trên địa bàn huyện A Lưới đã xuất hiện ngày càng nhiều các hộ gia đình thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Đó là gia đình anh Văn Đình Quế ở xã Sơn Thủy, nhờ phát triển chăn nuôi lợn theo hướng trang trại nên thu lãi mỗi năm gần 150 triệu đồng. Gia đình anh Hồ Viên Mười ở xã Nhâm hiện cũng thu lãi trên 150 triệu đồng mỗi năm nhờ tập trung trồng rừng, trồng chuối và chăn nuôi bò, dê. Nhiều hộ đồng bào ở các xã khác như: Hồng Thượng, A Ngo, A Đớt, thị trấn A Lưới... cũng có thu nhập ổn định nhờ tham gia các hợp tác xã dệt Zèng, phát triển kinh tế rừng hoặc chăn nuôi.
Các mô hình kinh tế gia trại, trang trại ở A Lưới phát triển, góp phần thay đổi phương thức sản xuất nhỏ lẻ của nhiều hộ đồng bào dân tộc sang sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm |
Chị Hồ Thị Hiền, Chủ tịch Hội Nông dân huyện A Lưới khẳng định, phong trào thị đua "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi" đã góp phần phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống và giải quyết việc làm cho nhiều hộ đồng bào ở A Lưới.
Quốc Việt - Hồ Cầu