Trong những năm qua, hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La đã được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo và từng bước vươn lên trong cuộc sống, góp phần tích cực trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
Chương trình tín dụng chính sách xã hội là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người nghèo và các đối tượng chính sách. Nguồn vốn có vai trò quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, góp phần thực hiện các mục tiêu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khôi phục các làng nghề, phát triển, mở rộng sản phẩm dịch vụ OCOP trên địa bàn. Nguồn vốn chính sách cũng là “chìa khóa” mở cửa thoát nghèo giúp hàng nghìn hộ mới thoát nghèo thêm điểm tựa tài chính vững chắc để tiếp tục đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, nhất là cho người dân vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Vân Hồ.
Đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiêm Ủy ban Dân tộc thăm gia đình anh Tráng A Chu, bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ. Ảnh: Quang Quyết - TTXVN
Gia đình anh Tráng A Chu, bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ là một trong những hộ tiên phong và thành công trong phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại địa phương.
Anh Chu chia sẻ: Để có được thành công như ngày hôm nay, năm 2015, gia đình anh được Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ cho vay 60 triệu từ nguồn vốn giải quyết việc làm và nước sạch vệ sinh môi trường để đầu tư xây dựng mô hình Home Stay để phát triển du lịch. Khi mới bắt đầu vào làm du lịch, mọi công việc đều mới mẻ, từ việc giao tiếp với du khách, sắp xếp chỗ ở hay đến công việc đi chợ, chế biến món ăn, hay từ tư tưởng cổ hủ, những ý kiến trái chiều của nhiều người trong bản vì họ đã quen với nếp sống cũ... Tất cả những công viêc đó anh cùng vợ đều tự xoay xở.
Để duy trì và phát triển Home stay của gia đình, anh Chu đã đem những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình đến với du khách, để du khách “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” và hòa mình vào cuộc sống của người dân, tận hưởng không khí trong lành của làng bản. Đa số khách đến nghỉ tại Homestay đều lưu giữ những ấn tượng đẹp về con người và mảnh đất nơi đây.
Đến nay, sau gần 8 năm nỗ lực, cố gắng, Home stay của gia đình anh đã đi vào hoạt động ổn định, thu hút đông đảo lượt khách đến nghỉ và tham quan, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Mỗi năm gia đình anh thu nhập khoảng 600 triệu -800 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động và 10 lao động thời vụ. Cùng với đó, anh Chu cũng liên kết với 5 hộ gia đình khác trong bản để thực hiện các dịch vụ du lịch.
Để nguồn vốn đến tay hộ nghèo và các đối tượng chính sách có hiệu quả, hàng năm, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vân Hồ đã phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã và các tổ chức chính trị- xã hội tổ chức tuyên truyền, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách mới của Chính phủ, của tỉnh và địa phương. Đồng thời, thực hiện niêm yết công khai đầy đủ các chính sách tín dụng ưu đãi về cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách tại 14 xã, trên địa bàn. Ngoài ra, Phòng giao dịch huyện cũng thường xuyên chỉ đạo, rà soát chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn, kiểm tra việc bình xét cho vay, đảm bảo công khai, minh bạch, đôn đốc, giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích.
Trên chặng đường tiếp theo đồng hành cùng người nghèo và các đối tượng chính sách, phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vân Hồ sẽ tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng, thực hiện chủ trương công khai, minh bạch; tạo thuận lợi cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, gia đình chính sách được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, thực hiện giải ngân kịp thời nguồn vốn mới phân bổ, đáp ứng tối đa nhu cầu vay vốn của người dân.
Quang Quyết