Ứng dụng "Sổ tay đảng viên điện tử" nâng cao chất lượng công tác Đảng

Ứng dụng "Sổ tay đảng viên điện tử" giúp các đảng viên tiếp cận thông tin kịp thời, chính xác. Ảnh: Việt Dũng - TTXVN
Ứng dụng "Sổ tay đảng viên điện tử" giúp các đảng viên tiếp cận thông tin kịp thời, chính xác. Ảnh: Việt Dũng - TTXVN

Việc triển khai nền tảng số "Sổ tay đảng viên điện tử" và số hóa nghiệp vụ công tác Đảng góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ, nhận thức cho đội ngũ đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh Yên Bái.

Ứng dụng "Sổ tay đảng viên điện tử" nâng cao chất lượng công tác Đảng ảnh 1Ứng dụng "Sổ tay đảng viên điện tử" giúp các đảng viên tiếp cận thông tin kịp thời, chính xác. Ảnh: Việt Dũng - TTXVN


Tiếp cận thông tin kịp thời, chính xác

Là một trong ba địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai ứng dụng “Sổ tay đảng viên điện tử” từ tháng 2/2022, đến nay, toàn tỉnh Yên Bái đã có 1.299/2.736 chi bộ thí điểm triển khai sử dụng ứng dụng nền tảng số trong sinh hoạt, với hơn 34 nghìn đảng viên được tạo tài khoản. "Sổ tay đảng viên điện tử" được triển khai thí điểm, nhân rộng từng bước thực hiện số hóa về nghiệp vụ công tác Đảng, góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ và nhận thức của đội ngũ đảng viên.

Ứng dụng "Sổ tay đảng viên điện tử" nâng cao chất lượng công tác Đảng ảnh 2Đảng viên Nguyễn Vĩ Truyền, Chi bộ 10, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái đang nghiên cứu các văn bản của Đảng qua ứng dụng "Sổ tay đảng viên điện tử". Ảnh: Việt Dũng - TTXVN


Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái Hoàng Mạnh Hà cho biết, việc ứng dụng nền tảng số "Sổ tay đảng viên điện tử" trong sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ giúp cấp ủy, chi bộ tra cứu, nắm bắt nghiệp vụ cần thiết trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình; hỗ trợ, tiết kiệm chi phí trong việc chuẩn bị, tổ chức sinh hoạt như, thông báo thời gian, địa điểm, in ấn, cung cấp văn bản tài liệu đến đảng viên.

Sổ tay kịp thời hỗ trợ đảng viên nghiên cứu, học tập các văn bản, tài liệu của Trung ương, của cấp ủy cấp trên; giúp cấp ủy theo dõi sát đến từng đảng viên trong học tập, nghiên cứu các nghị quyết, chỉ thị, văn bản của Trung ương và của địa phương; từng bước thực hiện số hóa về nghiệp vụ công tác Đảng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên; tạo bước đột phá, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên.

Dù chưa đến lịch sinh hoạt chi bộ định kỳ, song đảng viên Nguyễn Vĩ Truyền, Chi bộ 10, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái đã có thể nghiên cứu các chỉ thị, nghị quyết sẽ được triển khai trong buổi sinh hoạt tới. Do có thời gian nghiên cứu trước, khi sinh hoạt, ông có thể phát biểu xây dựng ý kiến đúng trọng tâm, trọng điểm góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Điều này có được nhờ ứng dụng “Sổ tay đảng viên điện tử” được chi bộ triển khai từ tháng 3/2022.

Ông Nguyễn Vĩ Truyền cho biết, nhờ ứng dụng “Sổ tay đảng viên điện tử”, các đảng viên trong chi bộ sẽ có thời gian nghiên cứu trước nội dung buổi sinh hoạt từ đó chuẩn bị ý kiến đóng góp xác đáng, chất lượng.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái Hoàng Minh Tiến cho hay, thay vì trước đây phải in, sao chụp văn bản, tài liệu của đảng để chuyển theo cấp, từ cấp ủy cấp trên xuống cấp ủy cấp dưới, sau đó xuống các chi bộ nhằm phổ biến trong các buổi sinh hoạt, hiện nay, mỗi đảng viên đều có thể tiếp cận và nghiên cứu tài liệu để chuẩn bị ý kiến trước cho cuộc họp. Hiện phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử Yên Bái” còn triển khai đến phiên bản cho phép đảng viên có thể nghe giọng nói từ máy với những nghị quyết được phổ biến, tiện ích này hỗ trợ đảng viên cao tuổi sinh hoạt nơi cư trú, khi việc đọc trên máy điện thoại còn hạn chế.

Chi bộ thôn Khe Gầy thuộc Đảng bộ xã Tân Hương, huyện Yên Bình có 14 đảng viên, đã có 12 đảng viên đã sử dụng nền tảng "Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái” trong sinh hoạt chi bộ; hai đảng viên chưa sử dụng đều là cao tuổi, được miễn sinh hoạt, không sử dụng điện thoại thông minh.

Ứng dụng "Sổ tay đảng viên điện tử" nâng cao chất lượng công tác Đảng ảnh 3Đoàn viên phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái hướng dẫn các đảng viên cao tuổi sử dụng phần mềm "Sổ tay đảng viên điện tử". Ảnh: Việt Dũng - TTXVN


Bà Bùi Thị Lợi, Bí thư Chi bộ thôn Khe Gầy cho biết, các đảng viên trong Chi bộ cơ bản đều là người dân tộc thiểu số. Khi thực hiện sinh hoạt chi bộ trên nền tảng số, ban đầu, mọi người thấy khó khăn, ngại đổi mới. Qua tuyên truyền, hướng dẫn và trải nghiệm những tiện ích trên ứng dụng "Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái”, các đảng viên đều thấy việc sử dụng rất tiện lợi, sử dụng mọi lúc, mọi nơi mà không tốn thời gian, chi phí.

"Trước đây, mỗi lần có nghị quyết, chỉ thị mới của Đảng ủy cấp trên, đảng viên phải tập trung lại để cùng nhau học tập, nghiên cứu tại hội trường thôn hay trụ sở xã. Bây giờ, các nghị quyết, chỉ thị được cập nhật ngay và liên tục trên ứng dụng nên mọi người có thể học tập bất cứ lúc nào, ở bất kỳ đâu”, Bí thư Chi bộ Bùi Thị Lợi chia sẻ.

Đẩy mạnh “số hóa” công tác Đảng

Với quyết tâm từng bước "số hóa" công tác Đảng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động, nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Đề án số 11-ĐA/TU, ngày 28/10/2022 về sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái.

Thực hiện đề án, nhiều cấp ngành, địa phương đã đẩy mạnh triển khai phần mềm "Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái" và bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực.

Ứng dụng "Sổ tay đảng viên điện tử" nâng cao chất lượng công tác Đảng ảnh 4Ứng dụng "Sổ tay đảng viên điện tử" giúp các đảng viên có thời gian nghiên cứu trước tài liệu để chuẩn bị các ý kiến đóng góp xác đáng, chất lượng cho các buổi sinh hoạt Đảng. Ảnh: Việt Dũng - TTXVN


Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Yên Bình Nguyễn Dũng Giang, sau thời gian triển khai ứng dụng nền tảng số cho thấy, việc ứng dụng "Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái” vào sinh hoạt cấp ủy, chi bộ từng bước thực hiện số hóa về nghiệp vụ công tác Đảng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên theo chủ trương của tỉnh, của huyện.

Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy Yên Bái, Huyện ủy Yên Bình chỉ đạo triển khai nghiêm túc, quyết liệt và bài bản. Đồng thời thành lập tổ công nghệ để hỗ trợ các đảng bộ, chi bộ trực thuộc trong triển khai nền tảng "Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái” và cài đặt phần mềm số hóa nghiệp vụ công tác Đảng; nắm bắt khó khăn để phản ánh từ đó đề xuất giải pháp thực hiện. Việc số hóa nghiệp vụ công tác Đảng góp phần từng bước nâng cao chất lượng công tác đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên.

Tỉnh Yên Bái phấn đấu đến năm 2025, 100% tổ chức Đảng, 95% đảng viên trở lên trong toàn tỉnh được triển khai cài đặt, sử dụng ứng dụng nền tảng số "Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái", trong đó, các đảng viên là cán bộ, công chức, viên chức được cài đặt và sử dụng thành thạo; duy trì từ 90% đảng viên trở lên sử dụng hiệu quả ứng dụng, đảm bảo theo mục tiêu của Đề án 11.

Để thực hiện mục tiêu này, theo ông Hoàng Mạnh Hà, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái, Ban tham mưu giúp Tỉnh ủy tập trung vào 4 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm đó là: Tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền tới toàn thể đảng viên, nhân dân nhận thức được lợi ích tích cực từ việc sử dụng nền tảng số; thực hiện có hiệu quả phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái”, nhất là đảm bảo duy trì phần mềm hoạt động ổn định 24/7, đáp ứng nhu cầu sử dụng của đảng viên trong truy cập thường xuyên.

Đồng thời, tỉnh đảm bảo thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin, nhất là tại nhà văn hóa của thôn, bản, tổ dân phố; triển khai biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thông tin theo các quy định của pháp luật hiện hành nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn trước mọi nguy cơ mất an toàn thông tin mạng.

Có thể thấy, hiệu quả bước đầu trong thực hiện "số hóa” công tác Đảng góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ và nhận thức của đội ngũ đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh. Từ những tiện ích mang lại, nhiều ý kiến cho rằng cần tiếp tục nhân rộng việc thực hiện mô hình này trong toàn Đảng bộ tỉnh. Mô hình được thực hiện tạo bước đột phá, khẳng định quyết tâm của Yên Bái trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đối với hoạt động của các cơ quan Đảng, từng bước thực hiện số hóa nghiệp vụ công tác Đảng, để sổ tay đảng viên điện tử là kênh thông tin hữu ích, gần gũi của mọi đảng viên.

Việt Dũng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm