Tuyển sinh vào lớp 10 các trường tư thục, công lập tự chủ: Hà Nội tính giải pháp đăng ký trực tuyến để đảm bảo công bằng

Tuyển sinh vào lớp 10 các trường tư thục, công lập tự chủ: Hà Nội tính giải pháp đăng ký trực tuyến để đảm bảo công bằng

Ngay sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố điểm chuẩn lớp 10 Trung học Phổ thông năm học 2023-2024, nhiều phụ huynh có con không đỗ vào các trường công lập hoặc đỗ vào các trường không như mong muốn đã đổ xô đi mua hồ sơ, xếp hàng xuyên đêm để giành suất học cho con vào một số trường. Điều này đã gây bức xúc, mệt mỏi cho các gia đình. Nhiều phụ huynh cho rằng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cần có giải pháp hiệu quả trong những kỳ tuyển sinh tiếp theo.

Xếp hàng từ tối 4/7, vợ chồng anh Lê Quốc Tuấn (quận Đống Đa) quyết tâm bám trụ để giành bằng được suất học cho con vào Trường Trung học Phổ thông Hoàng Cầu. Anh Tuấn cho biết, anh được 1 người bạn truyền đạt kinh nghiệm này. "Khi tôi đến thì cổng trường có khoảng 50 phụ huynh xếp hàng. Sau khi ghi tên vào danh sách các phụ huynh tự lập ra, vợ chồng tôi thay phiên nhau ngồi trực, đồng thời cùng các phụ huynh khác kiểm soát chặt việc ghi danh sách để không có sự gian lận gì. Đến nửa đêm thì đã có hơn 100 phụ huynh đến xếp hàng và gần sáng thì ngày càng đông", anh Lê Quốc Tuấn chia sẻ.

Tình trạng trên cũng diễn ra tương tự tại một số Trường Trung học Phổ thông Phan Huy Chú - Đống Đa, Tạ Quang Bửu. Việc xếp hàng sớm, xuyên đêm không chỉ gây mệt mỏi cho các gia đình mà điều khiến họ bức xúc là dù con họ có số điểm cao hơn điểm chuẩn của nhà trường nhưng vẫn không trúng tuyển, bởi xếp hàng sau là hết số, nhà trường thông báo đã nhận đủ chỉ tiêu. "Không phải ai cũng có kinh nghiệm xếp hàng, nhất là những gia đình lần đầu có con thi vào lớp 10. Nếu cứ đúng theo thời gian nhà trường thông báo thì hết chỗ từ trước đó rồi", chị Nguyễn Bích Hạnh (quận Bắc Từ Liêm) cho biết.

Phương thức tuyển sinh thiếu khoa học này khiến phụ huynh phải chạy đôn chạy đáo khắp các trường tư thục với mong muốn tìm một chỗ học cho con. Từ đó đã xuất hiện tình trạng điểm chuẩn của một số trường "nhảy múa" như chơi chứng khoán.

Chị Nguyễn Cảnh Kỳ (quận Long Biên) buồn bã, con gái chị không đỗ nguyện vọng công lập nên gia đình tìm 1 trường dân lập. Khi chị đến xếp hàng nộp hồ sơ cho con vào Trường Trung học Phổ thông Lê Văn Thiêm, điểm chuẩn của trường là 34. Chờ đợi vài tiếng đồng hồ, lúc gần đến lượt thì trường thông báo tăng điểm chuẩn lên 37. Không đủ điểm đỗ, chị quay sang xếp hàng ở trường khác nhưng không kịp.

Trước tình trạng trên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho hay Sở đã tính đến các phương thức tuyển sinh phù hợp, khoa học hơn trong năm tới. Theo ông Trần Thế Cương, Hà Nội không thiếu chỗ học, có thể đáp ứng 100% nguyện vọng học tập của học sinh muốn học Trung học Phổ thông. Tuy nhiên, một số trường có uy tín, đào tạo tốt nên phụ huynh mong muốn con được học ở đó. Hiện các trường công lập tự chủ, trường tư thục được quyền tự chủ phương thức tuyển sinh phù hợp với mục tiêu của nhà trường nên Sở không thể áp đặt. Tuy nhiên, Sở sẽ yêu cầu các trường đảm bảo công bằng trong tuyển sinh. Thời gian tới, Sở sẽ tính đến phương án triển khai tuyển sinh trực tuyến để góp phần giảm vất vả cho phụ huynh.

Về ý kiến của nhiều phụ huynh cho rằng Hà Nội cần xây thêm trường học, nhất là ở khu vực các quận nội thành, quận đang phát triển có dân số đông, ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, Sở đã và đang tham mưu với thành phố nhiều giải pháp để bảo đảm quyền lợi học tập cho học sinh, đồng thời thực hiện nghiêm túc kế hoạch phân luồng sau khi tốt nghiệp Trung học Cơ sở. Nếu có nguyện vọng, học sinh có thể lựa chọn học lớp 10 tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đây là lựa chọn phù hợp cho các học sinh mong muốn sớm thành thạo một nghề bên cạnh học văn hóa. Những năm qua, số lượng học sinh tham gia học nghề đều tăng. Năm học 2020-2021, có hơn 15.000 em học nghề; năm học 2022-2023, số học sinh tham gia học nghề tăng hơn 2.000 em so với năm trước đó.

Bên cạnh đó, những năm gần đây, công tác xây dựng trường lớp trên địa bàn thành phố cũng được quan tâm. Riêng ở cấp Trung học Phổ thông, trong 5 năm gần đây đã xây mới thêm 10 trường công lập. Thời gian tới, Hà Nội đầu tư hơn 25.000 tỷ đồng để cải tạo và xây thêm nhiều trường học. Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu với thành phố xây dựng quy hoạch mạng lưới trường học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm từ 3 đến 5 vạn dân có 1 trường Trung học Phổ thông.

Nguyễn Cúc

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm