Bước vào mùa tuyển sinh đại học năm 2023, các cơ sở đào tạo đang "rục rịch" công bố phương án xét tuyển cũng như bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký với các phương thức xét tuyển sớm. Đây là thời điểm, các thí sinh cần tìm hiểu kỹ quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như phương án tuyển sinh của các trường để xây dựng lộ trình đăng ký xét tuyển của bản thân vào các trường đại học cho phù hợp.
Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, công tác tuyển sinh năm 2023 về cơ bản sẽ giữ ổn định như năm 2022. Bộ Giáo dục và Đào tạo không ban hành quy chế tuyển sinh mới nhưng sẽ có một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật, giao diện… trên phần mềm của Hệ thống tuyển sinh chung. Qua đó, nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh của các cơ sở đào tạo và thí sinh trong quá trình xét tuyển; hạn chế tối đa nhầm lẫn.
Tuy nhiên, điểm mới đáng lưu ý đã được quy định trong Quy chế tuyển sinh năm 2022 nhưng bắt đầu áp dụng từ năm 2023 là về chính sách ưu tiên.
Cụ thể, từ năm 2023, thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp Trung học Phổ thông (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp. Đồng thời, điểm ưu tiên đối với thí sinh sẽ giảm dần khi thí sinh đạt tổng điểm ba môn thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông ở mức 22,5 điểm trở lên.
Nếu thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm ba môn tối đa là 30), mức điểm ưu tiên mà thí sinh được hưởng được tính theo công thức sau: Điểm ưu tiên = [(30 - tổng điểm đạt được)/7,5] x mức điểm ưu tiên theo quy định của quy chế.
Với công thức trên, một học sinh khu vực 1 đạt 22,5 điểm trở xuống được cộng 0,75 điểm ưu tiên khu vực. Nhưng nếu thí sinh đó đạt 27 điểm thì điểm ưu tiên chỉ còn 0,3 và đạt 29 điểm chỉ còn 0,1 điểm ưu tiên khu vực. Khi điểm thi là 30, điểm ưu tiên bằng 0.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, phân tích dữ liệu điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông trong 3 năm gần đây nhận thấy có sự bất hợp lý: Các thí sinh đạt từ 22,5 điểm trở lên của nhóm được ưu tiên tăng vọt so với nhóm thí sinh không thuộc diện ưu tiên. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu công bằng khi thí sinh tiếp cận, ứng tuyển vào các ngành, trường có mức độ cạnh tranh cao.
Những điều chỉnh mới nhằm bảo đảm công bằng giữa các thí sinh trong tuyển sinh. Các thí sinh sẽ được xét tuyển công bằng, xét tuyển đúng với thực lực, thế mạnh, năng lực của bản thân, đặc biệt là khi đăng ký xét tuyển vào các cơ sở đào tạo có mức độ cạnh tranh cao, cần nguồn tuyển đầu vào có chất lượng tốt.
Điều chỉnh này áp dụng với tất cả các phương thức xét tuyển. Do đó, khi tính điểm ưu tiên cho thí sinh, các trường cần quy đổi ra thang điểm tương đương để xác định mức điểm ưu tiên phù hợp.
Hiện nay, một số trường đại học bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển theo phương thức xét học bạ Trung học Phổ thông, xét tuyển riêng và có thể công bố kết quả xét tuyển sớm, trước khi có kết quả thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông. Tuy nhiên, theo quy chế tuyển sinh, thí sinh trúng tuyển theo các phương thức xét tuyển sớm vẫn phải đăng ký xét tuyển lại trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo thời gian quy định, sau khi có kết quả thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông.
Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến cáo các trường đại học không nên đưa ra quá nhiều phương thức xét tuyển phức tạp ở kỳ tuyển sinh năm 2023. Bởi theo thống kê của Bộ, trong hơn 20 phương thức xét tuyển đại học đang được các trường áp dụng, nhiều phương thức không hiệu quả, thậm chí gây mất công bằng. Do đó, các trường hết sức cân nhắc trong việc lựa chọn phương thức xét tuyển, đảm bảo hiệu quả, tin cậy, công bằng giữa các thí sinh.
Việt Hà