Tuyên Quang xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số

Tuyên Quang xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số

Tỉnh Tuyên Quang đang đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Tuyên Quang xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số ảnh 1Người dân tới giao dịch tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Quang Cường – TTXVN

Theo đó, trong giai đoạn 2021-2025, Tuyên Quang tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thành đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ không theo địa giới hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Tỉnh tập trung đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đảm bảo ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ các cơ nhà nước hướng tới hình thành tầng số cho Chính quyền điện tử, Chính quyền số; xây dựng kho dữ liệu để lưu trữ dữ liệu điện tử của các công dân khi thực hiện các giao dịch trực tuyến với các cơ quan nhà nước trên Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử.

Cùng với đó, tỉnh Tuyên Quang tổ chức chuẩn hóa cấu trúc, hệ thống hóa mã định danh, thực hiện số hóa dữ liệu và cung cấp danh mục dữ liệu đã được số hóa theo quy định để tổ chức tích hợp, chia sẻ giữa các hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước bảo đảm dữ liệu được thu thập một lần; hoàn thiện hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến kết nối số thông suốt 3 cấp tỉnh, huyện, xã phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành. Tỉnh sử dụng hiệu quả Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành đảm bảo kết nối liên thông thông suốt để thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử tới các cơ quan, đơn vị, các cơ quan ngành dọc, hoàn thiện Hệ thống thông tin báo cáo tỉnh Tuyên Quang đảm bảo kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; xây dựng, phát triển nền tảng ứng dụng trên thiết bị di động hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ, tiện ích trong Chính quyền điện tử, Chính quyền số...

Ngoài ra, tỉnh Tuyên Quang khuyến khích, các doanh nghiệp viễn thông xây dựng, phát triển hạ tầng mạng lưới, cung cấp dịch vụ mạng di động 4G/5G, đường truyền Internet tốc độ cao để thúc đẩy, tăng tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh của người dân; đẩy mạnh thanh toán điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thanh toán không tiền mặt trên địa bàn tỉnh. Tỉnh xây dựng các cơ sở dữ liệu và các ứng dụng hệ thống tập trung của ngành y tế, phát triển nền tảng hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa, giúp giảm tải các cơ sở y tế, hạn chế tiếp xúc đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo; sử dụng thanh toán điện tử, hồ sơ bệnh án điện tử, tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, hình thành bệnh viện thông minh. Thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác quản lý để có các chính sách, điều hành kịp thời phát triển nông nghiệp như dự báo, cảnh báo thị trường, quản lý quy hoạch...

Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2025: 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được cấp định danh và xác thực điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thông tin của các cấp chính quyền từ cấp tỉnh đến cấp xã; 100% cơ quan nhà nước cấp tỉnh tham gia mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; 100% cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ 24/7, sẵn sàng phục vụ trực tuyến bất cứ khi nào người dân và doanh nghiệp cần; 100% công chức được gắn định danh số trong xử lý công việc…

Định hướng đến năm 2030: 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 90% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 70% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật); 70% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý…

Trong những năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã quyết liệt chỉ đạo công tác cải cách hành chính và đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. Nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người dân, tổ chức về cải cách hành chính được nâng lên. Năm 2020, chỉ số cải cách hành chính (Par Index) tỉnh Tuyên Quang đạt 83,81%, tăng 0,99% so với năm 2019 và tăng 14,91% so với năm 2012 là năm đầu tiên thực hiện chấm điểm công tác cải cách hành chính (xếp thứ 35/63 tỉnh, thành phố, tăng 20 bậc so với năm 2012); chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (Sipas) năm 2020 đạt 82,25%, tăng 20,73% so với năm 2014.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cải cách hành chính của tỉnh Tuyên Quang vẫn còn một số hạn chế, như: Việc triển khai tiếp nhận, giải quyết tủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 còn hạn chế, chưa thu hút được rộng rãi người dân, tổ chức tham gia sử dụng dịch vụ; việc xây dựng Chính quyền điện tử còn chưa đồng bộ giữa các cơ quan, đơn vị; kết nối, liên thông giữa các phần mềm quản lý chuyên ngành của các cơ quan, đơn vị còn khó khăn...

Vũ Quang Đán

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm