Nghề dệt thổ cẩm ở Hàm Yên góp phần tăng thu nhập cho lao động ở địa phương. Nguồn ảnh: tuyenquangtv.vn |
Chị Lục Thị Bình, chủ cơ sở dệt thổ cẩm Mạnh Bình, tổ dân phố Tân An, thị trấn Tân Yên chia sẻ, trước đây gia đình chị ở xã Tân Thành (huyện Hàm Yên) có đông người Dao sinh sống. "Tôi thấy những chị em phụ nữ người Dao rất vất vả trong việc làm trang phục truyền thống của dân tộc mình, ban ngày đi làm việc đồng áng, buổi tối lại phải tranh thủ dệt vải để may trang phục. Vì làm hoàn toàn theo phương pháp thủ công nên mất rất nhiều thời gian, nhiều người đã bỏ nghề dệt thổ cẩm. Do đó, năm 1995, hai vợ chồng tôi quyết định đi học cách dệt thổ cẩm và học cách cải tiến khung dệt truyền thống để có thể dệt được nhanh hơn. Sau 2 năm đi học hỏi, năm 1997, vợ chồng tôi trở về Tân Thành và bắt đầu dệt thổ cẩm từ đó. Sau một thời gian, gia đình tôi chuyển ra ở thị trấn, đến 2007 mở cơ sở dệt thổ cẩm Mạnh Bình".
Để dệt được nhanh hơn, vợ chồng chị Bình đã nghiên cứu cải tiến con thoi trên khung dệt truyền thống thành con thoi tự động, thay thế cho việc người dệt phải dùng tay luồn con thoi từ đầu khung bên này sang đầu khung bên kia như trước đây. Sau khi mở cơ sở dệt, vợ chồng chị Bình còn nghiên cứu, lắp đặt thêm mô tơ điện vào khung dệt, giúp việc dệt thổ cẩm trở nên dễ dàng hơn. Thấy việc dệt bằng khung dệt cải tiến nhanh chóng, thuận tiện nên nhiều người đã tìm đến cơ sở dệt của gia đình chị Bình học hỏi, để vừa dệt thổ cẩm may trang phục truyền thống cho bản thân, vừa dệt để bán.
Hiện nay, cơ sở dệt của gia đình chị Bình đang tạo việc làm cho từ 10 - 15 lao động tại địa phương, trong đó, chủ yếu là người dân tộc thiểu số như người Tày, người Dao, người Mông, với mức lương trung bình từ 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, vợ chồng chị còn hướng dẫn cách dệt thổ cẩm bằng khung dệt cải tiến cho người dân một số xã trên địa bàn huyện Hàm Yên và bao tiêu sản phẩm cho người dân. Các sản phẩm chủ yếu của cơ sở dệt hiện nay gồm: yếm thêu của người Dao Quần Trắng; váy, yếm, mũ, khăn, quấn chân của người Mông… Ngoài ra, cơ sở dệt của gia đình chị Bình cũng sản xuất trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số khác tùy theo đơn hàng. Hiện, các sản phẩm thổ cẩm do cơ sở sản xuất đang được bày bán tại các khu du lịch, chợ phiên các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang và một số tỉnh khác: Hà Giang, Yên Bái, Cao Bằng, Thái Nguyên… đồng thời xuất khẩu sang Đài Loan (Trung Quốc).
Chị Triệu Thị Lan, dân tộc Dao, thị trấn Tân Yên, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) đã làm ở cơ sở dệt Mạnh Bình được 5 năm. Tại đây, chị được học cách dệt thổ cẩm để may trang phục truyền thống của người Dao, người Mông… Không chỉ có thu nhập ổn định, nghề dệt thổ cẩm còn giúp chị giữ gìn được nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. "Tôi rất mong sau này sẽ có thêm nhiều chị em phụ nữ người dân tộc thiểu số như tôi học dệt thổ cẩm để sử dụng, làm hàng hóa, qua đó có thêm thu nhập, góp phần giữ gìn nét văn hóa dân tộc", chị Lan bày tỏ.
Cũng làm việc ở cơ sở dệt thổ cẩm Mạnh Bình, chị Tống Thị Liên, tổ dân phố Sống Đôi, thị trấn Tân Yên (Hàm Yên) cho biết đã làm ở cơ sở dệt Mạnh Bình được 4 năm. "Trước đây, không có việc làm ổn định, tôi thường đi làm thuê, làm mướn khắp nơi, thu nhập không đáng là bao. Từ khi làm ở cơ sở dệt, tôi đã có thu nhập ổn định hơn, cuộc sống đã bớt khó khăn hơn trước…".
Ông Vũ Ngọc Lâm, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) thông tin, hiện nay, một số xã trên địa bàn huyện như: Minh Hương, Hùng Đức, Tân Thành, Yên Phú, thị trấn Tân Yên… người dân vẫn giữ gìn và phát triển được nghề dệt thổ cẩm, nhiều cơ sở dệt thổ cẩm đã được hình thành, trong đó, điển hình là cơ sở dệt thổ cẩm Mạnh Bình ở thị trấn Tân Yên. Với việc hướng dẫn cách dệt, cung cấp nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm thổ cẩm cho các hộ dân trên địa bàn huyện, cơ sở dệt Mạnh Bình đã giúp tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn trên địa bàn huyện, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, giúp người dân nâng cao thu nhập, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Ông Lâm cũng cho biết thêm: Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Phòng Văn hóa và Thông tin sẽ tiếp tục phối hợp với các phòng liên quan tham mưu cho UBND huyện thực hiện: Đẩy mạnh liên kết với các cơ sở dệt tư nhân để mở các lớp tập huấn, hướng dẫn thêu, dệt phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu; đầu tư, hỗ trợ máy dệt cho các hộ gia đình ở các xã; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đồng thời, Phòng cũng có kế hoạch lựa chọn, mở thêm cơ sở dệt ở một số xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sống tập trung; mở các điểm trưng bày, bán hàng lưu niệm bằng các sản phẩm thổ cẩm và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ nhằm phát triển hơn nữa nghề dệt thổ cẩm, làm ra các sản phẩm chất lượng cao phục vụ phát triển du lịch, làm giàu bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trong huyện Hàm Yên.
Vũ Quang Đán