Đường nội đồng ở xã Sơn Nam, huyện Sơn Dương được bê tông hóa. Ảnh Quang Đán - TTXVN |
Đổi thay toàn diện
Xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn - một trong những xã điểm của tỉnh Tuyên Quang thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao. Ông Đỗ Văn Dậu, Chủ tịch UBND xã Mỹ Bằng cho biết: Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014, xã vận động người dân tiếp tục duy trì và nâng cao các tiêu chí đã đạt được. Đặc biệt, năm 2019, xã được chọn là xã điểm của tỉnh thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao. Vì vậy, ngay từ đầu năm, xã đã xây dựng kế hoạch chi tiết, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong xây dựng nông thôn mới… Đối chiếu những kết quả đã đạt được so với các chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới nâng cao, Mỹ Bằng còn thiếu một số chỉ tiêu trong 5 tiêu chí bao gồm: Quy hoạch; giao thông; thu nhập; giáo dục, đào tạo; môi trường và an toàn thực phẩm. Do đó, xã đã xây dựng quy hoạch bổ sung, trong đó tập trung vào các lĩnh vực phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương: Quy hoạch bãi rác; mở rộng trường mầm non; quy hoạch thôn mẫu… Đồng thời, xã vận động người dân tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông, lâm, nghiệp, chăn nuôi… để nâng cao thu nhập; thực hiện chương trình “vệ sinh toàn xã” nhằm giúp người dân nâng cao ý thức trong công tác vệ sinh môi trường…
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, sự hưởng ứng tích cực của người dân… đến nay, xã Mỹ Bằng có 98% số hộ dân có nhà ở kiên cố. Trên 90% số hộ dân có 3 công trình vệ sinh đạt theo tiêu chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 8% năm 2014 đến nay giảm xuống còn 4%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 30,6 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 50%... Đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong xã ngày càng được nâng cao.
Chị Nguyễn Ngọc Thúy, thôn Quyết Thắng, xã Mỹ Bằng chia sẻ: Từ khi xã đạt chuẩn nông thôn mới, cuộc sống của người dân trong xã đã được nâng lên nhiều. Các tuyến đường thôn, xóm được bê tông hóa giúp việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân rất thuận lợi. Các thôn đều có nhà văn hóa gắn với sân thể thao khang trang giúp người dân có nơi hội, họp, tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Đặc biệt, việc đẩy mạnh liên kết trong phát triển cây trồng chủ lực (cây chè) đã giúp người dân nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững… Qua đó, tạo nền tảng vững chắc để nhân dân tiếp tục đóng góp sức người, sức của giúp thôn, xã thực hiện mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào cuối năm nay.
Song song với các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội…, những kết đạt được trong xây dựng nông thôn mới ở Tuyên Quang còn là sự thay đổi trong nhận thức của người dân. Ông Âu Văn Tá, Chủ tịch UBND xã Đông Thọ, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) cho biết: Xã Đông Thọ hiện có trên 2.200 hộ dân. Kinh tế chủ yếu của người dân là sản xuất nông nghiệp (chiếm 80%). Hạ tầng kinh tế của xã còn hạn chế, đặc biệt là tuyến đường giao thông chưa hoàn thiện, xuống cấp dẫn đến việc đi lại, giao thương hàng hóa… của người dân gặp nhiều khó khăn. Năm 2017, huyện Sơn Dương có phương án sửa chữa, nâng cấp tuyến đường ĐH 21 đoạn qua xã Đông Thọ (chiều dài 4,3km), với chủ trương “Nhà nước hỗ trợ nhân dân làm”, không có kinh phí hỗ trợ đền bù. Thực hiện chủ trương này, xã đã kêu gọi, vận động người dân hiến đất để mở rộng tuyến đường. Qua tuyên truyền, vận động, gần 200 hộ dân trong xã đã tự nguyện hiến trên 17.000 mét vuông đất, tháo dỡ tường rào, vật kiến trúc trên đất để mở rộng mặt đường.
Thu hoạch chè tại xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn. Ảnh Quang Đán - TTXVN |
Nhờ có sự chung tay đóng góp của người dân, sau hơn 1 năm triển khai, đến nay, xã đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 2,8 km đường giao thông. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, tạo động lực giúp xã thực hiện xây dựng nông thôn mới. Hiện xã Đông Thọ đã đạt 11/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
Nỗ lực hoàn thành mục tiêu
Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang cho biết: Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Tuyên Quang đã rà soát hiện trạng nông thôn, thành lập Ban Chỉ đạo các cấp về xây dựng nông thôn mới; phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2012-2020, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, tỉnh phát động các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới tại các địa phương, đơn vị, đoàn thể . Bên cạnh đó, tỉnh cụ thể hóa bộ tiêu chí quốc gia trong xây dựng nông thôn mới. Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện chương trình theo các mục tiêu đề ra, trong đó tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân nông thôn về chủ trương, định hướng và chính sách trong xây dựng nông thôn mới. Tỉnh triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, phát triển sản xuất hàng hóa, môi trường, giáo dục theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”…
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là sự ủng hộ mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân, sau 10 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, đến nay, tỉnh Tuyên Quang có 30/129 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân đạt 13,4 tiêu chí/xã. Những kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn toàn tỉnh Tuyên Quang. Đời sống của người dân từng bước được nâng cao, góp phần củng cố thêm niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước...
Tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2011-2019 là trên 14.729 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 1.300 tỷ đồng, chiếm trên 8,6%.
Người dân xã Sơn Phú, huyện Na Hang lắp đặt kênh mương bằng bê tông đúc sẵn. Ảnh Quang Đán - TTXVN |
Chia sẻ về những bài học kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới ở Tuyên Quang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Việt cho biết thêm: Để thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy đảng, chính quyền, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân; thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình xây dựng nông thôn mới và xác định được trách nhiệm “chủ thể” của người dân. Cùng với đó, gia đình cán bộ, đảng viên, đoàn viên phải gương mẫu thực hiện trước, chủ động trong thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu xã nông thôn mới, đặc biệt là việc thực hiện tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm. Việc huy động nguồn lực của cộng đồng, người dân trong xây dựng nông thôn mới phải đảm bảo công bằng, công khai, dân chủ, tự nguyện, phù hợp với khả năng đóng góp của nhân dân; thường xuyên kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương…
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong toàn tỉnh về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tỉnh đẩy mạnh thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ để hoàn thành các mục tiêu: Kiên cố hóa kênh mương, xây dựng nhà văn hóa gắn với sân thể thao thôn; khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, hợp tác xã; hỗ trợ sản xuất hàng hóa…; thực hiện các giải pháp giảm nghèo gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Đồng thời, Tuyên Quang tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của tổ chức Đảng trong lãnh đạo xây dựng nông thôn mới; tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Phong trào thi đua “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới”; thường xuyên nắm bắt, phát hiện những cách làm hay, mô hình tốt để phổ biến, nhân rộng; làm tốt công tác khen thưởng để kịp thời động viên các tổ chức cá nhân có nhiều đóng góp cho Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh…
Tỉnh Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2020, có thêm 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới (nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 41/129 xã); có ít nhất 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; số tiêu chí bình quân đạt 15 tiêu chí/xã.
Vũ Quang Đán