Từ trường hợp thôn Làng Nủ: Các nhà khoa học đề xuất giải pháp phòng tránh sạt lở đất

Yếu tố địa hình, độ dốc, địa chất, ảnh hưởng biến đổi khí hậu với những đợt mưa lớn sau bão là nguyên nhân kích hoạt lũ quét, sạt lở tại thôn Làng Nủ (Lào Cai) cũng như các tỉnh vùng núi. Đây là một trong những nội dung được các nhà khoa học đề cập tại Tọa đàm khoa học "Thảm họa Làng Nủ - Nguyên nhân và giải pháp phòng tránh" do Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 2/10, tại Hà Nội.

vna_potal_hoi_thao_khoa_hoc_tham_hoa_lang_nu_-_nguyen_nhan_va_giai_phap_phong_tranh_7628699.jpg
Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Minh Đức, Trưởng bộ môn Địa kỹ thuật và Phát triển hạ tầng, Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu. Ảnh: Diệu Thúy - TTXVN

Nguyên nhân gây nên "thảm họa Làng Nủ" là lũ bùn đá

Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Minh Đức, Trưởng bộ môn Địa kỹ thuật và Phát triển hạ tầng, Khoa Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, hơn 3 tuần sau bão Yagi và hoàn lưu bão gây mưa lũ, sạt lở đất khiến nhiều địa phương các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại nặng nề, trong đó Lào Cai là tỉnh bị tàn phá nặng nề nhất (118 người chết và 50 người mất tích). Riêng trận sạt lở, lũ quét tại thôn Làng Nủ, huyện Bảo Yên vào sáng 10/9 vùi lấp toàn bộ 37 hộ dân với 158 nhân khẩu tại đây. Đến nay, số người thiệt mạng ghi nhận là 58 người, còn 9 người mất tích.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Châu Lân, Phó trưởng Bộ môn địa kỹ thuật, Khoa Công trình, Trường Đại học Giao thông Vận tải, nhóm nghiên cứu của trường đã có chuyến đi thực địa tại thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai), bước đầu xác định nguyên nhân gây nên thảm họa Làng Nủ là lũ bùn đá.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Châu Lân phân tích, trận lũ sáng 10/9 tại thôn Làng Nủ có vị trí phát sinh trượt lở là núi Con Voi. Các vật liệu tạo dòng chảy chủ yếu là gneiss biotit, đá phiến thạch anh biotit, thấu kính đá hoa. Vùng phát sinh trượt trên đỉnh núi Con Voi có cao độ 774 m, vùng ảnh hưởng dưới cùng (thôn Làng Nủ, là vùng lắng đọng bùn đá) có cao độ 160 - 200 m. Chiều dài dòng lũ bùn đá (từ đỉnh núi Con Voi xuống thôn Làng Nủ) là 3,6 km; diện tích ảnh hưởng của dòng lũ bùn đá là khoảng 38 ha. Phó Giáo sư Nguyễn Châu Lân nhận định, tại khu vực xã Bảo Khánh, lượng mưa tích lũy ngày 9/9 là 500 mm, như vậy, nhiều khả năng ở khu vực đỉnh núi Con Voi đã phát sinh trượt lở ban đầu từ ngày 9/9.

“Vị trí thôn Làng Nủ là vị trí đứt gãy địa chất. Đây là vị trí nguy hiểm khi có tai biến địa chất xảy ra, vì vậy, chính quyền cần khuyến cáo người dân không làm nhà ở các vị trí này”, Phó Giáo sư Nguyễn Châu Lân nhận định.

vna_potal_hoi_thao_khoa_hoc_tham_hoa_lang_nu_-_nguyen_nhan_va_giai_phap_phong_tranh_7628697.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Châu Lân, Phó trưởng Bộ môn địa kỹ thuật, Khoa Công trình, Trường Đại học Giao thông Vận tải phân tích nguyên nhân thảm họa Làng Nủ. Ảnh: Diệu Thúy - TTXVN

Các cơ quan chức năng cần kịp thời ứng phó

Hiện tại, các tỉnh miền núi như Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái… đã xuất hiện nhiều vết nứt địa chất, tuy vậy, hiện vẫn đủ thời gian để các cơ quan chức năng kịp thời ứng phó. Nhằm phòng tránh thảm họa tương tự, các nhà khoa học khuyến cáo người dân tránh xây dựng nhà ở gần bờ suối và các khu vực có nguy cơ sạt lở. Một trong những giải pháp trước mắt là che phủ các vết nứt bằng vải bạt, kết hợp với hệ thống dẫn và thoát nước ngang, nhằm ngăn nước thấm sâu vào lòng đất, hạn chế nguy cơ sạt lở. “Đây là biện pháp đơn giản mà các địa phương có thể nhanh chóng triển khai, sau đó sử dụng các phương án kỹ thuật khác để xử lý vết nứt”, Phó Giáo sư Nguyễn Châu Lân chia sẻ.

Để phát hiện sớm và phòng tránh ẩn họa tương tự Làng Nủ ở các khu vực miền núi Việt Nam, Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Minh Đức cùng nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số giải pháp cụ thể. Về giải pháp trước mắt, các bộ, ngành và đơn vị liên quan cần xây dựng bộ cơ sở dữ liệu, thành lập hệ thống bản đồ các tỷ lệ, từ đó khoanh định được các khu vực có rủi ro cao; xây dựng bản đồ rủi ro và các kịch bản ứng phó phục vụ quản lý, kiểm soát rủi ro, đảm bảo an toàn với thiên tai trên các vùng đất dốc….

Về giải pháp trung hạn, các bộ, ngành và đơn vị cần ưu tiên đảm bảo an toàn các khu vực tập trung dân cư; kiểm soát được tác động tiêu cực của nước mưa và nước mặt: Thu thoát nước mưa, nước mặt để giảm tải tác động nhân sinh lên đất dốc, trong một số trường hợp cần có cả thoát nước ngầm.

vna_potal_hoi_thao_khoa_hoc_tham_hoa_lang_nu_-_nguyen_nhan_va_giai_phap_phong_tranh_7628700.jpg
Các chuyên gia địa chất đề xuất các giải pháp phòng tránh sạt lở đất vùng núi. Ảnh: Diệu Thúy - TTXVN

Nhiều chuyên gia địa chất đề xuất, trước mỗi mùa mưa bão, các cơ quan chuyên môn cần làm khảo sát, đánh giá khả năng lũ quét tại khu vực mình đang ở và có kế hoạch chuẩn bị diễn tập, sơ tán khi cần thiết. Đặc biệt, sau khi tái định cư cho dân, chính quyền địa phương cần đánh giá khả năng tiếp tục bị sạt lở ở khu vực này để đưa ra phương án sử dụng đất phù hợp; cần có các chương trình bảo vệ môi trường, dự báo, kế hoạch diễn tập để giúp người dân ứng phó nhanh với các sự số thiên tai có thể sớm xảy ra.

Diệu Thúy

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm