Từ tháng 4-9/2024, đề phòng các hình thái thời tiết nguy hiểm

Nhận định về các hình thái thời tiết từ tháng 4-9/2024, Trưởng Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho biết, từ tháng 4-6/2024, hiện tượng El Nino sẽ suy yếu dần và chuyển sang trạng thái trung tính với xác suất 75-80%. Bão và áp thấp nhiệt đới ít có khả năng xuất hiện trên Biển Đông. Từ tháng 7-9/2024, dự báo ENSO (hai hiện tượng El Nino và La Nina và có liên quan với dao động của khí áp giữa 2 bờ phía Đông Thái Bình Dương với phía Tây Thái Bình Dương - Đông Ấn Độ Dương) có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina (hiện tượng lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và đông Thái Bình Dương lạnh đi dị thường) với xác suất 55-65%.

vna_potal_cao_bang_mua_lon_cuc_bo_gay_lu_sat_lo_dat_6894922.jpeg
Sạt lở khiến đất đá tràn vào Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: TTXVN phát

Theo Trưởng phòng Nguyễn Văn Hưởng, từ tháng 4/2024, không khí lạnh hoạt động yếu và ít có khả năng xuất hiện rét đậm, rét hại. Mưa nhỏ, mưa phùn cũng giảm dần và chỉ xảy ra ít ngày ở vùng ven biển phía Đông Bắc Bộ. Tuy nhiên, trên phạm vi cả nước có khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh, đặc biệt trong các đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến nước ta trong thời kỳ chuyển mùa là tháng 4 và tháng 5/2024.

Từ tháng 4 đến tháng 5/2024, nhiệt độ trung bình trên phạm vi toàn quốc phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 1-2 độ C, có nơi cao hơn. Tháng 6/2024 cao hơn từ 0,5-1,5 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Đề cập đến tình hình nắng nóng, ông Nguyễn Văn Hưởng cho rằng, tại khu vực Tây Bắc Bắc Bộ và Trung Bộ nắng nóng đã xảy ra sớm. Trong nửa cuối tháng 3, nắng nóng xuất hiện ở khu vực phía Tây Bắc Bộ, vùng núi phía Tây thuộc Bắc Trung Bộ. Sau đó, nắng nóng gia tăng về cường độ và mở rộng dần sang các nơi khác của khu vực Bắc Bộ.

Từ tháng 4-6/2024, nắng nóng diễn ra ở khu vực Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ; Nam Bộ, nắng nóng tiếp tục duy trì trên khu vực miền Đông và sẽ mở rộng dần sang khu vực miền Tây; khu vực Trung Bộ khả năng xuất hiện khô hạn kéo dài trong thời kỳ này. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ tình trạng khô hạn còn tiếp diễn trong tháng 4/2024.

Tổng lượng mưa tại khu vực Bắc Bộ phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế tổng lượng mưa phổ biến thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 15-30mm. Các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng-Bình Thuận thiếu hụt từ 20-40mm. Sang tháng 5/2024, tổng lượng mưa tại khu vực Trung Bộ thiếu hụt từ 10-30%.

Tháng 4/2024, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có tổng lượng mưa thấp hơn từ 30-60mm so với trung bình nhiều năm. Tháng 5/2024, thiếu hụt so với trung bình nhiều năm khoảng từ 15-30%. Tháng 6/2024, phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Thông tin về các hiện tượng khí tượng thủy văn từ tháng 7-9/2024, ông Nguyễn Văn Hưởng cho rằng, trong khoảng thời gian trên, bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng xuất hiện khoảng từ 4-6 cơn trên Biển Đông và khoảng 1-2 cơn ảnh hưởng đến đất liền nước ta

Nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm khoảng từ 0,5-1 độ C. Hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt ở Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm trong tháng 7-8/2024, đề phòng xảy ra nắng nóng đặc biệt gay gắt. Nắng nóng có xu hướng giảm dần từ nửa cuối tháng 8 ở Bắc Bộ và từ tháng 9 ở khu vực Trung Bộ. Khu vực Trung Bộ khả năng khô hạn duy trì trong tháng 7-8/2024.

Trước các hình thái thời tiết nguy hiểm trên, ông Nguyễn Văn Hưởng khuyến cáo, hiện tượng nắng nóng gia tăng sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như mọi hoạt động ngoài trời. Đặc biệt sang tháng 5-6/2024, mức độ nắng nóng có thể gia tăng gay gắt hơn. Mưa lớn, dông, lốc, mưa đá trong giai đoạn chuyển mùa có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của cộng đồng ở các khu vực chịu tác động. Ngoài ra, bão, áp thấp nhiệt đới và gió mùa Tây Nam có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động trên Biển Đông.

Để chủ động ứng phó, người dân cần phải thường xuyên theo dõi thông tin dự báo, cảnh báo trên Website của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia tại địa chỉ nchmf.gov.vn, các Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, thành phố, khu vực và cập nhật thường xuyên thông tin dự báo khí tượng thủy văn mới nhất trên các phương tiện truyền thông đại chúng chính thống của Trung ương và địa phương.

Thắng Trung

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm