Nhân kỷ niệm 45 năm thống nhất đất nước:

Tự hào Thông tấn xã Giải phóng Trung Trung Bộ (Bài 2)

Tự hào Thông tấn xã Giải phóng Trung Trung Bộ (Bài 2)

Bài 2: Nhịp cầu nối những niềm vui

Nhắc đến Thông tấn xã Giải phóng, không thể không nhắc tới những người làm nhiệm vụ truyền tải thông tin "nóng hổi" từ chiến trường về Tổng xã. Họ là những điện báo viên – kỹ thuật viên, những người ngày đêm cần mẫn, tỉ mỉ truyền từng ký tự, là “nhịp cầu nối những niềm vui” từ các chiến trường đi khắp đất nước.

Những tháng ngày ở đài Minh Ngữ

Bộ phận thu phát chữ của Thông tấn xã Giải phóng được gọi là đài Minh Ngữ (chữ bình thường), phân biệt với đài Mật Ngữ (chữ mật mã). Đài Minh Ngữ khu vực Trung Trung Bộ được đặt tại Khu ủy V, có nhiệm vụ thu tin tức do các phóng viên khu vực Trung Trung Bộ gửi về, sau đó xử lý và phát ra Tổng xã ở Hà Nội.

Năm 1972, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Vô tuyến điện tại Hungary, thanh niên trẻ Đào Duy Căn được nhận về công tác tại Việt Nam Thông tấn xã tại Hà Nội. Một năm sau, ông Căn được điều động vào Khu ủy V, trở thành một điện báo viên của đài Minh Ngữ, Thông tấn xã Giải phóng Trung Trung Bộ. Năm nay đã gần 80 tuổi, những ký ức về thời kỳ hoạt động tại đài những năm 1973-1975 vẫn không hề phai nhạt trong ông.
Điện báo viên B8 (Thông tấn xã Giải phóng) đang thu phát tin. Ảnh: TTXVN
Điện báo viên B8 (Thông tấn xã Giải phóng) đang thu phát tin.
Ảnh: TTXVN

Những tháng cuối năm 1973, ông Đào Duy Căn là một trong số 7 cán bộ, kỹ thuật viên được Tổng xã điều động về tăng cường cho đài Minh Ngữ tại Khu ủy V (đóng tại huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam). Để nâng cao hiệu quả công tác thu phát tin, đáp ứng tốt yêu cầu của tình hình nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, đoàn cán bộ được trang bị hệ thống máy móc hiện đại như: máy thu phát tin teletip, máy phát điện, đồ nghề sửa chữa...

Ngày đó rất khó khăn, ngoài công việc chuyên môn, tất cả các cán bộ, điện báo viên, kỹ thuật viên ở đài đều phải đi tăng gia sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, thồ gạo, gánh nước để tự cung tự cấp. Một ngày 2 lần, các điện báo viên phân công nhau trực nhận tin và truyền tin chiến sự. Những người còn lại sẽ làm việc ở tổ hậu cần.

Ông Căn kể, thời đó, công cụ truyền tin chiến trường là máy điện báo 15W, sử dụng mã Morse để liên lạc. Mỗi ngày 2 lần, vào đúng giờ đã hẹn, các điện báo viên ở Khu ủy V sẽ ngồi trực, đeo tai nghe, cầm sẵn bút để chờ ghi lại thông tin do điện báo viên chiến trường gửi về. Máy điện báo 15W là loại di động, mỗi khi sử dụng phải cấp điện năng cho máy bằng cách quay mô tơ liên tục. Vì vậy, cần ít nhất hai người, một người ngồi gõ Morse, một người dùng tay quay mô tơ. Những bài viết dài, cần gõ Morse trong hàng giờ, cần phải luân phiên đổi người quay vì rất mỏi. Riêng khi phát tin ra Hà Nội, họ sẽ làm việc theo “hai chiều”, tức là điện báo viên của Tổng xã sẽ trao đổi trực tiếp qua tín hiệu, yêu cầu gõ lại những thông tin chưa rõ.

Cũng theo ông Đào Duy Căn, đặc thù của cán bộ điện báo là phát ra tín hiệu, có thể gây mất an toàn, lộ ra nơi trú ẩn của đơn vị, trở thành mục tiêu cho máy bay, pháo kích. Do vậy, tại chiến trường hay ở Khu ủy, các máy móc, thiết bị và điện báo viên luôn phải ở cách xa nơi đóng quân, ít nhất 2 giờ đi bộ. Vì vậy, tuy không trực tiếp đi vào vùng chiến sự nhưng các điện báo viên cũng luôn được đặt trong tình trạng nguy hiểm, có thể bị tấn công bất cứ lúc nào.

Từ Thông tấn xã Giải phóng đến Thông tấn xã Việt Nam

Ngày 29/3/1975, trong dòng người và xe nườm nượp đổ về giải phóng Đà Nẵng có người lính thông tin Đào Duy Căn. Ông là cán bộ đầu tiên của đài Minh Ngữ được cử đi về Đà Nẵng sớm để kiểm tra, tiếp quản các công trình, thiết bị liên lạc do tàn quân Ngụy để lại. Điều khiến ông ấn tượng nhất là sự đón tiếp nồng hậu, chu đáo bởi những người từng phục vụ cho quân ngụy.

Ngay khi đặt chân tới xã Điện Thắng (Quảng Nam), ông được chào đón tại Trạm đón tiếp cán bộ khu V. Tại đây, một anh thanh niên trẻ được phân công lái ô tô đưa đoàn công tác đi các cơ quan thông tin của quân ngụy như Bưu điện Đà Nẵng, Đài Phát thanh Đà Nẵng, Việt tấn xã Đà Nẵng... Anh thanh niên trẻ rất hồ hởi, nhiệt tình, tự giới thiệu từng bị bắt đi lính Ngụy, sau mới về với Cách mạng. Đến Đài Phát thanh Đà Nẵng, ông tiếp tục được đón tiếp nồng hậu bởi các cán bộ phụ trách đài, trưởng đài là một trung úy ngụy biệt phái. Họ cho biết đã kháng lệnh cấp trên, không phá hủy máy móc thiết bị mà giữ lại đài nguyên vẹn để bàn giao cho Quân Giải phóng.

Tổ phóng viên mũi nhọn của Việt Nam Thông tấn xã đưa tin, ảnh về Chiến dịch Hồ Chí Minh, tháng 4/1975. Ảnh tư liệu: TTXVN
Tổ phóng viên mũi nhọn của Việt Nam Thông tấn xã đưa tin, ảnh về Chiến dịch Hồ Chí Minh, tháng 4/1975. Ảnh tư liệu: TTXVN
“Người dân Đà Nẵng khi đó rất căm ghét chế độ Mỹ - Ngụy nhưng bị buộc phải phục vụ chúng. Vì vậy, khi  đoàn Quân Giải phóng tiến về, tất cả mọi người đều rất vui mừng, không phân biệt là dân thường hay những người phục vụ cho chế độ cũ, ai cũng hết lòng hỗ trợ chúng tôi nhiệt tình”, ông Căn nhớ lại.

Để làm nên Đại thắng Mùa Xuân 1975, chúng ta phải kể đến sự cống hiến hy sinh của những người con đất Việt, trong đó, những nhà báo, điện báo viên, nhân viên Thông tấn xã Giải phóng Trung Trung bộ, góp phần vào công cuộc thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử nước nhà.

Ngày 12/5/1976, Việt Nam Thông tấn xã cùng Thông tấn xã Giải phóng, đã chính thức hợp nhất với tên gọi là Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), hòa với khí thế cách mạng chung của toàn dân tộc, bước vào giai đoạn mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Hiện nay, tại trụ sở Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực miền Trung – Tây Nguyên (số 28 Lê Thánh Tôn, thành phố Đà Nẵng) còn lưu giữ rất nhiều kỷ vật chiến trường, những dòng tin, bức ảnh quý giá, in đậm khí thế hào hùng của các cán bộ, phóng viên Thông tấn xã Giải phóng Trung Trung Bộ.

Nói về những người chiến sỹ thông tin thế hệ trước, Nhà báo Ngô Anh Văn, Giám đốc Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực miền Trung – Tây Nguyên cho biết: Suốt 15 năm sống, chiến đấu trên các chiến trường miền Nam vô cùng gian khổ ác liệt, thiếu thốn trăm bề, chỉ với “vũ khí” thường trực là cây bút, chiếc máy ảnh, máy thu phát 15W, các phóng viên, kỹ thuật viên Thông tấn xã Giải phóng vẫn kiên cường bám trụ để chụp ảnh, viết tin. Nhiều người đã hy sinh, nhiều người bị thương, nhưng những chiến sỹ thông tin của Thông tấn xã luôn có mặt tại các điểm nóng bỏng nhất để làm công tác tuyên truyền, cổ vũ, động viên kịp thời quân dân miền Nam anh dũng chiến đấu và chiến thắng kẻ thù.

Khâm phục tinh thần vượt khó, hy sinh ấy của thế hệ những người làm báo Thông tấn xã Giải phóng, ngày nay, các thế hệ cán bộ, phóng viên TTXVN vẫn không ngừng tu dưỡng rèn luyện, phấn đấu vươn lên, tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, đầy tự hào của Thông tấn xã Giải phóng, góp phần xây dựng TTXVN ngày càng phát triển, luôn xứng đáng là cơ quan thông tin chiến lược tin cậy của Đảng và Nhà nước.
 
Quốc Dũng

Có thể bạn quan tâm