Đồng chí Trương Thị Mai phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN |
Toàn tỉnh Bình Thuận hiện có 34 dân tộc thiểu số với khoảng 101.700 người (chiếm trên 8% dân số của tỉnh). Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh ngày càng được cải thiện. Kinh tế nông nghiệp ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục phát triển ổn định; cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển dịch theo hướng tích cực; từng bước xác lập một số loại cây trồng phù hợp, sản lượng và hiệu quả ngày càng tăng. Các công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tập trung đầu tư xây dựng, đưa vào hoạt động. Kết quả, hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận cho biết: Những năm qua, tỉnh đã triển khai các dự án đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ đi lại, sản xuất, đời sống, văn hóa tinh thần cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, 100% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có đường ô tô thảm nhựa thông suốt đến trung tâm xã; sử dụng điện lưới quốc gia, hạ tầng bưu chính, viễn thông đều khắp. Qua 15 năm (2003 - 2018), tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số từ 24,63% (năm 2003) giảm xuống còn 10,04% (năm 2018), bình quân giảm 0,97%/năm. Từ năm 2009, 17/17 xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số đã được phủ sóng phát thanh, truyền hình; đến nay đã có trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia, có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, bản. Các xã đều đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học lớp 10 đạt 82,2%...
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN |
Việc đầu tư kết cấu hạ tầng thương mại, dịch vụ vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm. Thực hiện chính sách đầu tư ứng trước và trợ cước vận chuyển giống, vật tư để hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh, Trung tâm Dịch vụ miền núi (thuộc Ban Dân tộc tỉnh) đã xây dựng 11 cửa hàng ở các xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, 13 đại lý ở các thôn dân tộc thiểu số xen ghép để tổ chức cung ứng kịp thời các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống của đồng bào với 1.200 tấn với tổng giá trị trên 16 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, thông qua tổ chức đầu tư ứng trước đã giúp cho đồng bào có đủ giống, vật tư phân bón, hàng hóa đảm bảo chất lượng để sản xuất; đồng thời, thực hiện việc bao tiêu sản phẩm do đồng bào sản xuất ra với giá cả phù hợp, hạn chế tình trạng đồng bào phải đi vay lãi nặng, bị tư thương ép cấp, ép giá, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tại buổi làm việc, Tỉnh ủy Bình Thuận nêu một số kiến nghị liên quan đến chính sách dân tộc trên địa bàn như: Đề nghị Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành liên quan quan tâm trình cấp thẩm quyền phê duyệt bố trí vốn cho tỉnh Bình Thuận thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg, ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020. Nhằm nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số gắn với bảo vệ rừng, đề nghị Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành liên quan rà soát, báo cáo Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định số 75/2015/NĐ-CP, ngày 09/9/2015 về một số nội dung cho phù hợp với tình hình thực tế. Tại buổi làm việc, đồng chí Trương Thị Mai đánh giá cao những kết quả mà Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Bình Thuận đạt được sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW. Đời sống người dân vùng đồng bào các dân tộc của tỉnh đã có nhiều thay đổi. Kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực, đời sống đồng bào được cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần; cơ sở vật chất, chất lượng dịch vụ công được củng cố. Công tác giáo dục, y tế được đầu tư rộng khắp; đặc biệt công tác giảm nghèo đạt được nhiều kết quả tích cực… Trong thời gian tới, đồng chí Trương Thị Mai đề nghị tỉnh cần thực hiện một số nhiệm vụ như: Triển khai hiệu quả các chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho các dân tộc trên địa bàn; cần rà soát, lồng ghép tích hợp các chính sách để các chính sách phát huy hiệu quả, tập trung thay đổi sinh kế cho người dân, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân. Đồng thời, củng cố, xây dựng và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc triển khai các chính sách đầu từ cần tập trung, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các dân tộc, các vùng miền trong tỉnh. Đặc biệt đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc; giải quyết tốt các tiềm ẩn liên quan đến vấn đề an ninh trật tự, an toàn xã hội. Cùng ngày, Đoàn công tác đã đến thăm tặng 50 phần quà cho các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn của 3 xã Phan Điền, Hải Ninh và Phan Hiệp, huyện Bắc Bình (Bình Thuận). Đoàn gặp mặt và tặng 50 phần quà cho người có uy tín, già làng, gia đình đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn của huyện Bắc Bình. Tại đây, đồng chí Trương Thị Mai đã ân cần thăm hỏi về một số khó khăn trong cuộc sống hiện nay của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Bắc Bình; mong muốn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Bắc Bình nói riêng và tỉnh Bình Thuận nói chung cùng góp sức, chung tay xây dựng kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển.
Nguyễn Thanh