“Trụ cột” trong công tác tuyên truyền phát triển kinh tế, an ninh vùng biên tỉnh Nghệ An

Nghệ An có hơn 400 km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào, trải dài trên 6 huyện. Là địa bàn phức tạp về tình hình an ninh biên giới, tuy nhiên, những năm qua, nhờ sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các cấp, ngành, đặc biệt là đã tranh thủ, phát huy được vai trò, đóng góp của những già làng, người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động mà đời sống kinh tế-xã hội của đồng bào ngày càng nâng cao, bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc được giữ vững, đặc biệt an ninh vùng biên được đảm bảo.

vna_potal_nhung_“tru_cot”_trong_cong_tac_tuyen_truyen_phat_trien_kinh_te_an_ninh_vung_bien_nghe_an_7397977.jpg
Già làng Hoa Phò Ngành tại bản Xốp Lau, xã Mường Ải (Kỳ Sơn, Nghệ An) đã thành công với mô hình VAC, hỗ trợ cây, con giống cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương để phát triển kinh tế. Ảnh: Văn Tý - TTXVN

Khẳng định vai trò tiên phong, gương mẫu

Phần lớn người dân xã Mường Ải, huyện Kỳ Sơn thuộc dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú… đời sống còn rất nhiều khó khăn. Xác định trách nhiệm của người có uy tín, muốn bà con tin và làm theo thì đầu tiên bản thân phải làm được, già làng Hoa Phò Ngành, bản Xốp Lau, xã Mường Ải đã mạnh dạn xây dựng mô hình Vườn - ao - chuồng mang lại thu nhập cao. Đồng thời, già cũng tích cực hỗ trợ cây, con giống, kỹ thuật chăm sóc lợn, dê, bò cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo.

“Từng là cán bộ xã, vì vậy khi nghỉ hưu bản thân vẫn xác định trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đúng đường lối chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước. Đặc biệt, muốn bà con nghe theo thì bản thân trước hết phải gương mẫu đi đầu. Vừa rồi, khi có chủ trương trồng lúa vụ Đông Xuân năm 2024, gia đình già cũng phải gương mẫu thực hiện. Bởi vì đây lần đầu tiên bà con trong bản tiến hành gieo cấy vụ Đông Xuân nên nhiều người còn do dự nếu mình không làm trước thì bà con sẽ không làm theo”, già làng Hoa Phò Ngành chia sẻ.

Không chỉ đi đầu trong phát triển kinh tế, nhiều già làng, người có uy tín ở Nghệ An còn là những tuyên truyền viên “trụ cột” trong thực hiện các chính sách dân tộc, đảm bảo an ninh biên giới và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

Là địa bàn có cửa khẩu quốc tế đi qua nên xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn phải đối mặt với nhiều nguy cơ về an ninh trật tự. Tuy nhiên, nhờ phát huy được vai trò của 17 già làng, người có uy tín mà tình hình an ninh địa phương luôn được giữ vững. Đây cũng là một trong những địa phương đầu tiên ở Nghệ An đạt “Xã biên giới sạch ma túy”. Đặc biệt, trong thời gian COVID-19 hoành hành, nhờ công tác tuyên truyền mà người dân địa phương nâng cao trách nhiệm, tuân thủ các quy định của Nhà nước trong xuất, nhập cảnh.

Chị Mùa Y Ka, bản Trường Sơn, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn cho biết, người dân trong bản thường có mối quan hệ gần gũi với bà con bên kia biên giới nên thường sang thăm thân. Tuy nhiên, nhờ sự tuyên truyền vận động của chính quyền địa phương, Bộ đội Biên phòng và già làng Lầu Gà Lồng mà bà con đều chấp hành các quy định về xuất, nhập cảnh. Khi đi qua biên giới phải có hộ chiếu, có đủ giấy tờ theo quy định, đặc biệt nêu cao tinh thần cảnh giác không để kẻ xấu lợi dụng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

vna_potal_nhung_“tru_cot”_trong_cong_tac_tuyen_truyen_phat_trien_kinh_te_an_ninh_vung_bien_nghe_an_7397981.jpg
Già làng Lầu Gà Lồng (thứ 2, bên trái), bản Trường Sơn, xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn, Nghệ An) cùng cán bộ chiến sỹ Đồn biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn tuyên truyền vận động người dân chấp hành quy định về xuất nhập cảnh. Ảnh: Văn Tý - TTXVN

Già làng Lầu Gà Lồng, bản Trường Sơn, xã Nậm Cắn cho hay, với đặc thù địa phương có cửa khẩu đi qua, đời sống đồng bào còn khó khăn, nhận thức còn nhiều hạn chế nên công tác tuyên truyền luôn được đặt lên hàng đầu. Bản thân già thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, đồn Biên phòng để tuyên truyền nhân dân không vi phạm các tệ nạn xã hội như: không mua bán ma túy, không buôn bán phụ nữ, không vận chuyển tàng trữ các chất ma túy và chất cấm; không nghe cũng như làm theo lời xúi giục của các đối tượng xấu vi phạm pháp luật.

Theo Trung tá Phan Nhật Thành, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An, đồng bào ở đây chủ yếu là người dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú… nên vai trò của già làng, người có uy tín trong đời sống văn hóa còn rất đậm nét. Trong nhiều trường hợp, già làng, người có uy tín chính là lực lượng trực tiếp, đi đầu. Đơn cử như trong công tác hòa giải cơ sở, già làng, người có uy tín chính là lực lượng trực tiếp, đầu tiên, đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết những mâu thuẫn, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân. Vì vậy, thời gian qua, công tác phối hợp luôn được đơn vị chú trọng, nhờ đó đã phát huy vai trò của già làng, người có uy tín, an ninh trật tự an toàn xã hội vùng biên luôn được giữ vững.

Cần thêm chính sách hỗ trợ

Nghệ An hiện có hơn 900 người có uy tín, những năm qua cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã tranh thủ vai trò người có uy tín tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước. Qua đó, đã làm chuyển biến nhận thức đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trong sản xuất, kinh doanh, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương. Tuy nhiên, hiện nay các chính sách hỗ trợ cho những đối tượng này vẫn còn khá hạn chế.

Ông Vi Mỹ Sơn, Phó Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An cho biết, trình độ già làng, người có uy tín hiện nay có nhiều bước phát triển đáng kể. Đây là lực lượng gương mẫu, quan trọng trong công tác tuyên truyền thực hiện các chính sách về đồng bào dân tộc. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, chính sách dành cho người có uy tín mới thực hiện theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 6/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Riêng tỉnh Nghệ An do khó khăn về kinh phí nên chưa có chính sách gì hỗ trợ. Cũng theo ông Sơn, tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chính sách đối với người có uy tín vừa qua, vấn đề này được các địa phương kiến nghị lên Trung ương nhưng hiện nay vẫn chưa thực hiện được do hiện tại số lượng người có uy tín rất đông.

vna_potal_nhung_“tru_cot”_trong_cong_tac_tuyen_truyen_phat_trien_kinh_te_an_ninh_vung_bien_nghe_an_7397978.jpg
Già làng Hoa Phò Ngành tại bản Xốp Lau, xã Mường Ải (Kỳ Sơn, Nghệ An) chăm sóc đàn bò. Ảnh: Văn Tý - TTXVN

Có thể nói diện mạo vùng biên giới Nghệ An đang khởi sắc từng ngày, đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội của đồng bào các dân tộc không ngừng được nâng lên. Thành quả đó có sự đóng góp không nhỏ của già làng, người có uy tín trên khắp các thôn bản vùng biên giới. Trên thực tế mặc dù khối lượng công việc khá lớn nhưng hiện nay, người có uy tín không được hưởng lương, phụ cấp mà mỗi năm chỉ được thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, Tết của các dân tộc thiểu số (không quá 2 lần/năm với mức tặng quà không quá 500.000 đồng/người/lần). Vì vậy, để phát huy hơn nữa vai trò của già làng, người có uy tín, cần sớm có thêm những chính sách phù hợp với tình hình thực tế hiện nay để người có uy tín, già làng phát huy hết vai trò trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, đảm bảo an ninh biên giới.

Văn Tý

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm